Doanh nghiệp xi măng tiếp tục chật vật tìm đầu ra

Năm 2023, dù có nhiều chính sách tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản và trợ lực từ việc dự án sân bay quốc tế Long Thành nhưng nhìn chung năm vừa rồi tiếp tục là một năm buồn của các doanh nghiệp xi măng. 

Theo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) - doanh nghiệp đứng đầu ngành công nghiệp xi măng tại Việt Nam, năm 2023 là năm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, ảnh hưởng tình hình thế giới, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với cầu; giá nguyên, nhiên liệu cho đầu vào cho sản xuất xi măng vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò để hạn chế đổ clinker ra bãi, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời tăng, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của Vicem do giá trị thương hiệu gắn với xi măng bao… 

Một loạt các doanh nghiệp đang giao dịch trên thị trường chứng khoán đều bị sụt giảm doanh thu, và rất nhiều công ty thua lỗ, chỉ một số ít có lãi nhưng cũng là mức đáy trong nhiều năm.

CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) là công ty sản xuất xi măng lớn nhất khu vực phía Nam. Doanh nghiệp này hiện sở hữu 2 nhà máy (gồm Nhà máy xi măng Kiên Lương – Kiên Giang và nhà máy xi măng Bình Phước – Bình Phước) và 3 trạm nghiền xi măng (gồm trạm nghiền Phú Hữu – TP HCM, Cam Ranh – Khánh Hòa, và Long An), đều thuận tiện cho các phương tiện bằng đường bộ, đáp ứng nhu cầu tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. 

Năm vừa rồi, Xi măng Hà Tiên báo lãi ròng 17 tỷ đồng, giảm hơn 93% so với năm 2022. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của doanh nghiệp. Những năm trước, công ty đều có lãi hàng trăm tỷ đồng.

Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC), một doanh nghiệp thường đứng top 5 sản lượng tiêu thụ cả nước năm qua phải ngậm ngùi báo lỗ tới 194 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất trong các doanh nghiệp sản xuất xi măng đang giao dịch trên sàn, cùng kỳ vẫn có lãi 69 tỷ.

Một loạt các công ty từ lớn đến nhỏ cũng thua lỗ là Xi măng Vicem Bút Sơn (Mã: BTS), Xi măng Hoàng Mai (Mã: HOM), Xi măng Vicem Hải Vân (Mã: HVX), Xi măng Phú Thọ (Mã: PTE) và cả Xi măng Thái Bình (Mã: TBX).

Hai đơn vị Xi măng La Hiên VVMI (Mã: CLH)Xi măng Quán Triều VVMI (Mã: CQT) thuộc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP tuy không lỗ nhưng cũng báo lợi nhuận sụt giảm mạnh hai chữ số.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Lối ra nào cho doanh nghiệp sản xuất xi măng?

Trong báo cáo chiến lược năm 2024, Chứng khoán SSI nhận định kinh tế Việt Nam sẽ quay lại đà hồi phục trong năm nay nhờ các động lực tăng trưởng truyền thống như thương mại, đầu tư công và trên hết là các chính sách hỗ trợ tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.  

SSI Research đánh giá, điểm mới của năm 2024 có thể sẽ đến từ việc triển khai Nghị quyết 106/2023 của Quốc hội nhằm hỗ trợ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực trong 3 năm với mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý. Đơn cử như giúp các nhà thầu tiếp cận dễ dàng hơn mỏ đất/đá phục vụ xây dựng đường cao tốc.  

Với ngành xi măng, các nhà phân tích cho rằng sản lượng tiêu thụ sẽ chạm đáy trong quý đầu năm 2024 và dần phục hồi trở lại trong thời gian tới. Mức tiêu thụ xi măng trong quý I/2024 sẽ ở mức thấp kể từ quý III/2021 do các yếu tố mùa vụ như nghỉ Tết Nguyên đán và nhu cầu vẫn ở mức yếu. 

Tuy nhiên, kể từ quý II/2024, sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn như Sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024. 

Tuy nhiên, tăng trưởng ở thị trường xuất khẩu xi măng có phần hạn chế do Trung Quốc giảm nhập khẩu xi măng của Việt Nam. Trong năm 2023 vừa qua, xuất khẩu xi măng và clinker gần như đi ngang do đất nước tỷ dân đã giảm nhập khẩu khoảng 90% sản lượng khi nhu cầu thị trường bất động sản kém. 

Ngược lại, Bangladesh là thị trường ghi nhận tăng trưởng khi xuất khẩu xi măng và clinker sang nước này tăng 40% so với cùng kỳ nhờ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng. 

Mặt khác, vấn đề cạnh tranh giữa các nhà sản xuất xi măng vẫn là vấn đề lớn đối với ngành. Tình trạng này đặc biệt xảy ra tại thị trường miền Bắc và miền Trung, khu vực có hầu hết các dự án mới và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.

Thực thế, giá bán xi măng vẫn đang có sự chênh lệch theo khu vực, giá xi măng tại miền Nam đang ở mức tương đối cao. Đây cũng là khu vực thiếu cung khi chỉ có 8 nhà máy xi măng tại đây với công suất đạt gần 12 triệu tấn trong khi nhu cầu xi măng lại lớn hơn rất nhiều so với phía Trung và Bắc.

SSI Research cho rằng, áp lực gia tăng từ các đối thủ cạnh tranh trong nước có thể khiến giá xi măng giảm mạnh trong thời gian tới. 

Cũng trong năm 2024, giá than đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng được dự báo sẽ giảm do mức nền giá than cao được thiết lập trong nửa đầu năm 2023. Nhờ vậy, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất sẽ chạm đáy trong quý I/2024, sau đó cải thiện dần trong các quý tiếp theo. Tuy nhiên, lợi nhuận có thể sẽ vẫn yếu (thấp hơn năm 2022) do sản lượng tiêu thụ phục hồi chậm và chi phí quản lý và bán hàng không thay đổi.

Giá đầu vào leo thang, chi phí hoạt động tăng lớn để tranh giành miếng bánh thị phần khiến đa số các doanh nghiệp xi măng suy giảm biên lãi gộp. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Xem thêm tại vietnambiz.vn