Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu KDH

Chúng tôi khuyến nghị khả quan cho KDH dựa trên các luận điểm chính: (1) thị trường bất động sản đã bắt đầu có những tín hiệu phục hồi tích cực (2) doanh số ký bán đảm bảo và lợi nhuận ròng duy trì tăng trưởng (3) Sức khỏe tài chính lành mạnh. Rủi ro giảm giá của KDH gồm: (1) Tiến độ dự án Emeria và Clarita cùng với Keppel không đạt kỳ vọng (2) Dự án Tân Tạo vướng phải các vấn đề pháp lý gây ảnh hưởng đến định giá (3) Thị trường bất động sản nói chung yếu đi một cách bất thường.

Tuần vừa qua Khang Điền cũng đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên và diễn biến giá cổ phiếu cũng duy trì những phiên liên tiếp khởi sắc, sau đợt điều chỉnh giảm bởi đà lao dốc chung của thị trường trong tuần trước. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá duy nhất ngày 23/4, tổng cộng giá cổ phiếu KDH tăng 2.000 đồng (+6,06%) từ mức 33.000 đồng/CP lên 35.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DHC

Bằng phương pháp định giá DCF, BVSC xác định giá hợp lý của cổ phiếu DHC là 45.800 đồng/cp, tương ứng với P/E mục tiêu 11 lần trên nền lợi nhuận dự báo 2024. Qua đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với DHC, và kỳ vọng sự phục hồi của lợi nhuận cũng như kế hoạch phát hành sẽ là động lực để hỗ trợ giá cổ phiếu trong 2024.

Không được như kỳ vọng của BVSC, dù đã có những nhịp hồi phục nhưng chỉ đủ sức để giúp cổ phiếu DHC lấy lại thăng bằng sau tuần lao dốc mạnh trước đó. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu DHC không biến động và giữ nguyên mức giá 38.000 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu SZC

SZC có những lợi thế như: (1) Diện tích còn lại sẵn sàng cho thuê hơn 400 ha; (2) Triển vọng tăng giá thuê cao hơn so với các KCN khác ở Bà Rịa - Vũng Tàu – KCN Châu Đức hiện có giá thuê thấp hơn 20-35% so với các KCN khác và kết nối cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể từ đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu SZC, với giá mục tiêu 1 năm là 43.200 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 8,4%).

Dù không tăng tốc mạnh nhưng cổ phiếu SZC đã duy trì diễn biến khởi sắc trong suốt tuần qua và đã lấy lại mức giá 40.000 đồng/CP dù phiên 24/4 Công ty thực hiện điều chỉnh giá do chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 23/4, tổng cộng giá cổ phiếu SZC tăng gần 5,1% và đóng cửa phiên cuối tuần tại mức giá 40.200 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HDB

Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với HDB với mức định giá 29.400 đồng/CP, tăng 30% sv dự báo gần nhất, do (1) điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế 2024 thêm 19,5% sv dự báo gần nhất; (2) điều chỉnh giảm 0.6 điểm % phần bù rủi ro và (3) giá trị sổ sách được dùng ở thời điểm cuối 2024 thay vì trung bình 2023 và 2024 như trước đó. Tiềm năng tăng giá 36,9% (đã bao gồm tỷ suất cổ tức 4,5%).

Cổ phiếu HDB đã có phiên giao dịch tỏa sáng ngày cuối tuần 26/4 khi Ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên và thông qua mục tiêu lợi nhuận năm nay 16.000 tỷ đồng, cùng tỷ lệ chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu và tiền mặt. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 23/4, tổng cộng giá cổ phiếu HDB tăng 1.350 đồng (+6,07%) từ mức 22.250 đồng/CP lên 23.600 đồng/CP.

* MASVN khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VRE

Sử dụng phương pháp FCFF, mục tiêu giá 12 tháng của VRE là 32.124 đồng/CP (tăng 38%), tương ứng fair P/B là 1,8 lần. ROE được dự đoán 9,9% cho 2024, đồng thời khuyến nghị mua cổ phiếu này. VRE, là nhà điều hành trung tâm mua sắm lớn nhất tại Việt Nam theo GFA, có thể có tiềm năng tăng giá đến từ việc được thêm vào rổ các chỉ số thị trường mới nổi - MSCI và FTSE Emerging Market.

Cổ phiếu VRE đã có tuần hồi phục tích cực, với thông tin kết quả kinh doanh quý I/2024 khả quan khi ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.255 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1.083 tỷ đồng, tăng trưởng 6%. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tổng cộng giá cổ phiếu VRE tăng 1.150 đồng (+5,4%) từ mức 21.300 đồng/CP lên 22.450 đồng/CP.

* MASVN khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PHR

Năm 2024 chúng tôi dự phóng doanh thu của PHR đạt 1.498 tỷ đồng (tăng trưởng 11%) và lãi ròng đạt 434 tỷ đồng (giảm 28% so với năm ngoái). EPS dự kiến cho năm 2024 đạt 3.201 đồng/cp, tương ứng với mức P/E forward ở mức 16,7 lần. Chúng tôi đánh giá tích cực cho PHR: 1) Triển vọng phục hồi nhờ giá cao su tăng và mức nền thấp năm 2023; 2) Ước tính PHR sở hữu hơn 3.000 ha đất chờ chuyển đổi KCN theo quy hoạch tỉnh Bình Dương đến năm 2030.

Cổ phiếu PHR đã “ổn định” hơn sau tuần giảm mạnh trước đó. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu PHR tăng 1.400 đồng (+2,54%) từ mức 55.100 đồng/CP lên 56.500 đồng/CP.

* MASVN khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GVR

Với triển vọng lạc quan, chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GVR trong năm 2024 lần lượt đạt: 25.681 tỷ đồng (tăng trưởng 16%) và 4.904 tỷ (tăng trưởng 45,4%): 1) Biên lợi nhuận được cải thiện từ mức 22% lên 27% trong đó giá bán cao su trung bình tăng mạnh hơn 16%, giúp doanh thu kinh doanh mủ đạt hơn 19,475 tỷ đồng; 2) Ngành gỗ phục hồi giúp ghi nhận lợi nhuận trở lại từ công ty liên kết; 3) Chi phí lãi vay tăng mạnh hơn 18% ở mức 565 tỷ đồng.

Cổ phiếu GVR đã có tuần biến động giằng co mạnh, tuy nhiên điểm sáng là phiên tăng trần với thanh khoản sôi động ngày 24/4, đã giúp cổ phiếu này lấy lại đà tăng. Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu GVR tăng 1.900 đồng (+6,76%) từ mức 28.100 đồng/CP lên 30.000 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DGW

Chúng tôi định giá cổ phiếu DGW dựa trên phương pháp DCF (WACC: 10,6%). Tiềm năng tăng giá gồm (1) Sức tiêu thụ ICT-CE phục hồi tốt hơn kỳ vọng, (2) Achison tăng trưởng tốt hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm (1) Sự phục hồi của các mặt hàng ICT-CE chậm hơn dự kiến, (2) Doanh nghiệp duy trì chi phí hỗ trợ bán hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ròng. Đồng thời, khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DGW.

Cùng diễn biến tích cực của nhóm bán lẻ, cổ phiếu DGW đã khởi sắc trở lại bên cạnh kế hoạch tăng trưởng mạnh trong năm 2024 được thông qua tại ĐHĐCĐ, với doanh thu dự kiến 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng 2 chữ số ở tất cả các ngành nghề. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng mạnh và phiên giảm nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu DGW tăng 5.500 đồng (+10,28%) từ mức 53.500 đồng/CP lên 59.000 đồng/CP.

* MASVN khuyến nghị gia tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu VCB

Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu (TP) cho VCB lên 103.200 đồng/CP (từ 95.200 đồng/CP), tương đương với mức thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) mục tiêu là 2.9x, dựa trên sự điều chỉnh tăng các thông số định giá đối với triển vọng của VCB. Ngoài ra, chúng tôi vẫn đang duy trì một phần phụ trội là 20% cho giá mục tiêu của VCB, phản ánh vị thế của ngân hàng cũng như các chỉ số chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lợi cao. Tuy nhiên, rủi ro trong ngắn hạn của VCB vẫn liên quan đến định giá tương đối cao của cổ phiếu so với các ngân hàng khác.

Cổ phiếu VCB duy trì sắc xanh trong gần suốt tuần qua, nhưng mức độ hồi phục khá yếu sau tuần giảm sâu trước đó. Cụ thể, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 23/4, với biên độ biến động hẹp chỉ trên dưới 0,5%, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu VCB tăng nhẹ 700 đồng (+0,77%) từ mức 90.500 đồng/CP lên 91.200 đồng/CP.

* AGR, VCI và SSI cùng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT

FPT là tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam và đã vươn tầm quốc tế, sức khỏe tài chính lành mạnh cùng tỷ lệ sinh lời hàng năm cao, AGR duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu với giá mục tiêu trong năm 2024 là 125.000 đồng/cp (upside 12%).

Kết quả kinh doanh quý I/2024 đang phù hợp với kỳ vọng, VCI nhận thấy không có tiềm năng điều chỉnh đáng kể nào đối với dự báo hiện tại của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho FPT với giá mục tiêu là 125.700 đồng/CP.

Cùng quan điểm, SSI điều chỉnh khuyến nghị đối với cổ phiếu FPT lên khả quan, với giá mục tiêu theo SOTP 12 tháng là 128.100 đồng (tương đương tiềm năng tăng giá là 14,6%). FPT giao dịch ở mức P/E 2024 hấp dẫn là 20,1x (nhờ mức tăng trưởng EPS dự kiến là 21% so với P/E của các công ty cùng ngành là 19,1x với mức tăng trưởng EPS là 14%).

Cổ phiếu thị giá cao FPT đã có tuần giao dịch bùng nổ và liên tục phá đỉnh mới, đặc biệt là phiên giao dịch đột biến ngày giữa tuần 24/4 tăng kịch trần sau tin “bắt tay” Nvidia mở nhà máy AI, qua đó đưa vốn hóa cổ phiếu FPT lên thứ 2 toàn thị trường, chỉ kém Vingroup. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá, tổng cộng giá cổ phiếu FPT tăng 14.200 đồng (+13,03%) từ mức 109.000 đồng/CP lên 123.200 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu IDC

Chúng tôi định giá cổ phiếu IDC dựa trên phương pháp SOTP với giá mục tiêu 55,500 đồng/CP. Do giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong 1 năm trở lại đây và đã phản ánh triển vọng kinh doanh sắp tới của doanh nghiệp, chúng tôi khuyến nghị trung Lập đối với IDC. Rủi ro giảm giá của IDC gồm (1) Rủi ro suy thoái kinh tế khiến nhu cầu thuê đất công nghiệp giảm sút (2) Rủi ro giải phóng mặt bằng khiến dự án bị chậm tiến độ (3) Chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao (4) Rủi ro chính sách vĩ mô của Việt Nam, rào cản thương mại, hiệp định khu vực, toàn cầu mà Việt Nam tham gia.

Cổ phiếu IDC đã có tuần giao dịch khởi sắc cùng những kế hoạch khả quan từ doanh nghiệp với mục tiêu doanh thu năm 2024 cao kỷ lục, dự kiến chia cổ tức 40% bằng tiền mặt… Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm giảm nhẹ ngày 23/4, tổng cộng giá cổ phiếu IDC tăng 4.400 đồng (+8,5%) từ mức 51.800 đồng/CP lên 56.200 đồng/CP.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn