Dệt may, da giày trong vòng xoáy xanh hóa

Áp lực bủa vây

Xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới do Chính phủ các nước phát triển đã và đang ban hành hàng loạt quy định nhằm chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Có thể kể đến Chiến lược về hàng dệt may tuần hoàn và bền vững của EU được giới thiệu vào tháng 6/2023; quy định về Thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) của EU sẽ có hiệu lực đầy đủ vào năm 2025, đặt ra các tiêu chuẩn thiết kế tối thiểu về khả năng vải chế, độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa và sử dụng các chất độc hại cho các sản phẩm được bán tại EU… Bên cạnh đó, nhằm hạn chế việc “tẩy xanh”, EU cũng dự kiến ban hành Chỉ thị về tuyên bố xanh (EU’s Green Claim Directive). Theo đó các công bố về phát triển bền vững của các nhãn hàng sẽ phải cụ thể và có dữ liệu chứng minh, được cơ quan độc lập xác minh và phải được truyền đạt cẩn trọng. Quy định này sẽ thúc đẩy các nhãn hàng lựa chọn nhà cung cấp thận trọng hơn.

Tương tự EU, Mỹ cũng đưa ra nhiều quy định về phát triển bền vững liên quan đến hàng dệt may như: Đạo luật Trách nhiệm giải trình dữ liệu doanh nghiệp về khí hậu và Đạo luật Phục hồi hàng dệt may có trách nhiệm áp dụng ở California; Đạo luật Trách nhiệm xã hội và bền vững thời trang New York; Đạo luật về vải; Đạo luật Thương mại và Đầu tư châu Mỹ; Đạo luật về Chống lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ,...

Trên thực tế, trong năm 2023, Việt Nam đã hụt hơi so với Bangladesh trên con đường xanh hóa, dẫn tới mất nhiều cơ hội với các đơn hàng châu Âu. Đối thủ của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may đã có tới 153 nhà máy đạt tiêu chuẩn LEED (chứng nhận về công trình xanh) vào năm 2023 và có thêm 500 nhà máy đang nộp hồ sơ để được cấp chứng nhận này. Điều này đã tạo áp lực khiến các DN dệt may của Việt Nam phải nhanh chân hơn trên hành trình chuyển đổi xanh.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI HCM) nhìn nhận, làn sóng phát triển bền vững sẽ tạo ra 2 xu hướng trong cộng đồng DN. Những DN lớn sẽ nắm thế chủ động trong việc triển khai các giải pháp xanh hóa và vượt lên, giành lấy ưu thế trong cuộc chiến thị trường. Trong khi đó, các DN nhỏ với hạn chế về năng lực tài chính, quản trị, sẽ ở thế bị động với nhiều khó khăn trong việc đưa các giải pháp xanh vào quy trình sản xuất.

Tuy nhiên, dù ở thế chủ động hay bị động, các DN đều đã thừa nhận rằng xanh hóa là “con đường một chiều” không thể đảo ngược trong bối cảnh hiện nay.

Doanh nghiệp làm gì?

Là một DN dệt may lớn của Việt Nam, Công ty CP Dệt may - Đầu tư – Thương mại Thành Công đã sớm nhận thấy xu hướng xanh hóa trong yêu cầu của các nước nhập khẩu lớn. Theo đó, từ năm 2017, May Thành Công đã xây dựng và tập trung đầu tư cho hoạt động R&D, nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm thân thiện với môi trường từ những vật liệu tái chế, như polyester, viscose, cotton. Công ty cũng từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn năng lượng thông qua việc nâng cao chất lượng quản lý, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, như sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời cho các nhà máy tại Vĩnh Long và đang nghiên cứu áp dụng rộng rãi cho các cơ sở, nhà máy khác trong thời gian tới.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT May Thành Công cho biết, công ty đang áp dụng nhiều chương trình xử lý chất thải, nước thải, quản lý hóa chất, giảm tiêu thụ năng lượng cũng như thay đổi chất đốt. Thay vì sử dụng than đá, DN này chuyển dần sang nhiên liệu sinh khối (biomass) để giảm lượng carbon. Theo đó, với mỗi 10% biomass được thay thế sẽ giúp giảm 2.500 tấn carbon mỗi năm. Hàng tháng, công ty đều cập nhật và công bố số liệu này trên website, để các khách hàng cũng như nhà đầu tư có thể vào xem, nắm được hiệu quả của việc giảm phát thải của công ty.

Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), lượng điện sử dụng năm 2023 của các đơn vị thành viên đã giảm hơn 2% so với năm 2022 nhờ triển khai áp dụng các chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng điện năng tái tạo vào hoạt động sản xuất. Hiện tổng lượng điện áp mái của các đơn vị thành viên Vinatex đã đưa vào sử dụng đạt tới trên 17 triệu kWh, trong đó nhiều đơn vị có sản lượng điện áp mái đưa vào sử dụng đạt trên 2 triệu kWh.

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cũng triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động các dự án nhà máy xanh theo các tiêu chuẩn LEED, Lotus. Qua đó mang lại những giá trị kinh tế cho DN và tạo môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả cho người lao động, đặc biệt là góp phần tích cực để bảo vệ môi trường.

Trong thông điệp gửi tới các cổ đông mới đây, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG nhấn mạnh, khi xu thế thương mại xanh là tất yếu, những bước đi đầu tiên trên hành trình cắt giảm carbon hôm nay sẽ đặt nền móng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Theo ông Thời, thách thức với DN dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may… “Mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng chuyển đổi xanh là tất yếu và TNG sẽ mạnh dạn đi trước đón đầu để tiếp tục giữ vững vị thế của mình trên thị trường xuất khẩu” – ông Thời nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực da giày, Công ty Cát Long – chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu đi Mỹ, Nhật cũng đang từng bước thực hiện chuyển đổi sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Bà Kiều Thị Tâm Anh, Giám đốc Cát Long cho biết, công ty đã sử dụng nguyên liệu tái chế để sản xuất các sản phẩm giày dép. Đặc biệt, các sản phẩm đế giày làm từ vỏ trấu, vỏ đậu phộng của công ty đã được xuất khẩu đi châu Âu trong nhiều năm qua.

Dù đã có những bước đi tích cực nhưng chi phí vẫn là bài toán khó đối với các DN trong hành trình xanh hóa. Bà Tâm Anh cho biết, các sản phẩm giày đế trấu, đế đậu phộng có giá bán không cao hơn so với sản phẩm thông thường. Trong khi DN cũng không nhận được hỗ trợ gì của Nhà nước trong việc phát triển các sản phẩm này để có thêm động lực theo đuổi con đường này. Ngay cả với DN lớn như May Thành Công, ông Trần Như Tùng cũng chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn, việc vừa phải lo tạo ra doanh thu, vừa đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp, bởi các khoản chi phí liên quan đến môi trường không hề rẻ. Theo đó, các DN mong muốn nhận được các ưu đãi của Nhà nước về thuế, lãi vay để có nguồn lực đầu tư sản xuất xanh.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn