Điểm danh 8 nhóm ngành nền tảng cơ bản tốt, định giá hấp dẫn, xứng đáng đầu tư khi thuế quan chưa rõ ràng

Trong cập nhật triển vọng thị trường mới đây, Chứng khoán BSC cho rằng sau kết quả kinh doanh Q1/2025, định giá VN-Index vẫn đang giao dịch ở vùng hấp dẫn so với quá khứ, ở trên mức -1 lần độ lệch chuẩn (PE trailing = 12.72 lần), theo đó P/B cũng đang giao dịch ở vùng tiệm cận lịch sử đáy 4 năm (PB trailing = 1.64 lần).

Trong bối cảnh nhiều biến động nhà đầu tư nên tập trung vào yếu tố vi mô nội tại doanh nghiệp thay vì đoán định các yếu tố khó lường từ chính sách vĩ mô.

BSC đưa ra một số yếu tố cần đánh giá và các chủ đề đầu tư gợi ý để lựa chọn cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể ưu tiên giai đoạn hồi phục để tái cấu trúc danh mục ưu tiên các cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng như có nền tảng cơ bản tốt, định giá ở mức hấp dẫn, trong bối cảnh triển vọng đàm phần về thuế vẫn chưa rõ ràng.

Các nhóm này gồm Dược phẩm; Công nghệ; Chăn nuôi; Phân bón – Hoá chất; Viễn thông; Du lịch – Giải trí; Hàng không; Bất động sản Nhà ở. 

Đối với kịch bản thuế quan diễn biễn theo chiều hướng tích cực hơn, nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của thuế quan có mức định giá đã bị chiết khấu sâu, nhằm tận dụng đà phục hồi của thị trường.

Trong kịch bản cơ sở thuế quan mà BSC đưa ra, phần lớn thuế suất Mỹ áp cho hàng hóa Việt Nam từ 15-25%.

Kịch bản này dựa trên việc các mặt hàng chủ lực của Việt Nam có giá rẻ hơn so với các nước trong khu vực khoảng 15% - 20%. Việt Nam có vị trí thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải thế giới, môi trường kinh doanh, môi trường chính trị ổn định. Chính phủ Việt Nam có nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, ví dụ: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế đất phi nông nghiệp.

Cấu trúc xuất khẩu chính của Việt Nam nằm ở khối FDI (chiếm tỷ trọng khoảng 70%), với nhóm sản phẩm chính là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Điện thoại và các linh kiện. Xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các mặt hàng liên quan đến đồ điện tử chiếm khoảng 46% tổng giá trị xuất khẩu. Tổng thống Trump cho rằng thuế quan 10% là mức sàn, và 46% là mức trần.

Điểm danh 8 nhóm ngành nền tảng cơ bản tốt, định giá hấp dẫn, xứng đáng đầu tư khi thuế quan chưa rõ ràng - Ảnh 1

Trong đó, ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như dệt may. Trong trường hợp Việt Nam bị áp thuế tương đương với các đối thủ cạnh tranh khác như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia,… BSC cho rằng các doanh nghiệp may mặc vẫn có khả năng để giữ đơn hàng nhờ lợi thế nhân công tay nghề cao làm được các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn với năng suất cao hơn các đối thủ; đáp ứng các tiêu chí ESG và tình hình chính trị ổn định. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, lượng đơn hàng có thể giảm do nhu cầu hiện tại không quá mạnh tại Mỹ.

Thủy sản: Dù bị áp thuế BSC cho rằng khả năng cạnh tranh của cá tra Việt Nam so với các sản phẩm thay thế khác vẫn là tương đối, đặc biệt khi so với cá Rô Phi Trung Quốc. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sản lượng xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng khi nhu cầu tại thị trường Mỹ không quá mạnh thể hiện qua sản lượng giảm trong Q1/2025 và đầu Q2/2025.

Gỗ: Ở mức thuế này, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sẽ chịu mức thuế gần như tương đương so với Canada và thấp hơn so với Trung Quốc, nhìn chung khả năng cạnh tranh trong dài hạn là vẫn còn, đặc biệt đối với Trung Quốc khi đây là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu đầu gỗ vào Mỹ lớn thứ 2 thế giới. Trong ngắn hạn, nhu cầu và đơn hàng sẽ giảm đáng kể do đây là sản phẩm tiêu dung không thiết yếu và nhu cầu của thị trường chưa hồi phục doanh số nhà ở tại Mỹ neo ở mức thấp.

Bất động sản Khu công nghiệp: BSC cho rằng dòng vốn FDI sẽ chậm lại trong năm 2025 và xu hướng đa dạng hóa chuỗi sản xuất tiếp tục được đẩy mạnh sang nhiều quốc gia hơn để phân tán rủi ro, ảnh hưởng đến tốc độ cho thuê đất của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cần theo dõi thêm về quá trình đàm phán giữa Việt Nam – Hoa Kỳ vì điều khoản đảm bảo nguồn gốc hàng hóa, linh kiện, phụ kiện sẽ giúp dòng vốn FDI tích cực hơn nhờ sự tham gia của các doanh nghiệp cung ứng “đầu nguồn”. 

Hóa chất - Phân bón: Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ của nhóm doanh nghiệp Hoá chất – Phân bón hiện ở mức thấp. Nhóm này có khả năng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và linh hoạt điều chỉnh cơ cấu tiêu thụ, qua đó tác động từ việc Mỹ nâng thuế nhập khẩu là không đáng kể. 

Săm lốp: Mỹ đang áp dụng biện pháp tạm thời với mức thuế bổ sung 10%. Nếu không gia hạn biện pháp này, các sản phẩm săm lốp mã HS 4011.10.x và 4011.20.x sẽ chịu mức thuế bổ sung 25% theo Proclamation 10908, áp dụng với tất cả các quốc gia ngoại trừ Mexico. Điều này có thể gây áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận và sức cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu săm lốp sang Mỹ.

Nhóm ảnh hưởng gián tiếp gồm Cảng biển Logistics: Với mức thuế này, sản lượng Container sẽ chỉ suy giảm nhẹ tại các cụm cảng nước sâu do phục vụ đa dạng thị trường và quốc gia, lợi thế về vị trí nằm trên tuyến đường vận tải quốc tế. Mặt khác, các cảng sông không chịu tác động đáng kể do chủ yếu tập trung khai thác thị trường Nội Á.

Thép: Thép không nằm trong danh mục sản phẩm chịu thuế đối ứng. Ngoài thuế nhập khẩu là 25%, thì các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ phải chịu thuế suất 40% - 88%, khó cạnh tranh khi xuất khẩu vào Mỹ. Các doanh nghiệp sản xuất HRC hiện tại chỉ chịu thuế nhập khẩu là 25%, vẫn duy trì vị thế cạnh tranh, và có khả năng đẩy xuất khẩu.

Ngân hàng: Với vai trò của tổ chức trung gian, tăng trưởng của ngành chỉ chịu tác động gián tiếp từ việc suy giảm chung của các hoạt động kinh tế như xuất nhập khẩu và thu hút FDI, từ đó tăng trưởng tín dụng khó có thể đạt mục tiêu >16% của Ngân hàng Nhà nước. Điểm đáng kì vọng trong bối cảnh hiện tại sẽ đến từ các biện pháp thúc đẩy cung ứng vốn ra nền kinh tế và tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất thị trường 1, tương tự các giai đoạn khủng hoảng trước đó.

Tiêu dùng bán lẻ: Tiêu dùng bán lẻ: kỳ vọng thu nhập và sức mua được duy trì ổn định và áp lực cạnh tranh giữa các sản phẩm thay thế không quá gay gắt đối với nhóm ngành tiêu dùng thiết yếu, trong khi nhóm ngành không thiết yếu vẫn bị phân hóa theo từng ngành kinh doanh.

Ngành giấy chịu tác động tiêu cực gián tiếp vì 40% sản lượng tiêu thụ giấy là đến từ các doanh nghiệp xuất khẩu và tiếp tục đối mặt với áp lực dư cung.

Xem thêm tại vneconomy.vn