Điểm nóng bất động sản Đông Anh
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới G19 tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh.
Lên "dây cót" cho loạt dự án lớn
Dự án có diện tích khoảng 26,1 ha, hiện trạng chủ yếu là đất nông nghiệp sử dụng ổn định trước ngày 1/4/2004 và đất mương đường nội đồng. Đây là một trong những dự án được xác định đẩy nhanh tiến trình lên quận của Đông Anh.
Tại khu đô thị này sẽ xây dựng 174 căn nhà ở liền kề cao 5 tầng, 56 căn nhà ở biệt thự cao 3 tầng, một tòa nhà ở xã hội 1 cao 30 tầng với 598 căn, một nhà ở xã hội cao 25 tầng với 188 căn, một nhà ở xã hội cao 10 tầng với 94 căn, tòa trung tâm thương mại cao 5 tầng.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 2.183 tỷ đồng, ngoài ra chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 244 tỷ đồng.
Kết quả mở hồ sơ đăng ký, có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ gồm: CTCP Tập đoàn Everland, CTCP Đầu tư và Thương mại Trung Yên.
Một nhà đầu tư khác là Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (WTO, tên trước đây là Vietracimex) cũng vừa đăng ký thực hiện dự án Xây dựng Khu đô thị mới G8 tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh.
Dự án có tổng chi phí thực hiện dự án hơn 12.599 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 659 tỷ đồng. Dự báo quy mô dân số khoảng 4.811 người.
Diện tích khu đất nghiên cứu dự án gần 47 ha, hiện trạng chưa giải phóng mặt bằng. Trong đó, phần đất không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gần 1,9 ha và phần đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gần 44,7 ha.
Tiến độ đầu tư là 5 năm tính từ thời điểm có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Hay trước đó liên danh của Vingroup cũng đăng ký thực hiện một dự án tại huyện Đông Anh, quy mô khoảng 268 ha nằm tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc và Xuân Canh.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 33.093 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,3 tỷ USD), chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 2.090 tỷ đồng. Quy mô dân số khoảng 38.500 người. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2031.
Xuất hiện tình trạng "thổi giá"
Đông Anh là một trong hai huyện tại Hà Nội sẽ lên quận trong thời gian sắp tới. Huyện phía Bắc Hà Nội có diện tích 185 km2, dân số 437.000 và 24 xã, thị trấn. Hiện Đông Anh gần như chưa có dự án khu đô thị quy mô lớn nào hoàn thành.
Trên thực tế, ngay từ trong quý 1/2024, đất nền Đông Anh đã có những diễn biến tích cực. Dữ liệu trực tuyến Batdongsan.com.vn cho thấy, trong quý 1/2024, mức độ quan tâm đất nền trên cả nước đã tăng từ mức 44 điểm của quý 4/2023 lên mức 48 điểm trong quý 1/2024.
Đáng chú ý, ở phía Bắc, mức độ quan tâm tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội với các đại diện Đông Anh, Hoài Đức với mức độ quan tâm đang gần chạm đến mức quan tâm của quý 1/2022 – giai đoạn thị trường bất động sản sôi động.
Sang đến quý 2/2024, cũng theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, đất nền vẫn ghi nhận những diễn biến tích cực. Theo đó, mức độ quan tâm đất nền trong quý 2/2024 tăng 33% so với quý 1/2021.
Trong khi đó, trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, anh Nguyễn Thành - một môi giới đất nền Đông Anh khác cho biết, ngoài thông tin lên quận thì Đông Anh còn đón nhận những thông tin tích cực khác đến từ các siêu dự án khiến thị trường đất nền thu hút giới đầu tư. Tuy nhiên, làn sóng rao bán, sau đó "quay đầu" vì sợ hớ của chủ đất vẫn đang tiếp diễn.
Theo một số khảo sát, giá rao bán đất Đông Trù, Lễ Pháp, Tiên Dương, Uy Nỗ, Đông Hội… có vị trí mặt đường lớn kinh doanh đang có giá chào bán 170-220 triệu đồng/m2, trong khi cuối năm ngoái mức giá chỉ dao động 130-160 triệu đồng/m2.
Ở những vị trí kinh doanh được nhưng không đắc địa bằng các vị trí trên, giá bán đất Tây Bắc Lễ Pháp tăng từ mức 70-95 triệu đồng/m2 lên mức 74-100 triệu đồng/m2. Đất Tiên Dương ở vị trí ngõ rộng, 2 ô tô tránh nhau, giá bán cũng tăng từ 55-85 triệu đồng/m2 lên mức 60-90 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, hiện nay, giá đất tại Đông Anh quá cao. Thậm chí, giá rao bán đất nơi đây còn cao hơn cả một số khu vực gần trung tâm Hà Nội.
Vị chuyên gia cho rằng có tình trạng "thổi giá" tại đây. Thực tế, nhu cầu sở hữu nhà luôn có nhưng những người mua để ở thì không tiếp cận được, hầu hết đều là giới đầu tư mua bán trao tay nhau. Do đó, người bán "hét giá" theo kiểu đắt bán chơi rẻ để đó, còn giao dịch thật rất ít", ông Điệp nêu ý kiến.
Quan sát diễn biến tăng giá chung của thị trường đất nền những ngày qua, theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thời gian qua, khi giá chung cư tăng đột ngột ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đã thúc đẩy một nhóm khách hàng chuyển hướng sang nhà đất. Chính vì vậy, phân khúc nhà đất đã bị môi giới đẩy giá, nâng giá để trục lợi.
“Để không bị rơi vào bẫy của các môi giới, các nhà đầu tư, người mua đất có nhu cầu ở thật cần tìm hiểu kỹ đất khu vực được đầu tư, thậm chí có thể tìm hiểu, tìm đến người chủ có đất thực sự để giao dịch, tránh bị hớ”, ông Đính phân tích.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn