Doanh nghiệp bán lẻ có đứng vững trước ‘sóng gió’ thuế quan?

Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ gặp khó khăn do việc Hoa Kỳ áp mức thuế cơ bản 10% từ đầu tháng 4/2025 và khả năng áp dụng thuế đối ứng sau 90 ngày tạm hoãn. Yếu tố này được cho là có thể tác động tiêu cực tới thu nhập hộ gia đình và hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng cho các mặt hàng không thiết yếu.

Thận trọng với tác động gián tiếp

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô mới đây, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset lưu ý một trong những rủi ro cần theo dõi là tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng do ảnh hưởng từ các mức thuế đối ứng có thể làm thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân.

-7823-1745921123.png

“Sóng gió” thuế quan có thể sẽ tác động tiêu cực đến sức mua, thay đổi hành vi tiêu dùng ở Việt Nam, là thách thức mà các “ông lớn” bán lẻ nội địa cần có đối sách phù hợp.

Còn theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KB Việt Nam, cuộc chiến thuế quan tác động tiêu cực đến thị trường lao động và tiêu dùng trong nước. Sự suy giảm của thị trường lao động (với 54% việc làm trong nước phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu) do dòng vốn FDI và xuất khẩu giảm sút không chỉ gây áp lực lên việc làm mà còn tác động tiêu cực đến niềm tin tiêu dùng.

Trước những nhận định như vậy, vấn đề đặt ra là các “ông lớn” bán lẻ nội địa ở Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, và đâu là đối sách của họ để ứng phó với thách thức này.

Theo ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số (DGW), giả sử dù thuế quan cao, công ty vẫn hoạt động dựa trên 100% sức cầu của nội địa, nên sẽ không bị ảnh hưởng. Có chăng là thuế quan cao sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế, sức cầu người dân có thể giảm nhưng xác suất xảy ra rất ít.

Trong tình hình thế giới đang hỗn loạn, ông Việt cho biết công ty đang hướng việc kinh doanh linh động năm nay, nhất là khi các “tay to” trên thị trường co cụm lại thì công ty sẽ lại tăng tốc.

Vị chủ tịch của DGW cũng cho rằng năm 2025 có thể sức cầu phục hồi không như kỳ vọng. Song công ty vẫn giữ kế hoạch tăng trưởng bởi càng trong những lúc khó khăn càng chiếm lĩnh được thêm thị phần, mở rộng ngành hàng mới.

Còn theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), công ty sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp khi thu nhập người dân sụt giảm do liên quan đến chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Mong rằng Việt Nam có thể kiểm soát tình hình hiện nay, có các kế hoạch chi tiêu công để bù đắp hoạt động xuất khẩu để chúng ta không bị ảnh hưởng nhiều.

“Nếu thị trường đi ngang hoặc đi lùi chút đỉnh thì chúng tôi vẫn tăng trưởng”, ông Tài nói.

Cũng theo lãnh đạo của MWG, công ty kinh doanh bán lẻ và bán tại nội địa, hàng hóa mua tại châu Á nên sẽ chỉ ảnh hưởng gián tiếp bởi thuế quan từ áp thuế của Mỹ. Chính sách thuế quan có ảnh hưởng đến tiêu dùng, xuất khẩu tác động đến công ăn việc làm và ảnh hưởng đến thu nhập. Và công ty đã tái cấu trúc nhiều thời gian qua nên nhanh gọn hơn, thích ứng nhanh hơn với biến động thị trường, đồng thời tích lũy nguồn lực vững mạnh sau nhiều năm, do đó sự chống chịu sẽ tốt hơn, cơ hội cũng mở ra khá nhiều.

Trong khi đó, trước rủi ro và thách thức từ chiến tranh thương mại, như chia sẻ của ông Hoàng Trung Kiên, Tổng giám đốc CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail), mảng ICT (sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông) thì sức mua có ảnh hưởng, không phải trực tiếp mà là gián tiếp, khi các đơn vị xuất khẩu bị ảnh hưởng nên ảnh hưởng thu nhập người dân thì sức mua giảm xuống, mặt hàng cao cấp có ảnh hưởng bởi là hàng không thiết yếu, hoặc mua hàng ở mặt bằng thấp hơn.

Theo ông Kiên, về nguồn cung có hai yếu tố, mặt hàng chịu thuế quan cao có thể ảnh hưởng đến sức mua. Trong khi các mặt hàng khác không chịu thuế có thể tạo ra nguồn hàng dồi dào cho Việt Nam và có mức giá hấp dẫn hơn. Tùy mặt hàng mà công ty sẽ có cách ứng xử khác nhau, cần có cái nhìn thận trọng, nếu thuế quan giảm có thể khai thác nhiều cơ hội hơn.

Tập trung tối ưu cửa hàng

Lãnh đạo của FPT Retail cũng cho biết mảng dược phẩm là hàng thiết yếu nên ít bị tác động bởi chiến tranh thương mại, nếu người dân thắt lưng buộc bụng thì ít nhiều có ảnh hưởng. Công ty có chuẩn bị cho các kịch bản. Nếu tình hình xấu đi, các nhóm sản phẩm ngoài thuốc sẽ được linh động điều chỉnh hàng hóa, lựa chọn mặt hàng có giá hợp lý hơn để phù hợp túi tiền người dân.

“Về nguồn hàng đến hiện tại thì dược phẩm không thuộc nhóm chịu thuế, chưa bị tác động nhiều. Các hãng dược có nhà máy ở nhiều nước nên các sản phẩm xuất xưởng từ Mỹ về Việt Nam rất ít, nên không ảnh hưởng nhiều đến dược phẩm”, phía FPT Retail nêu rõ.

Bên cạnh những chia sẻ nêu trên, theo nhận định từ giới phân tích, các “ông lớn” bán lẻ nội địa sẽ chịu ảnh hưởng không đáng kể và có thể đứng vững trước “sóng gió” thuế quan từ Mỹ.

Chẳng hạn như với DGW, theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VCBS, phía DGW chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phân phối sản phẩm ICT tại thị trường nội địa, thông qua hệ thống bán lẻ trong nước, chứ không trực tiếp sản xuất hay xuất khẩu sang Mỹ.

Vì vậy, DGW sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các biện pháp thuế quan đáp trả từ phía Mỹ. Tuy nhiên, công ty này vẫn có thể chịu tác động gián tiếp nếu thuế quan làm tăng giá bán lẻ, từ đó ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc thận trọng trong mở cửa hàng mới trước rủi ro thuế quan cũng là điều nhận thấy rõ của các “ông lớn” bán lẻ nội địa.

Như chia sẻ của lãnh đạo FPT Retail, năm nay công ty sẽ đặt trọng tâm nhiều hơn vào hiệu quả thay vì tốc độ mở cửa hàng, công ty theo dõi sát từng tháng một việc mở shop có hiệu quả như thế nào.

Riêng với FPT shop, phía FPT Retail đã đóng hơn 120 cửa hàng hồi năm ngoái để tối ưu hóa cửa hàng, giúp doanh thu trung bình tăng từ 1,6 tỷ lên 2,2 tỷ đồng/tháng, doanh thu tăng thì chi phí vận hàng/doanh thu sẽ giảm đi.

“Chúng tôi luôn nhìn vào danh sách cửa hàng không hiệu quả, nếu cần thiết sẽ đóng, luôn luôn tập trung tối ưu cửa hàng, mở rộng hướng đi cho mảng online (trực tuyến) để giảm chi phí vận hành”, một lãnh đạo của FPT Retail chia sẻ khi nói về việc không mở thêm FPT shop.

Thế Vinh

Xem thêm tại vnbusiness.vn