Giải ‘cơn khát’ nước sạch cho người dân đô thị

Báo điện tử Chính phủ đã đi tìm lời giải cho bài toán nước sạch tại khu vực đô thị và trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý về những giải pháp căn cơ để phát triển bền vững tài nguyên nước.

Bài 1: Nguồn cung dồi dào, người dân vẫn ‘khát’ nước sạch

(Chinhphu.vn) – Theo nhận định của các chuyên gia, nguồn nước ngầm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước và môi trường. Chính vì vậy, mặc dù các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… được đánh giá có lượng nước ngầm dồi dào, song chất lượng nước lại chưa bảo đảm cho mục tiêu sử dụng của người dân.

Giải ‘cơn khát’ nước sạch cho người dân đô thị- Ảnh 1.

Việt Nam có nguồn tài nguyên nước dồi dào với 3.450 con sông, suối có tổng chiều dài từ 10km trở lên

Nguy cơ cạn kiệt nước ngầm, ô nhiễm nước mặt

Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cho thấy, suy thoái, ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là do phải tiếp nhận chất thải từ các nguồn xả thải vào sông, suối; chủ yếu bao gồm nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và một lượng không nhỏ chất thải rắn không được kiểm soát.

Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ở hầu hết các cửa sông ven biển với phạm vi và mức độ khác nhau, trong đó diễn ra gay gắt và ảnh hưởng lớn nhất là lưu vực sông Cửu Long.

Đối với nước dưới đất, ô nhiễm kim loại nặng và Amoni trong nước dưới đất được ghi nhận ở hầu hết các địa phương có khai thác, sử dụng nước ngầm lớn; sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp một thời gian dài cũng làm cho nguồn nước ngầm ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Tại TP. Hà Nội, trong tổng số 1,5 triệu m3 nước sạch cung cấp cho thành phố mỗi ngày đêm thì nước ngầm chiếm 770.000 m3, nước mặt 750.000 m3. Tuy nhiên, do khai thác tự phát kéo dài vài chục năm, mực nước ngầm đã sụt giảm, gây sụt lún đất, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước, xâm nhập nước mặt ô nhiễm… gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng khoảng 5% mỗi năm, trong khi đó, tốc độ đầu tư các dự án nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Hà Nội chậm, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng của người dân. Vào những tháng cao điểm hè vừa qua, một số khu vực đã rơi vào cảnh mất nước sinh hoạt như Hoài Đức, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân… dù các nhà máy nước Sông Đà, Sông Đuống và Yên Phụ đã vận hành tối đa công suất.

Việt Nam hiện có 3.450 con sông, suối có tổng chiều dài từ 10km trở lên, với tổng lượng nước khoảng 7.936 tỷ m3, tức là trung bình cả năm 936.000 tỷ m3. Với lượng tài nguyên như vậy, nếu xét theo bình quân đầu người, Việt Nam không phải quốc gia thiếu nước.

Tuy nhiên, sản lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 40% còn 60% xuất phát từ nước ngoài, Việt Nam chỉ đạt 4.421 m3/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m3/người/năm.

Để bảo vệ nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã rà soát không cấp phép đầu tư xây dựng các nhà máy khai thác nước ngầm mới.

Khi giảm khai thác nước ngầm, Hà Nội phải tăng khai thác và sử dụng nước mặt để bù đắp. Tuy nhiên, do hàng loạt dự án nước mặt đang chậm tiến độ, nên việc thiếu nước là khó tránh khỏi. Thời gian gần đây, hàng loạt khu dân cư ở các quận huyện bị thiếu nước sinh hoạt. Điển hình là vụ việc mất nước sinh hoạt nghiêm trọng ở Khu đô thị Thanh Hà diễn ra trong tháng 10 vừa qua đã khiến cho cuộc sống sinh hoạt của hàng nghìn người dân ở khu đô thị này bị đảo lộn.

Chị Trần Thị An, ở tòa HH03D Khu đô thị Thanh Hà cho biết, việc mất nước sinh hoạt tại khu đô thị chị sinh sống khiến cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn, nhiều gia đình phải "tùy nghi di tản", hàng quán phải đóng cửa, kinh doanh sụt giảm. Có nhiều người phải thức xuyên đêm đi xách nước, thậm chí phải sử dụng lại nước thải sinh hoạt.

Chị An cho biết, Khu đô thị Thanh Hà có 23 tòa nhà với khoảng 16.000 dân. Trước khi mất nước cư dân đã phản ánh về nguồn nước nhiễm độc với các chỉ số amoni, asen, nitrit, nitrat, clo dư, pecmangan… tăng cao gấp mấy chục lần. Chất lượng nước trước đây không bảo đảm khiến cho nhiều người dân bị ảnh hưởng sức khỏe, như bị nổi mẩn ngứa, mề đay dị ứng, viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt, chóng mặt, buồn nôn… "Sau đó, cư dân đã nhiều lần đề nghị trước khi cấp nước mới cần sục rửa đường ống, các bể chứa nhưng Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà không giải quyết. Đặc biệt điều khiến người dân không khỏi lo ngại khi nhà máy cấp nước sạch chỉ cách nghĩa trang chưa đầy 500m", chị An cho hay.

Tại Đà Nẵng, theo ông Hồ Minh Nam - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), chất lượng nước mặt vào mùa khô của TP Đà Nẵng thường bị nhiễm mặn, tại cửa thu nước nhà máy nước Cầu Đỏ độ mặn trung bình vượt hơn 1.000mg/l. Độ mặn cao nhất 8.192mg/l (ngày 29/8/2023).

Trước đây khi chưa nâng công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch, tình trạng nước sông bị nhiễm mặn đặt ra thách thức không nhỏ đối với an ninh nguồn nước tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, từ khi đưa vào vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch công suất 420.000 m3/ngày, khi có hiện tượng nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ thì nguồn nước thô từ Trạm bơm phòng mặn được dẫn về nhà máy nước Cầu Đỏ để xử lý và đảm bảo cấp nước an toàn cho toàn thành phố.

Giải ‘cơn khát’ nước sạch cho người dân đô thị- Ảnh 2.

Vụ việc mất nước sinh hoạt nghiêm trọng ở Khu đô thị Thanh Hà diễn ra trong tháng 10 vừa qua

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về thực trạng cung cấp nước sạch tại TPHCM, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn Bùi Thanh Giang cho biết, dự báo, hiện tượng El Nino tác động trực tiếp đến Việt Nam từ nay đến hết tháng 5/2024. Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ (trong đó có TPHCM) là những vùng chịu tác động nặng nhất của đợt El Nino này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lượng mưa trong mùa mưa năm 2023 không bằng trung bình các năm trước; đồng thời vào mùa khô nắng nóng hơn bình thường, dẫn đến khả năng thiếu hụt dòng chảy trên các lưu vực sông. Trong khi đó, 96% nguồn nước thô của hệ thống cấp nước TPHCM khai thác từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Thành phố nằm ở cuối lưu vực sông nên việc kiểm soát vấn đề nguồn nước nên sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Đặc biệt, tình hình biến đổi khí hậu, vấn đề xâm nhập mặn cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước. Hiện độ mặn ở sông Sài Gòn và sông Đồng Nai tới ngưỡng 200mg/lít, nhiều thời điểm độ mặn vượt ngưỡng diễn ra từ 1-2 giờ. Với dân số hiện nay của TPHCM đông và tiếp tục gia tăng nhanh thì sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu được dự báo sẽ gây khó khăn, áp lực cho vấn đề cung cấp nước cho người dân", ông Bùi Thanh Giang phân tích.

Khan hiếm nước sạch cục bộ

Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ về thực trạng vẫn còn khan hiếm nước sạch cục bộ ở các vùng miền, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho biết, biến đổi khí hậu gây suy thoái các dòng chảy, nước dưới đất và xâm nhập mặn vào mùa khô; kết hợp với tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội, nước thải sinh hoạt, sản xuất (chỉ 15% nước thải đô thị được thu gom xử lý) đang gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các trạm cấp nước.

Ông Tạ Quang Vinh nêu thực tế: Đối với khu vực đô thị, trong thời gian qua, cùng với việc phát triển, mở rộng đô thị, nhiều khu vực nông thôn đã trở thành đô thị và khu vực nông thôn lân cận đô thị đã được kết nối với hệ thống cấp nước của đô thị. Tuy nhiên, nhiều trạm cấp nước nông thôn cục bộ, phân tán có chất lượng xây dựng kém, chất lượng nước, chất lượng dịch vụ không đạt quy định, chưa được kế thừa hiệu quả gây lãng phí đầu tư. Ngoài ra, một số trạm cấp nước cục bộ, phân tán do tư nhân đầu tư vẫn duy trì hoạt động cấp nước đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân trong vùng phục vụ.

Còn tại khu vực nông thôn, hàng ngàn trạm cấp nước cục bộ, phân tán tại các khu dân cư nông thôn đang sử dụng nguồn nước ngầm hoặc sử dụng nguồn nước sông, suối nhỏ phải dừng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả do nguồn nước bị ô nhiễm và cạn kiệt. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT khoảng 31,6% trong 18.000 công trình cấp nước nông thôn hoạt động kém bền vững hoặc không hoạt động.

Giải ‘cơn khát’ nước sạch cho người dân đô thị- Ảnh 3.

Nỗ lực triển khai các giải pháp duy trì tỷ lệ 100% hộ dân trên địa bàn TPHCM được cung cấp nước sạch

Kết luận giám sát tình hình cung cấp nước sạch do HĐND thành phố Hà Nội công bố cuối tháng 9 cũng cho thấy, mạng cấp nước các quận đồng bộ, đáp ứng 100% nhu cầu của người dân với chỉ tiêu 100-150 lít/người/ngày. Nhưng với ngoại thành, nhiều dự án phát triển mạng cấp nước chậm tiến độ, nhà đầu tư không thực hiện. Hệ quả là 139 xã chưa có nguồn nước sạch tập trung.

Ông Lê Văn Du - Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội nhận định, với tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy và vận hành mạng lưới cấp nước như hiện nay, tình trạng khan hiếm nước sạch cục bộ ở nhiều khu vực còn tái diễn. Hè 2024, Hà Nội có nguy cơ thiếu hụt khoảng 50.000 m3 nước mỗi ngày đêm, tập trung ở phía tây và tây nam.

Thậm chí có một số dự án mạng cấp nước sạch nông thôn chủ đầu tư không thực hiện, như dự án phân phối nước sạch cho 26 xã của huyện Thường Tín, 20 xã thuộc Mỹ Đức, 27 xã ở Ứng Hòa và 17 xã ở Thanh Oai do Công ty CP Nước Aqua One và Công ty Nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư. Kế hoạch dự án hoàn thành vào năm 2020 nhưng hiện chưa hoàn thiện thủ tục để triển khai.

Tại Đà Nẵng, lượng mưa các tháng mùa khô 2023 sẽ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nên dòng chảy trên các sông hạ thấp. Dự báo lưu lượng dòng chảy trung bình trên sông Vu Gia (nguồn cung cấp nước thô cho Đà Nẵng) thiếu hụt khoảng 40-60%. Việc cạn kiệt nguồn nước tại các hồ chứa sẽ gây mất an toàn đối với việc đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ du trong mùa khô.

Trong trường hợp sông nhiễm mặn 1.000mg/l sẽ khai thác nước tại đập dâng An Trạch. Tuy nhiên, nếu lượng nước ở thượng nguồn về không đủ, mực nước đập dâng xuống dưới 1,6m thì một trong hai trạm bơm sẽ không vận hành được. Lúc đó sẽ ảnh hưởng đến việc cấp nước cho người dân.

Như vậy, việc bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân tại các đô thị đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Với các đô thị, chất lượng nguồn nước sinh hoạt là một trong những tiêu chí để đánh giá sự bền vững của đô thị. Bởi thế, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề "nóng" của không riêng địa phương nào.

Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1929/QĐ-TTg nêu rõ:

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thị đạt 100%, với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định; các khu công nghiệp được cấp nước đầy đủ theo yêu cầu áp lực và lưu lượng.

Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 75%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch tại các đô thị dưới 15%; dịch vụ cấp nước liên tục, đủ áp lực 24 giờ trong ngày.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn