Doanh nghiệp bất động sản nào lỗ nặng nhất quý I/2024?

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 bước vào giai đoạn nước rút. Phân nửa doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã cập nhật báo cáo tài chính.

Như đã thông tin, nhóm doanh nghiệp bất động sản ghi nhận nhiều nỗi buồn nhất. Nếu không tính Vinhomes (VHM - lợi nhuận chưa đến 1.000 tỷ đồng), lợi nhuận của 59 doanh nghiệp bất động sản còn lại giảm -15,1% so với mức nền thấp của cùng kỳ năm trước (YoY).

Tập đoàn Novaland (NVL) ghi nhận doanh thu thuần 697,2 tỳ đồng và lỗ sau thuế 600,9 tỷ đồng dù đầu tháng 4 đặt kế hoạch rất “hoàng tráng” với mục tiêu doanh thu 32.587 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD) và 1.079 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 585% và 122% YoY.

Đến thời điểm đầu ngày 2/5, Novaland đang tạm thời là doanh nghiệp niêm yết báo lỗ nặng nhất nhóm bất động sản.

Tương tự, lãnh đạo DIC Corp (DIG) cũng khẳng định “chắc nịch” về kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng năm nay tại cuộc họp ĐHCĐ diễn ra ngày 26/4. Tuy nhiên, sau đó chỉ 1 ngày, DIC Corp báo lỗ sau thuế 121,2 tỷ đồng và doanh thu thuần chỉ chưa đầy nửa tỷ.

Một đại gia khác là Đầu tư Nam Long (NLG) cũng gây bất ngờ với khoản lỗ gần 47 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 68% về còn 42,3%. Cần nhấn mạnh 10 năm qua, chưa quý nào NLG báo lỗ, ngay cả trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn nhất thời điểm cuối năm 2022.

Theo lý giải của Nam Long, với đặc thù của ngành bất động sản, quý I luôn là thời điểm doanh số bán hàng cũng như doanh thu và lợi nhuận thấp nhất năm. Đặc biệt, năm nay dịp Tết Nguyên đán sát với Tết Dương lịch nên động lực nhận bàn giao nhà vào đầu năm chưa cao. Theo dự kiến của công ty, điểm rơi lợi nhuận năm nay sẽ vào quý III và quý IV.

Doanh nghiệp bất động sản nào lỗ nặng nhất quý I/2024?
Cổ phiếu NVL, DIG, NLG vừa trải qua nhịp điều chỉnh tương đối mạnh

Dù mỗi doanh nghiệp đều có câu chuyện kinh doanh riêng song điểm chung ở cả 3 doanh nghiệp này là là cơ cấu tồn kho đều chiếm tỷ lệ cao trong tổng tài sản.

Đến cuối quý I/2024, tổng tài sản của NVL đạt hơn 236.480 tỷ đồng trong đó gần 141.000 tỷ là hàng tồn kho (chiếm tỷ lệ gần 60%). Cơ cấu tồn kho ghi nhận 93,4 tỷ đồng là giá trị quỹ đất và dự án đang xây dựng chiếm 93,4%.

Nợ phải trả của Novaland vẫn còn gần 191.800 tỷ đồng trong đó vay nợ tài chính hơn 58.200 tỷ đồng - cao hơn vốn chủ sở hữu (chỉ 44.700 tỷ).

Với Nam Long, gần 62,5% tổng tài sản của công ty - tương đương hơn 18.000 tỷ đồng là giá trị tồn kho (phần lớn nằm tại Đồng Nai). Izumi là dự án ghi nhận giá trị tồn kho lớn nhất với khoảng 8.565 tỷ đồng, kế đến là Waterpoint giai đoạn 1 (3.769 tỷ đồng), Akari (1.910 tỷ đồng), Waterpoint giai đoạn 2 (1.700 tỷ đồng), Cần Thơ (1.378 tỷ đồng).

Nợ phải trả ở mức 15.440 tỷ đồng trong đó dư nợ vay hơn 6.200 tỷ và hơn 4.200 tỷ đồng tiền khách hàng trả trước (sẽ được phân bổ dần vào doanh thu khi đủ điều kiện).

Xem thêm tại nguoiquansat.vn