VN-Index dao động quanh vùng 1.240 điểm

Ngay từ đầu phiên ngày 6/5, VN-Index dao động trong biên độ hẹp quanh vùng 1.240 điểm, phản ánh trạng thái giằng co với tâm lý nhà đầu tư nghiêng về sự thận trọng. Mặc dù có thời điểm chỉ số tiến sát mốc 1.250 điểm nhờ lực đẩy từ các nhóm ngành dầu khí, công nghệ và bất động sản, nhưng áp lực bán cuối phiên đã khiến đà tăng bị thu hẹp.

Đóng cửa phiên, VN-Index giảm nhẹ gần 2 điểm về 1.241,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch ghi nhận cải thiện, tăng 28,8% so với phiên trước, đạt 780 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 17.847 tỷ đồng. Tuy vậy, thanh khoản vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 phiên, phản ánh tâm lý thị trường vẫn đang nghiêng về trạng thái thăm dò và phòng thủ.

Độ rộng thị trường phản ánh sự cân bằng, không có nhiều chêch lệch giữa số mã tăng và giảm, ghi nhận 166 mã tăng và 148 mã giảm. Điểm sáng của thị trường đến từ nhóm dầu khí (PVD, BSR…), công nghệ (CMG, FPT, ELC…), bất động sản (DIG, NVL, PDR…)… góp phần nâng đỡ chỉ số giữ vững sắc xanh. Ở chiều ngược lại, GVR, HPG, BCM, STB... thuộc top các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số phiên ngày hôm nay. Thị trường phân hóa mạnh, các mã tăng giá tốt có kết quả kinh doanh quý I/2025 tích cực. 

Về giao dịch khối ngoại tiếp đà mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp với giá trị hơn 81 tỷ đồng trên toàn thị trường. Tập trung mua ròng các mã: VRE (+99 tỷ), NVL (+54 tỷ), VCI (46 tỷ)… Ngược lại, bán ròng: GMD (-57 tỷ), VCB (-55 tỷ), VPB (-40 tỷ)…

Thị trường đang cân bằng trở lại sau giai đoạn chịu áp lực bán mạnh và chuyển sang giai đoạn phục hồi. Hiện tại, nhiều mã, nhóm mã đã có vùng giá tương đối hợp lý so với các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường cần có thời gian tạo vùng giá cân bằng mới khi các yếu tố cơ bản đang thay đổi, suy yếu bên cạnh việc chờ đợi những thông tin về đàm phán thuế quan trong thời gian 90 ngày tạm hoãn áp thuế đối ứng, cũng như đánh giá triển vọng tăng trưởng mới.

Xem thêm tại baodautu.vn