G-Dragon 'kéo' cổ phiếu VPB: Trend tăng dài hạn hay khoảnh khắc lóe sáng?

Phiên giao dịch ngày 14/5 chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về điểm số và thanh khoản trên thị trường chứng khoán khi chỉ số VN-Index tăng 16,18 điểm, chốt phiên tại 1.309,73 điểm với thanh khoản vượt mức tỷ đô.

Đóng góp lớn vào đà tăng ấn tượng này là cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khi chạm trần ở mức 18.400 đồng/cp, với 96 triệu đơn vị được khớp lệnh. Không chỉ thu hút mạnh dòng tiền trong nước, mã này còn được khối ngoại mua ròng tới 322 tỷ đồng – mức cao nhất trong nhiều tháng qua.

Giá cổ phiếu VPBank tăng trần phiên 14/5

Đà tăng giá của cổ phiếu VPB diễn ra ngay sau khi VPBank công bố tổ chức đại nhạc hội quốc tế VPBank K-Star Spark in Vietnam 2025, dự kiến diễn ra cuối tháng 6 tại Hà Nội. Sự kiện quy tụ hai ngôi sao hàng đầu của làn sóng Hallyu – G-Dragon (thành viên nhóm Big Bang) và CL (cựu trưởng nhóm 2NE1) – được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng thương hiệu mạnh mẽ cho ngân hàng trong phân khúc khách hàng trẻ.

Theo công bố từ ban tổ chức, đại nhạc hội sẽ có quy mô 40.000 chỗ ngồi, phân hạng theo độ gần sân khấu, tầm nhìn và đặc quyền trải nghiệm. Giá vé dao động từ 1 triệu đến 6,5 triệu đồng. Trong đó, hạng vé S-VIP có giá cao nhất – 6,5 triệu đồng – dành cho khu vực gần sân khấu với tầm nhìn trực diện và các đặc quyền riêng. Hạng vé phổ thông nhất CAT 5 (RV) có giá 1 triệu đồng/người.

Ngoài mục tiêu quảng bá thương hiệu, VPBank cũng đang tận dụng sự kiện này để kích cầu mảng thẻ tín dụng. Cụ thể, khách hàng sở hữu thẻ tín dụng VPBank sẽ được ưu tiên mua vé sớm – một đặc quyền có thể khiến nhiều người hâm mộ K-pop sẵn sàng mở thẻ để săn vé. Đây được xem là chiến lược đẩy mạnh doanh thu mảng bán lẻ của ngân hàng thông qua việc kết hợp giữa tài chính và giải trí.

VPBank đưa G-Dragon về Việt Nam tháng 6 này

Trước diễn biến tích cực của cổ phiếu, không ít nhà đầu tư đặt ra câu hỏi: Liệu VPB đã thực sự bước vào chu kỳ tăng giá bền vững hay chỉ đang hưởng lợi từ hiệu ứng truyền thông ngắn hạn?

Về kết quả kinh doanh, VPBank ghi nhận nhiều điểm sáng trong quý I/2025. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt gần 15.600 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.015 tỷ đồng, tăng hơn 20%. Tổng tài sản tính đến cuối tháng 3/2025 đạt gần 994.000 tỷ đồng, củng cố vị thế là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất cả nước.

Tuy vậy, chất lượng tài sản vẫn là yếu tố cần lưu ý. Tính đến hết quý I, tổng nợ xấu của VPBank tăng lên 34.610 tỷ đồng, tương đương 4,74% dư nợ – cao hơn mức 4,2% hồi đầu năm. Đặc biệt, nợ nhóm 5 – nhóm có nguy cơ mất vốn – tăng từ 6.119 tỷ lên 8.383 tỷ đồng, phản ánh áp lực tín dụng vẫn hiện hữu trong bối cảnh phục hồi kinh tế chưa đồng đều.

Dù vậy, nếu so với thời điểm cuối năm 2023 – thời điểm tỷ lệ nợ xấu hợp nhất từng chạm 5,02% – con số hiện tại cho thấy ngân hàng đã có những cải thiện nhờ đẩy mạnh công tác xử lý và thu hồi nợ xấu.

Về định giá, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra con số mục tiêu cho năm 2025 là 23.349 đồng/cp. Đáng chú ý, Chứng khoán BIDV (BSC) và KB Việt Nam (KBSV) thậm chí lạc quan hơn, khi định giá cổ phiếu này lần lượt ở mức 24.800 đồng và 25.700 đồng. Nhìn chung, các tổ chức phân tích kỳ vọng VPB vẫn còn dư địa tăng trưởng trong trung hạn, đặc biệt khi các động lực kinh doanh đang dần được kích hoạt trở lại.

Tuy nhiên, xét trên phương diện kỹ thuật, cổ phiếu VPB vẫn đang "mắc kẹt" trong trạng thái sideway kéo dài, với biên độ rộng từ tháng 4/2023 đến nay. Suốt hơn hai năm qua, cổ phiếu chủ yếu dao động trong vùng 16.800 – 20.500 đồng/cổ phiếu, phản ánh một giai đoạn tích lũy dai dẳng nhưng thiếu lực bật rõ rệt để xác lập xu hướng tăng bền vững.

Dù từng nhiều lần ghi nhận khối lượng giao dịch bùng nổ, có thời điểm vượt mốc 100 triệu cổ phiếu/phiên, nhưng lực cầu vẫn chưa đủ mạnh để giúp VPB phá vỡ ngưỡng kháng cự quan trọng tại 20.500 đồng/cổ phiếu. Đây không chỉ là mốc kỹ thuật quan trọng mà còn là "vùng cản tâm lý", nơi mà kỳ vọng và nghi ngại giao thoa. Nếu vượt qua thành công, VPB có thể mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới. Ngược lại, nếu tiếp tục bị từ chối tại vùng giá này, cổ phiếu có nguy cơ quay lại trạng thái lình xình, thậm chí điều chỉnh khi hiệu ứng truyền thông và tâm lý đầu cơ dần nguội lạnh.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn