ĐHĐCĐ IDC: Mở rộng quỹ đất 1,500 - 2,000 ha trong 5 năm tới

Sáng ngày 19/04, Tổng Công ty IDICO - CTCP (HNX: IDC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh 2022 cũng như kế hoạch 5 năm (2022-2026).

Trực tuyến 

ĐHĐCĐ IDC: Mở rộng quỹ đất 1,500 - 2,000 ha trong 5 năm tới

Sáng ngày 19/04, Tổng Công ty IDICO - CTCP (HNX: IDC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh 2022 cũng như kế hoạch 5 năm (2022-2026).

ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của IDC tổ chức sáng ngày 19/04

Thảo luận

Tại sao đề cử người của SSG vào HĐTQ IDC?

Ông Đặng Chính Trung - Tổng Giám đốc: Trong hệ sinh thái của IDC có những vấn đề liên quan đến phát triển nhà ở cạnh KCN. IDC phát triển cả hệ thống hạ tầng của xã hội, vừa việc làm, vừa chỗ ở và phía SSG lại có nhiều kinh nghiệm nên việc đề cử bà Nguyễn Thị Như Mai vào HĐQT sẽ giúp HĐQT tăng nhìn nhận về việc phát triển các dự án bất động sản.

IDC phát triển quỹ đất như thế nào?

Ông Đặng Chính Trung: IDC không muốn phát trển quá nhanh, thay vào đó sẽ phát triển một cách thận trọng, kế hoạch 5 năm tới quỹ đất có thể phát triển từ 1,500 - 2,000 ha.

Vì sao ông Lê Bá Thọ không tham gia HĐQT nữa?

Ông Đặng Chính Trung: Ông Lê Bá Thọ đã giúp đỡ công ty nhiều trong công tác tái cấu trúc. Nay theo nguyện vọng cá nhân nên HĐQT cũng sẽ tôn trọng ý kiến của ông Thọ.

Kế hoạch cho thuê trong năm 2022?

Ông Đặng Chính Trung: Trong quý 1, Công ty đã cho thuê được 22 ha, tập trung ở KCN Hựu Thành, thực hiện được 25% kế hoạch năm. Giá thuê hiện nay đã tăng 20% so với giá chiết khấu trước đây.

Công ty đang nghiên cứu phát triển mảng nhà xưởng cho thuê nhằm đón đầu dòng vốn đầu tư từ nước ngoài.

Việc thắt chặt phát hành trái phiếu có ảnh hưởng đến công ty hay không?

Ông Đặng Chính Trung: Công ty đã xác định vấn đề từ 2 năm trước nên chuẩn bị đủ lượng tiền mặt để chứng minh năng lực tài chính thực hiện các dự án.

Việc sử dụng vốn từ đợt trái phiếu 400 tỷ đồng?

Ông Đặng Chính Trung: Đợt phát hành trái phiếu 400 tỷ đồng của IDC là để đầu tư dự án Thủy điện Đak Mi 3 nhưng hiện dự án đang gặp sự cố do thủy văn thay đổi bất thường và đã kéo dài gần 1 năm. Lãi suất huy động là 8%/năm, thấp hơn so với đi vay từ 9%-10%, do đó đây là hoạt động tài chính có hiệu quả, đảm bảo cho việc vận hành của Công ty.

Tiềm năng của mảng cho thuê?

Ông Đặng Chính Trung: Thắt chặt về đầu tư tài chính hiện nay đang chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản nhằm hạn chế tạo ra giá ảo, bong bóng bất động sản. Điều này sẽ giúp hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất, đồng nghĩa với nhu cầu thuê KCN tăng. Do đó, việc Nhà nước thay đổi cấu trúc về đầu tư tài chính, bất động sản, đẩy mạnh về thu hút đầu tư để tạo ra sản phẩm xã hội sẽ tạo cơ hội cho IDC phát triển trong thời gian tới.

Làm thế nào để phát triển ổn định?

Ông Đặng Chính Trung: Cần phải xác định thế mạnh của Công ty. IDC được biết đến là công ty phát triển hạ tầng KCN và có những quỹ đất đắc địa. Thứ hai, Công ty có nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm và tình hình tài chính tốt với 1,500 tỷ đồng tiền gửi.

Về quỹ đất, Công ty đang có khoảng 800 ha, trong đó hơn 1 nửa đã sẵn sàng cho thuê. Hệ sinh thái KCN không chỉ cho thuê mà còn sẽ phát triển thêm các dịch vụ như cung cấp điện, cung cấp nước,…

Phía trên là các hướng đi đã được Công ty xác định, IDC sẽ không phát triển các hướng không hiệu quả, phiêu lưu và nhiều rủi ro như phát triển xây dựng.

Lợi nhuận tăng 88% năm 2022

Đối với năm 2022, IDC kỳ vọng tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt lần lượt 7,971 tỷ đồng và 2,765 tỷ đồng, tăng 38% và 88% so với kết quả của năm 2021. Công ty dự kiến chia cổ tức 2022 với tỷ lệ 40%, tuy nhiên hình thức chi trả vẫn chưa được xác định.

Giai đoạn 2022-2026, IDC đề ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế mỗi năm dao động trong khoảng từ 15%-30%.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2022-2026) của IDC. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Trong hoạt động đầu tư, IDC lên kế hoạch đầu tư 2,673 tỷ đồng trong năm 2022, trong đó tập trung chủ yếu ở KCN Hựu Thành (1,166 tỷ đồng) tại tỉnh Long An và KCN Cầu Nghìn (429 tỷ đồng) tại tỉnh Thái Bình.

Còn trong giai đoạn 2022-2026, IDC dự kiến đầu tư tổng cộng 26,010 tỷ đồng cho các hoạt động của công ty mẹ và 10,799 tỷ đồng cho các hoạt động tại các công ty con. Công ty sẽ phát triển thêm một số lĩnh vực mới như chuỗi dịch vụ đi kèm bất động sản KCN, điện năng lượng mặt trời áp mái,… bên cạnh đó vẫn tiếp tục phát triển các dự án bất động sản như các dự án nhà ở, đô thị tại Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, KCN Quế Võ 2 và KCN Mỹ Xuân B1.

Trong lĩnh vực KCN, IDC sẽ cải tạo, chỉnh trang các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với nhóm dự án đã cho thuê hết đất như KCN Nhơn Trạch 5 và Mỹ Xuân A.

Đối với nhóm dự án đang trong quá trình đầu tư, Công ty lên kế hoạch nâng cao tiện ích hạ tầng, cảnh quang tại KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng để tạo cơ sở nâng phí quản lý hạ tầng hàng năm. Bên cạnh đó, IDC sẽ tiếp tục hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tại KCN Hựu Thạnh và KCN Cầu Nghìn.

Về lĩnh vực điện năng, Công ty dự kiến sẽ tập trung hoàn thành công tác đầu tư tại Nhà máy thủy điện Đak Mi 3 cũng như tiếp tục nghiên cứu các dự án năng lượng mới.

Sau khi ông Lê Bá Thọ và bà Trần Thanh Linh nộp đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Thành viên Ban Kiểm soát, ĐHĐCĐ thường niên 2022 sẽ thực hiện bầu bổ sung vào các vị trí đang bỏ trống.

Bà Nguyễn Thị Như Mai – Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn SSG – cổ đông lớn nhất của IDC đã được nhóm cổ đông với tỷ lệ sở hữu 33.27% đề cử tham gia vào HĐQT IDC. Dù không có công bố chính thức nhưng tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông đã đề cử bà Mai trùng với tỷ lệ sở hữu hiện tại của CTCP Tập đoàn SSG tại IDC.

Mặt khác, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Việt (Công ty Bách Việt) – cổ đông lớn thứ 2 của IDC cũng được cho là có động thái muốn bổ sung nhân sự vào ban điều hành. Cụ thể, một cổ đông tổ chức có tỷ lệ sở hữu 11.93% - trùng với tỷ lệ sở hữu của Công ty Bách Việt – đã đề cử ông Võ Tấn Dũng Phó Giám đốc Ban quản lý các Dự án thuộc IDC đảm nhiệm vị trí Thành viên Ban Kiểm soát đang bị bỏ trống.

Đại hội kết thúc với các tất tờ trình được thông qua.

Hà Lễ

FILI