Đơn hàng tăng, doanh nghiệp dệt may nhiều tín hiệu khởi sắc

Đơn hàng tăng, doanh nghiệp dệt may nhiều tín hiệu khởi sắc- Ảnh 1.

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, Hải Dương. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tuy nhiên, để đạt kế hoạch đã đề ra năm 2024 là xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023, ngành dệt may cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Những tín hiệu vui

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc bởi, các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng. Việt Nam hiện vẫn giữ vị trí thứ 3 thế giới trong xuất khẩu dệt may. Nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tình hình sản xuất của các doanh nghiệp tín hiệu dù chưa thật sự rõ ràng nhưng đã khả quan hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Điều này báo hiệu triển vọng cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024.

Khảo sát tại một số doanh nghiệp cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã có đủ lượng đơn hàng phục vụ sản xuất đến hết tháng 6, thậm chí có doanh nghiệp đủ đơn hàng đến hết năm. Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam - ông  Lê Tiến Trường, hiện nhiều doanh nghiệp thành viên Vinatex đã nhận đơn hàng đến tháng 6. Bên cạnh đó, ngành sợi đón nhận nhiều thông tin tích cực khi có nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo.

Tương tự, tại Tổng Công ty May 10  từ sau Tết đến nay, việc làm của người lao động ổn định khi đủ đơn hàng trong quý I và đơn hàng chính vụ đến tháng 8. Với tinh thần vượt khó, May 10 vẫn quyết tâm đạt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 4.500 tỷ đồng vượt 6,6% so với năm 2023. Lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, vượt  5,7 % so với năm 2023. Còn tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, lượng đơn hàng của đơn vị đã được ký đến hết tháng 6. Với lượng đơn hàng như vậy, TNG dự kiến nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: Các đơn hàng tăng trở lại gần đây cho thấy, ngành dệt may đang tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, trước những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động các giải pháp nhằm duy trì tăng trưởng, ổn định công ăn việc làm cho người lao động.

Nỗ lực vượt khó

Đơn hàng tăng, doanh nghiệp dệt may nhiều tín hiệu khởi sắc- Ảnh 2.

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, Hải Dương. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế thế giới có nhiều điểm sáng cho ngành dệt may hồi phục trở lại, nhất là tại những thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn của ngành. Việt Nam là một điểm đến an toàn là một động lực mới cho đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam tốt hơn. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cao hơn 2023.

Trên cơ sở đó, tâm thế của ngành dệt may là nắm thời cơ, chớp cơ hội để có hiệu quả cao nhất. Cùng đó, chuẩn bị điều kiện thiết bị, năng lực quản trị, sản xuất với năng suất, chất lượng cao nhất. Đồng thời, tiếp tục tiết kiệm và đảm bảo chi phí sản xuất tốt, có hiệu quả sớm nhất, qua đó chủ động để đón “sóng” các đơn hàng mới.

Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn đối diện với nhiều khó khăn như: xung đột ở Biển Đỏ, căng thẳng Nga - Ukraine, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn…Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, vẫn còn hiện hữu không ít những khó khăn từ việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược "thời trang bền vững" thay cho "thời trang nhanh", Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...

Hơn nữa, đơn hàng xuất khẩu dự kiến xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao. Cùng với đó, rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm; xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới.

"Do đó, giải pháp của May 10 trong bối cảnh hiện nay là đốc thúc tiến độ sản xuất nhanh nhất có thể để bù cho thời gian vận chuyển bị kéo dài thêm do căng thẳng ở Biển Đỏ", ông Thân Đức Việt nói.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, mục tiêu mà ngành dệt may Việt Nam đặt ra là xuất khẩu đạt 44 tỷ USD trong năm nay là khá thách thức khi vẫn còn nhiều rủi ro trong chuỗi cung ứng. Chi phí vận tải cũng như các doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư để đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng về xanh hóa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp), chuyển đổi số… Theo đó, việc tìm kiếm bạn hàng mới, thị trường mới cũng như phát triển các nguồn nguyên phụ liệu mới cho các doanh nghiệp dệt may là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Ông Vũ Đức Giang cho biết: thị trường đang ấm dần, nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên FTA như: Canada, Australia, châu Âu… đã tìm đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh. Do vậy, kế hoạch tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD năm 2024 là hoàn toàn có khả năng.

Tuy nhiên, ông Giang cũng đưa ra 3 thách thức cho các doanh nghiệp dệt may gồm: xuất xứ về dòng sản phẩm; sản phẩm tái chế, tỷ lệ tái chế - phải có tỷ lệ và phương pháp cụ thể đáp ứng yêu cầu của họ. Các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), với 16 FTA đã có hiệu lực và hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận một thị trường rộng lớn. Khi các hiệp định vào cuộc thì vai trò chuỗi cung ứng rất quan trọng. Khách hàng sẽ tìm tới những nhà cung ứng có khả năng cung cấp trọn gói sản phẩm dệt may.

Xem thêm tại cafef.vn