Giải pháp để Bình Dương tiếp tục là “điểm sáng” bất động sản khu công nghiệp

Khu công nghiệp KSB ở Bình Dương đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cuối năm 2024 đưa ra thị trường với diện tích khoảng 200ha

Tận dụng lợi thế để đón đầu nhà đầu tư ngoại

Nhìn nhận về thực trạng và giải pháp đối với bất động sản khu công nghiệp, ông Phan Tấn Đạt – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp khoáng sản Việt Nam và Chủ tịch KSB cho hay, thời gian qua, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của các công ty trong khu công nghiệp và ngay cả chủ đầu tư khu công nghiệp cũng ảnh hưởng rất nhiều.

Tuy nhiên, KSB nói riêng và toàn hệ thống các khu công nghiệp nói chung để vượt qua giai đoạn khó khăn cần đồng hành với doanh nghiệp thành phần bằng nhiều biện pháp như: giãn tiến độ thanh toán phí cơ sở hạ tầng với khách hàng khó khăn, kéo dài công nợ đối với khách hàng rất khó khăn.

Theo ông Phan Tấn Đạt, để cho một khu công nghiệp phát triển bài bản, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư … thì cần tư cần phải hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các vấn đề pháp lý có liên quan để đủ điều kiện cho nhà đầu tư vào triển khai ngay dự án.

Hơn nữa, ngay từ ban đầu, việc định hướng của chủ đầu tư trong việc quy hoạch thiết kế phân khu chức năng hợp lý phải tạo môi trường tốt, hợp lý cho nhà đầu tư.

“Thời điểm này việc suy thoái kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại và tình hình phát triển kinh tế trong nước có thể hồi phục dần dần từ năm 2024, đồng thời bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là “điểm sáng” trong phân khúc bất động sản, vậy nhưng, cần hành động nhanh chóng để đón đầu các nhà đầu tư nước ngoài", ông Phan Tấn Đạt nói.

Riêng đối với địa bàn tỉnh Bình Dương, phân khúc bất động sản công nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư chú trọng bởi đây là một địa bàn phát triển nóng về công nghiệp. Thế nhưng, cần nói thêm, khoảng thời gian tới, Bình Dương sẽ phải giải quyết được những điểm mấu chốt nhằm thu hút thêm nhà đầu tư đổ vào khu công nghiệp.

Về lợi thế trong việc phát triển bất động sản khu công nghiệp, ông Phan Tấn Đạt phân tích, thứ nhất Bình Dương là một trong số các tỉnh có lịch sử lâu đời trong vấn đề phát triển hạ tầng khu công nghiệp để thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Chính sách trải thảm đỏ thu hút đầu tư của chính quyền, lãnh đạo tỉnh Bình Dương trước nay thực hiện rất tốt.

Thứ hai, Bình Dương có lợi thế về hạ tầng giao thông, địa hình, tiện tích xã hội, dịch vụ công cộng và các dịch vụ hỗ trợ ngành công nghiệp như: Phát triển dự án nhà ở cho người lao động, chuyên gia nước ngoài, dịch vụ thương mại,…

Thứ ba, Bình Dương thu hút đa dạng ngành nghề đầu tư sản xuất kinh doanh tạo nên một chuỗi cung ứng khép kín. Việc khoảng cách gần các nhà cung ứng cũng là một lợi thế rất lớn với nhà đầu tư mới.

Chủ tịch KSB Phan Tấn Đạt cho biết, thực trạng trên cả nước, việc phát triển khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn, đầu tiên phải kể đến đó là thủ tục pháp lý. Việc chồng chéo của các bộ luật, quy định, quy trình phát sinh nhiều quy định mới chưa được tháo gỡ.

Đối với địa bàn tỉnh Bình Dương, việc tìm quỹ đất sạch là rất hiếm có, đa phần các quỹ đất lớn, đủ diện tích còn lại hiện tại thuộc sở hữa đất của tập đoàn cao su.

Giải pháp để Bình Dương tiếp tục là “điểm sáng” bất động sản khu công nghiệp
Bình Dương liên tục là “điểm sáng” bất động sản khu công nghiệp khi thu hút lượng lớn vốn FDI. Ảnh tư liệu

Dư địa cho phát triển bất động sản công nghiệp cao

Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Riêng trong năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 1 tỷ 539 triệu USD, đứng thứ 9 cả nước và chiếm 4,3% tổng vốn đăng ký, đạt 81,62% so với kế hoạch 5 năm (2021-2025). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, với 100 dự án đầu tư đăng ký mới.

Hiện nay, Bình Dương có 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích 12.663 hecta, tỷ lệ cho thuê đất đạt 93,3% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790 hecta, tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%, đáp ứng được yêu cầu thu hút, bố trí các dự án đầu tư.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 4.247 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 40,5 tỷ USD, chiếm hơn 8,6% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước. Quy mô trung bình dự án khoảng 9,6 triệu USD. Bình Dương hiện đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 74% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn nổi tiếng đã đầu tư vào Bình Dương như: Tokyu, Aeon, Mitsubishi (Nhật Bản), Procter & Gamble (Mỹ), Kumho (Hàn Quốc), Uni-President (Đài Loan), Lego (Đan Mạch)…..

Mặt khác, số liệu vừa được công bố của Avison Young Việt Nam cho thấy, tại Đồng Nai và Bình Dương, giá thuê bình quân trong quý I/2024 đạt 170 - 175 USD/m2 /kỳ hạn, ổn định so với cuối năm ngoái.

Song song đó, báo cáo triển vọng của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, Công ty Chứng khoán MBS dự báo, triển vọng của nhóm bất động sản công nghiệp thời gian tới tiếp tục đến từ điều kiện vĩ mô ổn định, cùng với việc duy trì thu hút tốt vốn FDI của Việt Nam nhờ nâng tầm quan hệ với các cường quốc.

Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm sáng thời gian tới, khi Việt Nam hưởng lợi lớn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. CBRE Việt Nam kỳ vọng giá cho thuê bất động sản khu công nghiệp tiếp tục tăng trong những năm tới, với mức tăng khoảng 5 - 9%/năm tại phía Bắc và 3 - 7% tại phía Nam.

"Ở góc độ chủ đầu tư khu công nghiệp, việc đầu tư và thu hút khách hàng không phải là dễ, vì vậy những chính sách, quy định của chính quyền địa phương là một trong điều kiện tiên quyết đầu tiên để nhà đầu tư khu công nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, thu hút các nhà đầu tư về khu công nghiệp", ông Phan Tấn Đạt chia sẻ.