Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BSR

Dựa trên định giá DCF, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu BSR. Giá mục tiêu là 21.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn 28.1% so với giá tại ngày 22/05/2023.

Mặc dù chủ yếu biến động giằng co nhẹ đi ngang trên nền thanh khoản trên dưới 5 triệu đơn vị/phiên, nhưng phiên bùng nổ ngày cuối tuần 26/5 khi ngược xu hướng chung của thị trường đã giúp BSR tăng nhẹ tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BSR tăng 500 đồng (+3,01%) từ mức giá 16.600 đồng/CP lên 17.100 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVS

Sử dụng phương pháp định giá dòng tiền DCF, VCBS đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu PVS với giá mục tiêu là 34.725 đồng/CP (tăng 17,6% so với giá đóng cửa ngày 23/05/2023).

Những thông tin về dầu thô thế giới tăng cả về giá và nguồn cung là động lực chính tiếp sức cho nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước tuần qua, trong đó cổ phiếu PVS cũng không ngoại trừ. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS tăng 2.000 đồng (+7,07%) từ mức giá 28.300 đồng/CP lên 30.300 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu PLC

Sử dụng bình quân của 3 phương pháp FCFF, FCFE và so sánh P/E, chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu PLC tại mức giá mục tiêu cho năm 2023 là 37.800 đồng/CP với upside 12,5%. Với việc đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng chính trong năm 2023, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của PLC sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2023 so với thời điểm đầu năm.

Vượt qua kỳ vọng của BVSC, cổ phiếu PLC đã có tuần tăng khá tốt nhờ “cú nảy” trong phiên giao dịch đầu tuần 22/5 khi tăng gần hết biên độ về giá và thanh khoản bùng nổ. Tổng cộng cả tuần, với việc đón nhận 1 phiên giảm nhẹ duy nhất ngày cuối tuần 26/5 và 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PLC tăng 3.400 đồng (+10,12%) từ mức giá 33.600 đồng/CP lên 37.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu GMD

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị đối với CTCP Gemadept (GMD) từ phù hợp thị trường lên khả quan và nâng giá mục tiêu từ 55.500 đồng/cổ phiếu lên 57.400 đồng/cổ phiếu.

Không được như nhận định của VCSC, cổ phiếu GMD vẫn trong trạng thái không mấy khả quan với những phiên điều chỉnh nhẹ. Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMD giảm 800 đồng (-1,59%) từ mức giá 50.400 đồng/CP xuống 49.600 đồng/CP.

* BVSC và BSC cùng khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu NLG

Xét trong trung hạn, BVSC vẫn đánh giá cao với triển vọng của Nam Long. Về định giá, BVSC ước tính giá trị hợp lý của NLG theo 2 phương pháp (NAV, PB) là 47.851 đồng/cp, tương đương với P/B mục tiêu là 2 lần. Khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu Nam Long trong thời gian 12 tháng.

Cổ phiếu NLG hiện đang giao dịch tại PE 2023F=16.8x và P/B 2023F = 1.31x, BSC tin rằng mức giá NLG vẫn duy trì hấp dẫn khi xét theo định giá P/B và duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG với giá mục tiêu năm 2023 là38.200 đồng/CP(upside 15%).

Ngày 30/5 tới đây, Nam Long sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 2%. Trong tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu NLG đã giao dịch giằng co và đã không có sự biến động về giá. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG đứng nguyên tại mức giá 32.000 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu LCG

BSC sử dụng P/E mục tiêu mảng xây lắp = 11.5x, thấp hơn 8% so với P/E trung bình của các doanh nghiệp xây lắp = 12.5x để phán ánh danh mục tài sản ngoài ngành như Bất động sản, các dự án BOT; tuy nhiên, cao hơn so với lịch sử định giá của LCG trong giai đoạn 2016 – 2020 để phản ánh quy mô doanh thu và Backlog cao hơn gấp 2-5 lần so với quá khứ. LCG hiện tại đang giao dịch tại mức định giá P/B <1.

Đi ngược xu hướng chung, nhóm cổ phiếu đầu tư công tuần qua đã giao dịch khởi sắc. Trong đó, LCG cũng đã ghi nhận tuần tăng khá tốt về giá cùng thanh khoản bùng nổ với liên tiếp những phiên khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị, thậm chí vượt 20 triệu đơn vị. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm duy nhất vào ngày 25/5 và 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu LCG tăng 1.300 đồng (+10,70%) từ mức giá 12.050 đồng/CP lên 13.350 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu ACB, VCSC khuyến nghị mua VCB và STB

Lợi nhuận sau thuế dự kiến cả năm đạt 15.697 tỷ đồng (tăng 14,7% so với năm trước). Sử dụng kết hợp 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2023 của cổ phiếu ACB là 30.100 đồng/CP, cao hơn 20% so với giá tại ngày 19/05/2023. Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu ACB.

Bên cạnh đó, VCSC nâng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) thêm 7,7% lên 116.600 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua. Đồng thời, nâng giá mục tiêu thêm 11,1% lên 38.100 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB).

Trong bối cảnh thị trường chung rung lắc và điều chỉnh nhẹ, nhóm cổ phiếu trụ cột chính là một tác nhân chính song hành với hầu hết các mã cùng chung nhịp đập. Trong đó, với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB đi ngang và đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại mức giá 25.000 đồng/CP.

Trong khi đó, anh cả VCB với thông tin chuẩn bị chia cổ tức hơn 18%, tăng vốn lên trên 55.000 tỷ đồng, cũng không mấy khả quan khi đón nhận 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng nhẹ. Tính chung cả tuần qua, giá cổ phiếu VCB giảm 2.200 đồng (-2,34%) từ mức giá 94.200 đồng/CP xuống 92.000 đồng/CP.

Cổ phiếu STB cũng không mấy khả quan hơn khi đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STB giảm 650 đồng (-2,33%) từ mức giá 27.850 đồng/CP xuống 27.200 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FMC

Do áp lực từ nhu cầu suy yếu tại các thị trường tiêu thụ và cạnh tranh gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ, chúng tôi dự phóng thận trọng doanh thu thuần của FMC năm 2023F đạt 5.305 tỷ đồng (giảm 7% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 2,1% đạt 314 tỷ đồng. Dù vậy, chúng tôi vẫn tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của FMC, bằng phương pháp định giá Discounted Cash Flow (DCF) và EV/EBITDA, chúng tôi ước tính mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu FMC là 50,300 đồng/cổ phiếu. Do đó đưa ra khuyến nghị mua cho FMC với mức tăng giá tiềm năng là 22% so với giá hiện tại.

Cổ phiếu FMC đã có tuần rung lắc và điều chỉnh nhẹ sau khi xác nhận mức giá cao nhất trong hơn 6 tháng qua tại mốc 41.700 đồng/CP khi đóng cửa phiên 22/5. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FMC giảm 450 đồng (-1,09%) từ mức giá 41.450 đồng/CP xuống 41.000 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VGC

Về dài hạn, VGC sẽ có thể duy trì tỷ suất lợi nhuận cao hơn từ diện tích cho thuê hơn 740 ha hiện tại, đồng thời công ty tiếp tục mở rộng công suất trong mảng kính xây dựng (mở rộng kính siêu trắng tại nhà máy Phú Mỹ) và gạch granite and ceramic (nhà máy Eurotile sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2023). Chúng tôi sử dụng phương pháp SOTP và đưa ra giá mục tiêu là 43.600 đồng (tiềm năng tăng giá là 21,8%) và khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VGC.

Ngày 1/6 tới đây, VGC sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và diễn biến cổ phiếu trong tuần giao dịch vừa qua chỉ hồi nhẹ. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VGC tăng nhẹ 400 đồng (+1,08%) từ mức giá 37.200 đồng/CP lên 37.600 đồng/CP.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn