Doanh nghiệp bất động sản đang bước qua giai đoạn khó khăn

Từng bước phục hồi

Công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 của Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia cho thấy, kết quả kinh doanh lãi đậm khi đạt 1.312 tỷ đồng doanh thu, tăng 594% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ bán và cho thuê căn hộ lâu dài tăng hơn 7 lần, chiếm 99% cơ cấu doanh thu. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, An Gia đã hoàn thành 82% kế hoạch doanh thu năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 214,16 tỷ đồng, tăng 1.636% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này có được đến từ bàn giao các sản phẩm còn lại tại các dự án Westgate (huyện Bình Chánh, TPHCM) và The Standard (Bình Dương).

Dự kiến ngày 14/5 tới đây, Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Hội đồng quản trị trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu 1.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 250 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 43% so với thực hiện năm 2023, dự kiến đến từ bàn giao các sản phẩm nhà ở thực. An Gia cũng đặt mục tiêu tăng vốn trong năm nay, từ 1.251 tỷ đồng lên 1.938 tỷ đồng thông qua các phương án phát hành cổ phiếu mới.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long nhận định, cơ hội thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện đang khá tốt. Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà giảm còn thấp hơn lãi suất trước Covid-19, có thể cạnh tranh với lãi suất các nước trong khu vực. Hoạt động bán hàng của Nam Long trong quý đầu năm ghi nhận tín hiệu rất tích cực với doanh số (pre-sales) đạt khoảng 1.160 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Điều này chứng tỏ niềm tin của người mua nhà đã quay trở lại.

Lợi nhuận tốt trong quý đầu năm sẽ trở thành trợ lực cho doanh nghiệp tăng tốc trong bối cảnh mới. Theo báo cáo quý 1/2024 của Tổng cục Thống kê, hoạt động kinh doanh bất động sản ghi nhận những tín hiệu tích cực về tình hình thu hút vốn đầu tư và số doanh nghiệp bất động sản quay trở lại thị trường. Theo đó, có hơn 900 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới. Vốn đăng ký cấp mới cho bất động sản đạt 1,49 tỷ USD, xếp thứ hai trên tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng rót hơn 460 triệu USD vào thị trường địa ốc. Điều này cho thấy bất động sản vẫn là một kênh đầu tư tiềm năng, đủ sức hấp dẫn giới đầu tư.

Chu kỳ tăng trưởng mới đang mở ra

Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long nhận định, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn “trưởng thành” hơn, nghĩa là không phát triển ồ ạt nhưng lại có “độ chín” đòi hỏi rất cao sự chỉn chu trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ các chủ đầu tư để đáp ứng đúng nhu cầu thật của thị trường giúp cung - cầu cân đối.

Song song đó, với tốc độ đô thị hóa hiện tại, nhu cầu về nhà ở, văn phòng, khu mua sắm và trung tâm thương mại tại Việt Nam rất lớn. Số lượng khu công nghiệp cũng như cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực kho vận vẫn chưa nhiều. Sự phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kéo theo sự phát triển của các đô thị, mở ra khả năng thu hút lượng lớn dân cư. Do đó, các thành phố như Hà Nội và TPHCM còn rất nhiều dư địa để phát triển ở lĩnh vực bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2024 được đánh giá đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đang và sẽ ghi nhận các động thái tích cực về tổng cung và tổng cầu, đầu vào và đầu ra, vi mô và vĩ mô, trước mắt và trung hạn, mở ra những cơ hội triển vọng cho thị trường bất động sản năm 2024.

Dự kiến, với các luật mới được thông qua, có hiệu lực trong vài tháng tới, thị trường bất động sản sẽ sớm quay trở lại trạng thái bình thường “mới” với các thông tin ngày càng minh bạch, rõ ràng cho mọi thành phần kinh tế tham gia. Từ giờ đến cuối năm, nguồn cung tiếp tục chuyển biến theo xu hướng tăng. Cầu nhà ở thực vẫn sẽ duy trì ở mức cao, được củng cố bởi tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa. Cầu đầu tư tiếp tục được củng cố, hướng tới các đô thị vệ tinh của Hà Nội, TPHCM hoặc đô thị lớn ở các thành phố trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thị trường và các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước. Thời điểm này, doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán đã bớt khó khăn hơn năm trước khá nhiều nhưng tình hình kinh doanh vẫn chưa thực sự tích cực. Vài doanh nghiệp bất động sản có doanh số bán hàng tích cực song lợi nhuận vẫn chưa cải thiện. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam buộc phải cơ cấu lại sản phẩm lẫn danh mục đầu tư, nên có động lực và cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những khó khăn về tài chính của đa số chủ đầu tư chưa thể giải quyết sớm.

Ngoài ra, hiện các đơn vị nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động từ Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc… đều là những doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác đầu tư trong điều kiện dự án có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, chủ đầu tư quyết tâm trong hợp tác kinh doanh. Những chủ đầu tư được tiếp thêm dòng vốn ngoại sẽ nhanh chóng có nguồn cung mới, từ đó mang đến tín hiệu tích cực hơn cho thị trường bất động sản trong năm 2024.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn