Dòng tiền vẫn chảy mạnh trong phiên thị trường điều chỉnh chiều 29/2

Lực bán từ cuối phiên sáng tiếp tục mạnh lên đôi chút trong phiên chiều khiến VN-Index có lúc đã thủng ngưỡng 1.250 điểm. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn rất tích cực khi dòng tiền vẫn chảy mạnh trên thị trường, cùng với đó là bảng điện tử bớt tiêu cực hơn đã giúp chỉ số bật trở lại và giằng co nhẹ quanh ngưỡng trên cho đến khi đóng cửa.

Thanh khoản trở thành điểm nhấn, khi thêm một phiên vượt 1 tỷ cổ phiếu được giao dịch và giá trị đạt hơn 1 tỷ USD tính riêng trên sàn HOSE.

Chốt phiên, sàn HOSE có 214 mã tăng và 262 mã giảm, VN-Index giảm 1,82 điểm (-0,15%), xuống 1.252,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,09 tỷ đơn vị, giá trị 26.136,5 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 78,2 triệu đơn vị, giá trị 1.715 tỷ đồng.

Như vậy, trong tháng 2 này, VN-Index đã tăng hơn 88 điểm, tương đương +7,59% từ mức hơn 1.164 điểm cuối tháng 1/2024.

Trở lại với phiên hôm nay, hai cổ phiếu nhà Vin là VRE và VHM bị chốt lời và giảm mạnh nhất trong số những bluechip. Theo đó, VRE -4,7% xuống 26.500 đồng, khớp 21,5 triệu đơn vị; VHM -2,3% xuống 43.400 đồng, khớp 11 triệu đơn vị.

Các mã giảm khác chỉ giảm nhẹ, với PLX, MBB, GVR, CTG, POW, VIC, BID giảm từ 1% đến 1,7%, trong khi VCB, VNM, VJC, GAS giảm không đáng kể.

Ở chiều ngược lại, trụ đỡ chính là MSN khi +3,1% lên 70.400 đồng, khớp gần 8,3 triệu đơn vị; SSI +2,5% lên 37.000 đồng và giữ vững vị trí là cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường khi có hơn 43,1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tiếp theo là MWG +2% lên 46.200 đồng, khớp 13,89 triệu đơn vị, trong khi SAB và HPG nhích hơn 1%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với một số khởi sắc như FTS, KDH, BKG, TNT, ST8, khi đều tăng kịch trần. Trong đó, KDH khớp gần 14 triệu đơn vị, FTS khớp 2,2 triệu đơn vị, ST8 khớp 2,88 triệu đơn vị.

Tăng tích cực khác còn có FRT +6,4% lên 145.000 đồng, RDP +3,7% lên 8.980 đồng, NLG +3,6% lên 39.600 đồng, VGC +3,2% lên 55.400 đồng, BMP +3,1% lên 117.000 đồng, VDS +3,1% lên 20.200 đồng.

Khá nhiều cổ phiếu thanh khoản cao cũng đã đảo chiều tăng điểm, dù mức tăng còn khiêm tốn, với đa số thuộc nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, xây dựng với những cái tên quen thuộc như HQC, PC1, TCD, DXG, EVF, PDR, HAG, DIG, VND, NVL, VIX, khớp từ 5,7 triệu đến hơn 36 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cũng không vội bán giá thấp, khi ngoài VRE thì gần như không có mã nào giảm sâu. Áp lực điều chỉnh nhẹ đến với một số cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán như SHB, TPB, MBB, EIB, LPB, OCB, HCM, TVS, ORS.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng giảm thêm đôi chút ngay đầu phiên chiều, nhưng đã dần hồi phục vào cuối phiên và có nhịp bật tăng lên trên tham chiếu ở những phút cuối.

Đóng cửa, sàn HNX có 65 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,12%), lên 235,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 95,3 triệu đơn vị, giá trị 1.894,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 13,2 triệu đơn vị, giá trị 254 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa, với SHS, CEO, HUT, IDC, VGS, NRC, TVC tăng nhẹ, cùng BVS nhích hơn 4% lên 27.500 đồng.

Trong khi đó, PVS, TNG, TIG, MBG, DTD giảm nhẹ, còn MBS, AMV, IDJ, TTH, MST đứng tham chiếu.

Thanh khoản cao nhất phiên này là SHS với gần 28 triệu đơn vị khớp lệnh, CEO khớp 15,4 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index đảo chiều xuống tham chiếu và cũng đã có nhịp bật lên trên sắc xanh vào những phút cuối.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,09%), lên 90,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,1 triệu đơn vị, giá trị 538,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,71 triệu đơn vị, giá trị 18,7 tỷ đồng.

Các cổ phiếu thu hút sự chú ý là ICF khi tăng trần +12% lên 2.800 đồng, khớp 0,47 triệu đơn vị. Trong khi ngược lại là VNH khi giảm sàn -11,5% xuống 2.300 đồng, khớp 0,63 triệu đơn vị.

Phần còn lại phân hóa, với BSR, SBS là hai cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản và cùng giảm nhẹ xuống 19.900 đồng và 7.300 đồng, khớp 6,27 triệu và 2,66 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2403 giảm nhẹ 3,4 điểm, tương đương -0,27% xuống 1.262,8 điểm, khớp lệnh hơn 218.400 đơn vị, khối lượng mở đạt hơn 44.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, áp lực phân hóa cũng khá mạnh, với CSTB2322 nhích 6,7% lên 800 đồng/cq, thanh khoản cao nhất với 4,65 triệu đơn vị khớp lệnh, CVPB2309 khớp 3,55 triệu đơn vị và đứng tham chiếu 220 đồng/cq, còn CVHM2311 khớp 3,2 triệu đơn vị lại giảm 13,1% xuống 330 đồng/cq.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn