Giá vàng cầm cự mốc 3.200 USD/oz, SPDR Gold Trust mua ròng hơn 1 tấn
Dù bị bán tháo dữ dội trong phiên ngày thứ Hai (12/5), giá vàng thế giới vẫn duy trì mốc 3.200 USD/oz. Tuy nhiên, với áp lực giảm còn lớn do nhu cầu phòng ngừa rủi ro suy giảm, giá vàng tiếp tục trượt dốc trong phiên sáng nay (13/5) tại thị trường châu Á.
Lúc gần 9h sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 12 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương giảm 0,37%, giao dịch ở mức 3.226,7 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 101,7 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Cùng thời điểm trên, website của Vietcombank báo giá USD ở mức 25.760 đồng (mua vào) và 26.150 đồng (bán ra), tăng 10 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng giao ngay chốt ở mức 3.238,7 USD/oz, giảm 86,6 USD/oz so với đóng cửa phiên trước, tương đương giảm 2,6%. Trong phiên, có lúc giá vàng giao ngay giảm khoảng 120 USD/oz, về sát mốc 3.200 USD/oz.
Trên sàn giao dịch COMEX, giá vàng giao sau giảm 3,5%, chốt ở mức 3.228 USD/oz.
Hồi tháng 4, giá vàng đạt mức kỷ lục mọi thời đại trên 3.500 USD/oz. Nếu so với đỉnh giá đó, giá kim loại quý này hiện giảm khoảng 8%.
Sau hai ngày đàm phán ở Geneva, Thụy Sỹ vào cuối tuần vừa rồi, Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận giảm thuế quan cho nhau trong vòng 90 ngày trong lúc đàm phán để đi đến một thỏa thuận rộng thương mại rộng hơn. Thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc từ đầu nhiệm kỳ thứ hai tới nay sẽ giảm về 30% từ 145%, còn thuế quan Mỹ áp lên hàng Trung Quốc để trả đũa sẽ giảm về 10% từ 125%.
Đây là một kết quả vượt mong đợi của giới đầu tư, và do đó khiến nhu cầu phòng ngừa rủi ro sụt giảm mạnh. Tâm lý ham thích rủi ro dâng cao trong phiên giao dịch đầu tuần, khiến giá những tài sản an toàn như vàng, đồng yên Nhật và đồng franc Thụy Sỹ đồng loạt sụt giảm. Trái lại, giá cổ phiếu và nhiều hàng hóa cơ bản tăng mạnh.
“Tháng trước, giá vàng đã có phản ứng bùng nổ với những tin tức thuế quan đầy bất ổn. Chính điều này đã khiến vàng dễ tổn thương với sự xuống thang của thuế quan”, Giám đốc nghiên cứu Adrian Ash của công ty Bullion Vault nhận định với hãng tin Reuters. “Tâm trạng của giới đầu tư bây giờ đang tràn đầy hy vọng, dư địa tăng của giá vàng có thể bị hạn chế vì sự lạc quan này”.
Việc đồng USD tăng giá mạnh sau khi thỏa thuận Mỹ - Trung được công bố cũng gây áp lực giảm mạnh lên giá vàng. Chỉ số Dollar Index chốt phiên ngày thứ Hai ở mức gần 101,8 điểm, tăng gần 1,4% so với phiên trước.

“Các nhà đầu cơ giá lên đối với các hợp đồng vàng giao tháng 6 đã mất lợi thế kỹ thuật ngắn hạn. Mục tiêu tiếp theo của các nhà đầu cơ giá lên là đưa giá vàng đóng cửa chắc chắn trên mức 3.350 USD/oz. Ngưỡng kháng cự đầu tiên sẽ là 3.250 USD/oz, tiếp đó là 3.275 USD/oz”, nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của trang Kitco Metals nhận định.
Tuy nhiên, lực bắt đáy có thể giúp kiểm soát đà giảm của giá vàng.
Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng 1,2 tấn vàng trong phiên ngày thứ Hai, nâng khối lượng nắm giữ lên mức 939,1 tấn vàng - theo dữ liệu từ website của quỹ. Trước đó, quỹ này đã có 3 tuần bán ròng liên tục.
Tuần này, diễn biến thị trường tài chính toàn cầu sẽ phụ thuộc vào các tin tức thương mại, địa chính trị và các số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ. Trong đó, đáng chú ý nhất là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Ba. Số liệu này được coi là dấu hiệu về tác động của thuế quan đối với kinh tế Mỹ, từ đó có thể làm dịch chuyển kỳ vọng về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.
Xem thêm tại vneconomy.vn