Điểm tên những “đại bàng” sắp đầu tư vào Hà Tĩnh

Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh ngày 28/5 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án cho 25 doanh nghiệp với 33 dự án, tổng mức đầu tư hơn 219.000 tỉ đồng.

Nổi bật nhất trong số đó là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T - T&T Group với biên bản ghi nhớ đầu tư 2 dự án, gồm: Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí tại bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam (25.000 tỉ đồng); và Khu đô thị du lịch Xuân Trường - Xuân Hội (13.000 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup sẽ nghiên cứu xây dựng 2 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng và Khu Nhà ở xã hội tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, với tổng mức đầu tư 18.040 tỉ đồng.

Tổng công ty Cơ điện xây dựng (Agrimeco) nghiên cứu xây dựng các dự án Nhà điều hành hệ thống năng lượng công nghệ cao, dự án Khai thác tiềm năng thủy điện từ 10 hồ thủy lợi, dự án Thủy điện tích năng 2 cặp hồ, dự án Điện mặt trời nổi trên mặt các hồ thủy lợi và dự án Điện mặt trời trên mặt các kênh thủy lợi, với tổng mức đầu tư 23.579 tỉ đồng.

Công ty cổ phần Crystal Bay nghiên cứu xây dựng dự án Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City tại phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh, tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng. CTCP Tập đoàn Ecopark nghiên cứu xây dựng dự án Khu đô thị du lịch Xuân Đan - Xuân Phổ với tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh còn ký biên bản ghi nhớ hợp tác với loạt doanh nghiệp khác như Sun Group, Tập đoàn TH, CT Group... cam kết đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản - du lịch - nghỉ dưỡng, hạ tầng khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, năng lượng - nước sạch, giáo dục và nông nghiệp.

Cũng tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỉ đồng.

Trong đó, hai dự án nổi bật nhất là Khu đô thị thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ, TP Hà Tĩnh (tổng vốn đầu tư 3.687,3 tỉ đồng) của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và dự án Khu đô thị Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà (tổng vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng) của Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội (Mipec).

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh Hà Tĩnh có các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, đất đai, tài nguyên khoáng sản, cảng nước sâu, hệ thống giao thông, cam kết sẽ làm hết sức để đánh thức các tiềm năng, lợi thế, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh.

Đối với các nhà đầu tư, ông Dũng kỳ vọng các doanh nghiệp, doanh nhân cùng đồng hành với tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả quy hoạch; khi gặp các vướng mắc, khó khăn, kịp thời phản ánh để tỉnh cùng doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ.

Tại Hội nghị, Hà Tĩnh đã công bố danh mục 122 dự án kêu gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực: công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; nông nghiệp, bất động sản - thương mại - dịch vụ - du lịch; cấp nước sinh hoạt; giáo dục; y tế...

Trong đó, một số dự án trọng điểm về phát triển đô thị, du lịch, thể thao như: Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam; các tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf tại Thiên Cầm, Cẩm Dương, Kỳ Nam, Kỳ Ninh, Văn Trị; Khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam của huyện Thạch Hà; các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh…

Hà Tĩnh cũng ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm như: Tổ hợp nhà máy tinh chế thép, Nhà máy cơ khí chế tạo máy móc, tổ hợp Nhà máy sản xuất ôtô và linh kiện ôtô, Nhà máy chế tạo và sửa chữa đầu máy, toa xe - công nghiệp đường sắt, Nhà máy đóng các loại tàu cá bằng sắt thép; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III - Nhiệt điện khí LNG và các dự án điện gió, điện mặt trời khác.

Riêng các dự án hạ tầng công nghiệp dịch vụ, Hà Tĩnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Khu công nghiệp Gia Lách, Khu công nghiệp Bắc Hồng Lĩnh, Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà, Khu công nghiệp phía Tây thành phố Hà Tĩnh, Khu công nghiệp Hạ Vàng và các cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Về phát triển dịch vụ logistic, tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch các trung tâm logistics tại cảng Sơn Dương, Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo và huyện Đức Thọ.

Xem thêm tại vneconomy.vn