Giai đoạn 1 sân bay Long Thành: ACV đã huy động đủ 4,23 tỷ USD, hoàn thành chậm nhất 2/9/2026

Vốn đã sẵn sàng, tiến độ có thể nhanh hơn dự kiến

Chiều nay (20/11), Quốc hội thảo luận về điều chỉnh chủ trương đầu tưDự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội. Các đại biểu quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung đầu tư thêm một đường băng vào giai đoạn 1 dự án (đường hạ cất cánh số 3) và kéo dài thời gian hoàn thành đến năm 2026.

f
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)

“Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các nhà thầu và người lao động đã tích cực thi công ngày đêm trên công trường để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tôi đồng ý bổ sung đầu tư tuyến đường cất, hạ cánh số 3 hướng Bắc vào giai đoạn 1 và kéo dài thời gian hoàn thành giai đoạn 1 đến cuối năm 2026; cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh giai đoạn 1”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nêu ý kiến.

Cũng tán thành với chủ trương điều chỉnh của Chính phủ, song đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) lại băn khoăn về đề xuất của Chính phủ về việc cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Giai đoạn 1 của Dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua. Theo đại biểu, để đảm bảo đúng với Điều 17 của Luật Đầu tư công hiện nay, Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét cả 2 giai đoạn (giai đoạn 2 và giai đoạn 3) để hoàn thiện chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã trình Quốc hội, đảm bảo giao đúng thẩm quyền”

Trước đó, phát biểu tại thảo luận tổ ngày 13/11/2024, nhiều đại biểu quốc hội Nhất trí cao với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án, cho rằng việc thực hiện đường băng số 3 hoàn toàn nằm trong nguồn vốn tiết kiệm qua đấu thầu các gói thầu đã triển khai, cũng như trong nguồn vốn dự phòng, nên việc này rất thuận lợi, không ảnh hưởng đến các công trình, hạng mục khác. Dù điều chỉnh chủ trương đầu tư nhưng bản chất chỉ là đẩy nhanh tiến độ để nâng cao hiệu quả. Thực tế, một sân bay có hai đường băng sẽ đảm bảo an toàn vận hành cao hơn, vì các vấn đề như sự cố hay bảo trì sẽ được xử lý dễ dàng hơn với đường băng dự phòng.   

Các ý kiến cũng tán thành kéo dài thời gian thực hiện giai đoạn 1 của Dự án sang năm 2026 song phải đảm bảo tiến độ kết thúc đúng năm 2026 là phương án khả thi để tránh điều chỉnh nhiều lần.

Giải trình thêm với các đại biểu trong buổi thảo luận chiều nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết,  giai đoạn 1 của dự án Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 109.111 tỷ đồng. Trong đó dự án thành phần 3 do ACV đầu tư có tổng mức đầu tư là 99.019 tỷ đồng, tương đương với 4,23 tỷ USD.

Đến thời điểm hiện nay dự án thành phần 3 còn dư khoảng 3.908 tỷ đồng. Các công trình đang và sẽ triển khai của dự án thành phần 3 đều đã được phân bổ dự phòng phù hợp nên việc sử dụng khoảng từ 3.304 tỷ đồng/3.908 tỷ đồng từ phần tiết kiệm và dự phòng để đầu tư đường cất, hạ cánh số 3 không ảnh hưởng tới các công trình khác và không làm phát sinh thêm chi phí dẫn đến phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

“Hiện nay ACV đã huy động được đủ 4,23 tỷ USD để đầu tư, trong đó vốn tự có của ACV khoảng 2,43 tỷ USD và vay thương mại tại các ngân hàng thương mại là 1,8 tỷ USD”, Bộ trưởng cho biết.

Về tiến độ triển khai dự án đường cất hạ cánh số 3, cũng theo Bộ trưởng, Chính phủ dự kiến thời gian chuẩn bị khoảng tối đa không quá 12 tháng nhưng Bộ trưởng cho biết dự kiến chỉ mất khoảng 6 tháng. Thời gian thi công tối đa khoảng 12 tháng, tương tự như đường cất hạ cánh 1. Như vậy, sau khi Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, hạng mục đường cất hạ cánh số 3 hoàn thành tối đa 2/9/2026. 

Sẽ có 3 tuyến đường sắt kết nối Sân bay Long Thành – TP.HCM 

Chia sẻ thêm về giao thông kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này đã được tính đến trong quá trình chuẩn bị đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng như trong quá trình lập các quy hoạch quốc gia ngành giao thông vận tải.

Theo đó Bộ Giao thông vận tải đã hoạch định và đang đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối Trung tâm Tp.HCM và các vùng lân cận tới Cảng không quốc tế Long Thành.

Về đường bộ, hiện đang đầu tư các tuyến mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành (hiện Chính phủ đang giao cho VECH triển khai thực hiện các thủ tục để nâng từ 4 làn lên 8 làn và 10 làn dự kiến sẽ triển khai và hoàn thành vào năm 2027). Xây dựng tuyến đường Vành đai 3 Tp.HCM, dự kiến hoàn thành trong năm 2026, giúp kết nối từ Tp.HCM đến Long Thành và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, giúp kết nối khu vực phía Nam của Tp.HCM, dự án này cũng dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giúp kết nối các khu vực phía Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh.

Về đường sắt sẽ có 3 tuyến, trong đó:

Thứ nhất, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, từ ga Thủ Thiêm tới ga Long Thành.

Thứ hai, đường sắt nhẹ cũng từ ga Thủ Thiêm tới ga Long Thành. Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi để mời gọi nhà đầu tư, dự kiến sẽ đầu tư theo hình thức PPP.

Thứ ba, Bộ cũng đã quy hoạch tuyến đường sắt kết nối từ Cảng hàng không Tân Sơn Nhất tới ga Thủ Thiêm. 

Phát biểu tại thảo luận tổ trước đó, có ý kiến đề nghị làm rõ khả năng kết nối giữa Đường cất hạ cánh số 3 và các hệ thống giao thông, dịch vụ khác, đề nghị tính toán thêm cho tuyến giao thông kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành và các vùng khác.

Xem thêm tại baodautu.vn