Định giá thị trường chứng khoán đã hấp dẫn nhưng vẫn chưa ‘níu’ được dòng vốn ngoại
Theo thống kê từ FiinTrade, dòng vốn nước ngoài bao gồm các quỹ ETF (đầu tư thụ động) và quỹ chủ động vẫn tiếp tục ở trạng thái rút ròng 2,6 nghìn tỷ đồng trong tháng 10/2023, nâng tổng giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm lên gần 11,2 nghìn tỷ đồng.
Gần 400 tỷ đồng cổ phiếu bị bán ròng trong một tuần
Trong đó, Quỹ VanEck Vietnam ETF bị rút ròng hơn 194 tỷ đồng, ghi nhận tháng rút ròng thứ 2 liên tiếp của quỹ này với tổng giá trị đạt hơn 263 tỷ đồng.
Hai quỹ chủ động với tổng giá trị tài sản thuần (NAV) đạt 60,375 tỷ đồng bao gồm VEIL và PYN Elite Fund cũng ghi nhận rút ròng hơn 223 tỷ đồng.
Tính riêng các quỹ ETF trong nước bị rút ròng mạnh hơn 1 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đến từ Quỹ VFMVN Diamond ETF (682 tỷ đồng), VFM VN30 ETF (247 tỷ đồng) và SSIAM VNFIN LEAD ETF (192 tỷ đồng).
Dòng vốn nước ngoài bao gồm quỹ ETF và quỹ chủ động vẫn tiếp tục ở trạng thái rút ròng 2,6 nghìn tỷ đồng trong tháng 10/2023. |
Bước sang tháng 11, diễn biến bị rút ròng của các quỹ ETF vẫn đồng pha với động thái của nhà đầu tư ngoại nói chung trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, bất chấp diễn biến phục hồi đáng mừng của VN-Index. Tính đến phiên 15/11, giá trị bán ròng trên HoSE đạt gần 1.700 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau gần 3 tháng miệt mài hút ròng, Quỹ ngoại Fubon FTSE Vietnam ETF đã bất ngờ bị rút vốn. Theo số liệu từ Fubon ETF, phiên 15/11 ghi nhận giá trị rút ròng mạnh nhất kể từ đầu năm 2023 với gần 9 triệu USD.
Lũy kế từ phiên 9/11, quỹ này đã bị rút ròng 43,5 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị hơn 16 triệu USD. Như vậy, gần 400 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam đã bị quỹ ngoại bán ròng trong khoảng một tuần trở lại đây.
Trước đó, Fubon FTSE Vietnam ETF đã mua ròng khá mạnh trong giai đoạn từ giữa tháng 9 đến tháng 11 với giá trị gần 2.200 tỷ đồng, đưa dòng tiền vào Fubon ETF từ đầu năm 2023 chuyển sang giá trị dương với 74 triệu USD.
Có thể thấy, sau các phiên điều chỉnh gần đây, mặt bằng định giá chung của TTCK Việt Nam đang ở mức thấp hơn so với cách đây 1-2 tháng, từ đó mang tới kỳ vọng có thể sẽ kích hoạt dòng tiền ngoại vào mạnh giống như giai đoạn cuối năm 2022. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra có lẽ không khỏi khiến nhà đầu tư thất vọng. Thị trường không thể cản được đà bị rút ròng tiếp tục của các quỹ ETF cũng như dòng vốn nước ngoài chủ động.
Đi tìm nguyên nhân
Theo giới phân tích, việc khối ngoại bán ra cổ phiếu khả năng cao đến từ những lo ngại về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết bị ảnh hưởng bởi khó khăn của nền kinh tế chung, định giá thị trường đã tăng đáng kể.
“Mặt bằng định giá hiện vẫn cao hơn so với giai đoạn cuối năm 2022, những chuyển biến về mặt vĩ mô đang chậm hơn kỳ vọng”, FiinTrade nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc khối ngoại không “mặn mà” lắm với TTCK Việt còn có thể đến từ yếu tố những cổ phiếu trên TTCK Việt Nam không phù hợp "khẩu vị" của khối ngoại. Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thuộc các lĩnh vực tài chính, bất động sản, trong khi thiếu vắng những ngành "hot" thu hút dòng tiền mạnh trên thế giới như công nghệ, bán lẻ, y tế, giáo dục.
Thực tế trên sàn chứng khoán hiện nay, nhóm ngân hàng có vị thế quá lớn. Ngành ngân hàng chiếm gần 40% vốn hóa của sàn HoSE, trong đó 2 nhà băng lớn nhất thị trường là Vietcombank (VCB) và BIDV (BID) chiếm tới 15%; rổ VN30 cũng có đến 14 mã ngân hàng. Trong 41 công ty vốn hóa tỷ USD tại ngày 15/11 có 16 ngân hàng.
Trong khi đó, TTCK Việt đang thiếu vắng những thương vụ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hay niêm yết nổi bật trong 4 năm trở lại đây.
Kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra, ngoài nhóm ngân hàng, sàn HoSE - nơi tập trung vốn ngoại nhiều nhất có thêm một số lựa chọn mới đến từ việc chuyển sàn như Hóa chất Đức Giang (DGC), Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), Tập đoàn Cao su (GVR), Becamex (BCM), EVNGENCO3 (PGV), Gỗ An Cường (ACG), Công trình Viettel (CTR).
Trong số đó, có những mã thanh khoản rất thấp (PGV, SIP) hay tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi ít (GVR, BCM, PGV), dường như không phải là "khẩu vị" của khối ngoại.
Số khác “sớm nở, chóng tàn”, sôi động giai đoạn IPO nhưng đìu hiu khi niêm yết hoặc giai đoạn sau đó như DXS (Đất Xanh Services), NCG (Nova Consumer), ACG, APH (An Phát Holdings)… Những tân binh không thu hút được dòng tiền của thị trường nói chung và khối ngoại nói riêng. Sau lên sàn, nhiều mã lao dốc, khiến nhà đầu tư tham gia mua IPO thua lỗ. Vì vậy, giới đầu tư không mặn mà.
Bên cạnh đó, kế hoạch cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước như Agribank, VNPT, MobiFone, Vinataba, Vinachem, HUD vẫn chậm và chưa có mốc thời gian hoàn tất.
Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng vấn đề định giá khiến hoạt động IPO tập đoàn, tổng công ty nhà nước chững lại. Điều này tạo ra nút thắt trong việc thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam.
Theo đánh giá của SSI Research, một số yếu tố tích cực có thể hỗ trợ dòng tiền ETF trong thời gian tới là định giá ở một số thị trường như Đài Loan và Hàn Quốc cao và triển vọng không còn nhiều do tăng trưởng lợi nhuận bị phụ thuộc nhiều vào nhóm ngành công nghệ. Bên cạnh đó, dòng tiền từ các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục cơ cấu nhằm hạn chế tác động của đạo luật mới về thuế. Tuy nhiên, kỳ vọng một phần dòng tiền cá nhân rút ra có thể sẽ chuyển sang Chứng chỉ lưu ký (DR) hoặc các quỹ đầu tư từ Thái và do vậy vẫn có thể ghi nhận dòng tiền gián tiếp tới TTCK Việt Nam.
Hơn nữa, 2 năm trở lại đây, nhiều "ông lớn" đầu ngành đã có kế hoạch IPO với định giá có thể lên tới cả tỷ USD như Hưng Thịnh Land, CP Việt Nam (công ty con của CP Group Thái Lan), VSIP – liên doanh giữa phát triển khu công nghiệp giữa Becamex và đối tác Singapore, Giao Hàng Tiết Kiệm, Bách Hóa Xanh hay Thaco… Nếu thành công, đây sẽ là những “bom tấn” phá tan sự trầm lắng trên TTCK Việt Nam trong 5 năm qua.
Chưa kể, Việt Nam đang gấp rút đẩy mạnh giải pháp thanh toán, hướng tới nâng hạng TTCK vào năm 2025, được đánh giá sẽ mở ra cánh cửa thu hút hàng trăm triệu USD vốn đầu tư mới chảy vào.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn