Dư nợ trái phiếu của Chủ đầu tư Dự án Đồi Rồng còn bao nhiêu?

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả mua trái phiếu trước hạn của CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco).

Theo đó, trong ngày 29/2, doanh nghiệp này đã thực hiện mua lại trước hạn 47,5 tỷ đồng giá trị đang lưu hành của mã trái phiếu DRGCH2126002 và mua lại trước hạn 113,5 tỷ đồng giá trị đang lưu hành của mã trái phiếu DRGCH2226001.

Được biết lô trái phiếu DRGCH2126002 phát hành ngày 31/08/2021, đáo hạn ngày 31/08/2026, giá trị phát hành theo mệnh giá là 500 tỷ đồng, giá trị trái phiếu sau khi mua lại là 405 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền thu được từ phát hành trái phiếu được dùng để phục cho mục đích tài trợ/thanh toán chi phí đã chi của dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, Đồ Sơn, Hải Phòng.

Tài sản bảo đảm gồm toàn quyền sử dụng đất, và tài sản gắn liền với đất đã, đang và sẽ hình thanh trong tương lai, cùng một phần quyền tài sản phát sinh từ Dự Án trong phạm vi liên quan đến các giấy tờ về đất; 25 triệu cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP An Bình thuộc sở hữu của (các) tổ chức/cá nhân bảo đảm khác.

Được biết, CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho toàn bộ các nghĩa vụ của tổ chức phát hành liên quan đến trái phiếu.

Còn lô trái phiếu DRGCH2226001 được phát hành ngày 26/01/2022, cũng đáo hạn ngày 31/08/2026 với giá trị phát hành theo mệnh giá là 1.195 tỷ đồng, giá trị trái phiếu sau khi mua lại là 968 tỷ đồng. Các thông tin khác như tài sản đảm bảo, mục đích phát hành... không được công bố.

Theo dữ liệu triên HNX, sau đợt mua lại trái phiếu trước hạn vào ngày 29/2 này, Vạn Hương Investoco còn 5.213 tỷ đồng trái phiếu đang được lưu hành.

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương được thành lập từ năm 2010 và được biết đến là chủ đầu tư Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Đồ Sơn, Hải Phòng) có quy mô 480 ha.

Dự án này được Tập đoàn Geleximco xúc tiến đầu tư từ năm 2019. Tập đoàn Geleximco cũng được giới thiệu là đơn vị phát triển dự án.

Dự án bao gồm các hạng mục như: Sân golf 27 hố; trung tâm hội nghị, hội thảo; nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp; khách sạn 5 sao; resort; khu phố thương mại; biển nhân tạo; bể bơi nước ngọt, bể bơi nước mặn; công viên nước; khu vui chơi giải trí.

Tại thời điểm cuối năm 2016, vốn điều lệ của Vạn Hương Investoco là 120 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm ông Phạm Văn Hùng nắm giữ 70% vốn, ông Bùi Quang Khả nắm giữ 25% và ông Nguyễn Thế Dũng sở hữu 5% còn lại.

Sau nhiều lần tăng vốn, tại lần tăng vốn gần nhất vào ngày 15/6/2021, Vạn Hương tiếp tục tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên, cơ cấu cổ đông không được công bố.

Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Vạn Hương từ tháng 7/2019 đến nay là ông Phạm Ngọc Tuân. Ông Tuân từng là Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (MCK: SHN) - thành viên của Tập đoàn Geleximco. Vợ ông Tuân - bà Trần Kim Khánh hiện là Thành viên HĐQT của Chứng khoán An Bình (ABS), Trưởng ban Ban Tài chính của Tập đoàn Geleximco.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, Vạn Hương Investoco ghi nhận lỗ sau thuế 10,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 5,4 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Vạn Hương giảm nhẹ so với cùng kỳ, về mức 3.007 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả tăng 11,2% lên 19.443 tỷ đồng.

Như vậy, tổng tài sản của Vạn Hương tại thời điểm kết thúc quý II/2023 đạt mức 22.450 tỷ đồng và là mức cao trong ngành bất động sản.


Xem thêm tại cafef.vn