Điểm danh những ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, HĐQT LPBank trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%, mức trả bằng tiền mặt cao nhất trong khối ngân hàng hiện nay. Với tỷ lệ này, LPBank dự kiến sử dụng khoảng 7.468 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế để chi trả cổ tức cho cổ đông.
Tại đại hội, ông Hồ Nam Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, hiện vốn điều lệ của ngân hàng đã đạt được 29.872 tỷ và vốn chủ sở hữu lên tới 45.000 tỷ. Tỷ lệ CAR đến ngày 31/3 là 13,81% so với quy định của NHNN là 8%. Do đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt không ảnh hưởng đến hệ số CAR và các hệ số an toàn của ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank, chia sẻ thêm, năm ngoái ban lãnh đạo đã trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức trên dưới 18%, đến nay dự kiến chia 25%. Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, LPBank vẫn đặt mục tiêu chia cổ tức với tỷ lệ cao nhất cho cổ đông, tuy nhiên, tỷ lệ thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hiệu quả kinh doanh, tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách thuế quan, các biến động của thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh LPBank, nhiều ngân hàng khác cũng công bố kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong năm nay.
Ngân hàng VIB thông báo ngày 22/4 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 7%. VIB dự kiến chi 2.085 tỷ đồng để trả cổ tức, tương ứng 700 đồng cho mỗi cổ phiếu. Thời gian thanh toán sẽ diễn ra vào ngày 23/5, đưa VIB trở thành ngân hàng đầu tiên thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt trong năm 2025.
Sau khi trả cổ tức tiền mặt lần đầu sau 10 năm vào năm 2024, năm nay, các cổ đông của Techcombank dự kiến sẽ tiếp tục được nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu, theo tờ trình đã được ĐHĐCĐ thường niên 2025 thông qua mới đây. Đây tiếp tục là một trong những mức cổ tức tiền mặt cao đã công bố trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, thể hiện sức mạnh nội tại của ngân hàng. Thời điểm và tiến độ thực hiện cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và các điều kiện thực tế của ngân hàng, đảm bảo lợi ích của cổ đông.
Tương tự, tại đại hội đồng cổ đông 2025, Ngân hàng ACB cũng thông qua phương án trả cổ tức 25%, trong đó 10% sẽ được chi trả bằng tiền mặt, tương đương ACB sẽ chi khoảng 4.466 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Trong khi đó, ĐHĐCĐ thường niên 2025 của VPBank đã thông qua chia cổ tức 5% bằng tiền mặt từ lợi nhuận chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2024, với tổng số tiền dự kiến khoảng 3.967 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II hoặc quý III/2025. Trước đó, năm 2024, VPBank đã chi tới 7.934 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%.
Tại đại hội, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank chia sẻ: “Trong 3 năm qua, VPBank đã duy trì việc chia cổ tức tiền mặt, mỗi năm đều dành khoảng 4.000 tỷ đồng cho hoạt động này. Tổng cộng 3 năm, ngân sách dành cho cổ tức tiền mặt đã đạt gần 20.000 tỷ đồng. Việc chia cổ tức được thực hiện sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của cổ đông, vừa đảm bảo ngân hàng vẫn có đủ vốn để duy trì tăng trưởng ở mức tương đối cao theo chiến lược đã đề ra”.
Tương tự, ĐHĐCĐ MB mới đây đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức tổng tỷ lệ 35%, trong đó có 3% bằng tiền mặt, tương đương khoảng 1.831 tỷ đồng.
SHB dự kiến chi khoảng 7.317 tỷ đồng để chia cổ tức trong năm 2025, với tỷ lệ chia bằng tiền mặt 5% và bằng cổ phiếu 13%. Phương án này cũng đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua.
Ngân hàng OCB lần đầu tiên kể từ khi niêm yết công bố kế hoạch trả cổ tức tiền mặt, với tỷ lệ 7%, tương đương ngân hàng sẽ chi hơn 1.726 tỷ đồng để trả cổ tức. Trước đó, OCB chủ yếu sử dụng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.
TPBank dự kiến chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2024.
Ngoài ra, HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024 đạt gần 16.730 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ và cộng với khoản lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước, HDBank có khoảng 10.396 tỷ đồng lợi nhuận, dự kiến có thể dùng để chia cổ tức.
Việc hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần lớn công bố kế hoạch trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao cho thấy sức khỏe tài chính ổn định, đồng thời thể hiện cam kết gia tăng lợi ích cho cổ đông. Bên cạnh chia cổ tức bằng tiền mặt, nhiều ngân hàng cũng công bố phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nhằm củng cố bộ đệm tài chính, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững.
Xem thêm tại cafef.vn