ĐHĐCĐ Vinaconex: Lợi nhuận quý I ước đạt 400 tỷ đồng, đầu tư công là mũi nhọn

Sáng 24/4, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Tại đại hội, Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh cho biết, năm 2023, doanh nghiệp này vẫn duy trì ổn định và hiệu quả các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi. Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất đạt 12.965 tỷ đồng (bằng 135% thực hiện so với năm 2022), lợi nhuận sau thuế đạt 396 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt toàn hệ thống với tổng doanh thu đạt 8.741 tỷ đồng, (bằng 106% so với thực hiện năm 2022), lợi nhuận sau thuế đạt 220 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 12%, bằng 120% kế hoạch đề ra.

Ông Thanh cho biết thêm, riêng trong năm 2023, Vinaconex đã liên tiếp trúng nhiều gói thầu lớn với tổng giá trị 13.200 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong top 10 nhà thầu xây dựng Việt Nam năm 2023.

Thời gian qua, doanh nghiệp được lựa chọn tham gia thi công tại nhiều dự án trọng điểm quốc gia. Trong đó có 2 gói thầu tại dự án sân bay Long Thành; một số gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 (đoạn: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Vũng Áng – Bùng,Vân Phong – Nha Trang, Biên Hoà – Vũng Tàu); gói thầu 09 – TP2/XL thuộc dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô… và một số dự án lớn khác có vốn đầu tư FDI như dự án khu công nghiệp sạch Hưng Yên, dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh), dự án JSH Hà Nam.

Chủ tịch Vinaconex thông tin doanh nghiệp hiện sở hữu quỹ đất trên 2.000ha, cung cấp các sản phẩm bất động sản thuộc các lĩnh vực như nhà ở (chung cư, biệt thự, liền kề), khu đô thị du lịch - nghỉ dưỡng, hạ tầng khu công nghiệp… trong đó có thế kể đến như dự án Green Diamond 93 Láng Hạ, Cát Bà Amatina – một trong những dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn nhất miền Bắc, khu đô thị đại lộ Hoà Bình (Móng Cái), dự án thuỷ điện Đăkba (Quảng Ngãi) được Công ty Cổ phần Bách Thiên Lộc (do Tổng công ty sở hữu 99,9% vốn điều lệ) đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa phục hồi ảnh hưởng đến tiến độ dự án của công ty. Do đó, doanh nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch triển khai đối với một số dự án tại Quảng Nam, Phú Yên để đảm bảo an toàn vốn và hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tìm kiếm, phát triển các dự án, trong đó nổi bật là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư…

Năm 2024, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 15.000 tỷ đồng và 950 tỷ đồng, bằng 115% và 240% so với thực hiện năm 2023; doanh thu, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt đạt 10.500 tỷ đồng và 860 tỷ đồng, bằng 120% và 391% với thực hiện năm 2023. Tỷ lệ cổ tức đạt 12%.

Sau phần đọc tờ trình, đại hội bước vào phần thảo luận.

- Kế hoạch kinh doanh dự án Cát Bà Amatina (Hải Phòng) trong năm nay ra sao?

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex: Khu đô thị du lịch Cát Bà Amatina là dự án đặc biệt đã từng dừng thực hiện hơn 10 năm, sau khi thoái vốn, Vinaconex đã khởi động lợi dự án này. Hiện tại, dự án đã xong thủ tục pháp lý, có sổ đỏ, công tác hạ tầng cơ bản đã hoàn thành. Vì dự án cũ nên trong giai đoạn trước có một phần dự án đã kinh doanh. Trong bối cảnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang trầm lắng, việc đưa dự án vào kinh doanh giai đoạn tiếp đang được ban lãnh đạo hết sức cân nhắc. Chúng tôi sẵn sàng kinh doanh khi thị trường cho phép.

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex: Chúng tôi phấn đấu hoàn thành kế hoạch đặt ra trong năm 2024.

Vinaconex vẫn tiếp tục bơm vốn cho dự án Cát Bà. Về khoản tiền 2.200 tỷ đồng Vinaconex rút từ việc hợp tác với VCR, do thị trường yếu mà doanh nghiệp có phát hành trái phiếu để xây hai toà khách sạn nhưng tình hình thị trường xấu, xây không bán được nên quyết định tạm dừng xây, rút về trả lãi trái phiếu để giảm lãi chứ không phải Vinaconex rút khỏi dự án Cát Bà.

- Dự án Green Diamond (số 93 Láng Hạ, Hà Nội) có bao nhiêu căn hộ, tình hình bán hàng và lợi nhuận có tốt hay không?

Ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc Vinaconex: Dự án 93 Láng Hạ có 324 căn hộ, trong đó có 100 căn tái định cư, 224 căn hộ thương mại, có 5 tầng dịch vụ thương mại văn phòng và 1 tầng tiện ích. Dự án đã nghiệm thu hoàn thành công trình vào tháng 6/2023, bán và bàn giao căn hộ cho khách hàng vào tháng 5/2023.

Tính đến thời điểm hiện nay, dự án cơ bản hoàn thành công tác bán hàng, đang thực hiện làm hồ sơ sổ đỏ cho 86 căn hộ đầu tiên. Lợi nhuận dự án đã được ghi nhận vào năm 2023, ghi nhận doanh thu 1.734 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 447 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2024, doanh thu dự kiến đạt 906 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 275 tỷ đồng.

Ông Đào Ngọc Thanh: Nói thêm về dự án này, ngoài thành công về kinh tế còn là thành công về xây dựng và thương hiệu. Bởi đây là tòa nhà nằm tại trung tâm Hà Nội nhưng lại là tòa cải tạo nên câu chuyện làm dự án khá nhức nhối, nhưng sự thành công của dự án cho thấy sự nỗ lực tạo của Vinaconex.

- Nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận của VCG trong 2023 đều thấp so với kế hoạch

Ông Đào Ngọc Thanh: Do tình hình kinh tế thế giới căng thẳng nên ảnh hưởng chung đến kinh tế trong nước. Nếu không có lộ trình phát triển thì khó có thể đạt được doanh thu và lợi nhuận nhưng chúng ta đã đạt được lợi nhuận đặt ra, đây là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh

Trong 3 trụ cột của Vinaconex gồm: xây dựng, bất động sản, tài chính thì xây dựng là lĩnh vực ghi nhận thành công nhất trong năm 2023. Ngoài ra, trụ cột tài chính như năng lượng, thủy điện… cũng thành công. Tuy nhiên, trụ cột bất động sản lại khó khăn.

- Định hướng hoạt động của VCG trong thời gian tới tập trung lĩnh vực nào?

Ông Đào Ngọc Thanh: VCG tập trung xây dựng trên 3 trụ cột là ngành xây lắp, bất động sản, tài chính. Tất cả những cơ hội nào có thể có được mang lại hiệu quả, mang lại thành công thì Vinaconex sẵn sàng làm. Trước mắt, đầu tư công là mũi nhọn của VCG.

- VCG cho biết tình hình dự án khu công nghiệp Đông Anh?

Ông Đào Ngọc Thanh: Dự án mới được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư chỉ 2 tháng nên chưa nói rõ được điều gì. Như chúng ta cũng biết việc đầu tư ở Việt Nam phức tạp, bởi vấn đề giải phóng mặt bằng rất khó khăn.

- VCG đang tham gia nhiều công trình hạ tầng lớn, hiệu quả như thế nào?

Ông Đào Ngọc Thanh: Hiệu quả cực kỳ thấp và khó khăn nhưng quan điểm của chúng tôi trong quá trình thi công sẽ có thuận lợi, nhưng cố gắng không lỗ. Tại dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 vừa qua đã có nhiều nhà thầu bỏ cuộc vì thua lỗ nhưng chúng tôi phấn khởi vì đứng vững, trở thành thương hiệu lớn về xây dựng đường cao tốc Bắc Nam và các các gói thầu về cao tốc khác.

- Năm 2023, VCG không đạt kế hoạch do tình hình điều kiện khách quan, vậy năm 2024 khả năng hoàn thành kế hoạch của ban lãnh đạo đặt ra như nào?

Ông Đào Ngọc Thanh: Câu hỏi hay nhưng khó trả lời. Khi đặt kế hoạch chúng tôi không nghĩ là đưa ra một bức tranh rồi không làm. Chúng tôi sẽ cố gắng để hoàn thành. Khi đã đặt ra phải tìm bằng mọi cách để thực hiện, chúng tôi năm nay còn có kế hoạch tăng vốn để nâng cao năng lực của tổng công ty. Hiện nay, Vinaconex mới ký 1 gói hợp đồng rất lớn với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm tại Hà Nội, trong đó tập trung vào 2 dự án lớn là cầu Tứ Liên và tuyến metro số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh.

Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông: Năm 2023 VCG đặt kế hoạch tương đối cao so với 2022 nên không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn có lãi. Khẳng định trong năm 2024, chúng tôi sẽ hoàn thành kế hoạch. Từ nay đến cuối tháng 4 sẽ có báo cáo quý I, ước tính lợi nhuận quý này đạt khoảng 400 tỷ đồng.

Trên cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh thì một số công trình cao tốc giai đoạn 1 đã hạch toán hết lỗ trong 2023, ban điều hành quyết tâm đạt kế hoạch trong 2024, ước tính trên 90% là đạt được mục tiêu. Về vấn đề thanh kiểm tra, đây là điều rất bình thường trong quản lý đầu tư công, VCG cố gắng tuân thủ tốt các quy định pháp luật về đấu thầu, công tác chất lượng, tiến độ.

Kết thúc đại hội, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam thông qua các tờ trình.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn