Giải pháp sinh lời tự động: Ai là người hưởng lợi?

Làn gió mới của ngân hàng Việt

Đã rất lâu kể từ làn sóng Zero-fee, ngành ngân hàng Việt Nam mới lại chứng kiến một cuộc cạnh tranh quyết liệt như hiện nay khi cuộc đua phát triển tính năng “sinh lời tự động” (auto-earning) nóng lên từng ngày với sự tham gia của ngày càng nhiều ngân hàng. Từ chỗ chỉ đóng vai trò là nơi “giữ tiền” với lãi suất gần như bằng 0, thì giờ đây tài khoản thanh toán đang được các ngân hàng nâng cấp thành công cụ tạo ra giá trị, giúp dòng tiền nhàn rỗi của khách hàng sinh lời mỗi ngày.

Đánh dấu bước khởi đầu của một xu hướng mới trong dịch vụ ngân hàng là khi Techcombank ra mắt tính năng sinh lời tự động vào cuối năm 2023. Sau đó, nhiều ngân hàng khác nhanh chóng nhập cuộc, lần lượt tung ra các sản phẩm auto-earning với tên gọi và mức lãi suất khác nhau nhằm thu hút khách hàng.

Gần đây các ngân hàng đều đồng loạt ra mắt sinh lời tự động với các tên khác nhau như VPBank – super sinh lời, VIB – siêu lợi suất, MSB – sinh lời không ngừng. Không nằm ngoài xu thế, LPBank giới thiệu sinh lời lộc phát, còn OCB đưa ra sản phẩm max savings, giúp khách hàng tận dụng số dư trong tài khoản thanh toán hiệu quả hơn.

Trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Trần Đình Khiêm, Giám đốc Ngân hàng số của Techcombank, cho biết: “Sau đại dịch Covid-19, dòng tiền trở thành mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp và cá nhân. Đặc biệt, các chủ hộ kinh doanh cần một giải pháp tài chính linh hoạt, cho phép họ vừa sử dụng tiền, vừa có thể sinh lời, vừa đảm bảo thanh toán cho nguồn hàng mà không bị gián đoạn. Và vì thế sinh lời tự động ra đời với sứ mệnh để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng.

Ông Trần Đình Khiêm, Giám đốc Ngân hàng số của Techcombank.

Ông ví dụ, nếu một khách hàng có 10 tỷ đồng và định giữ trong vòng một năm, thì gửi tiết kiệm hoặc mua trái phiếu là lựa chọn tối ưu để đảm bảo lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, nếu 10 tỷ này không “nằm yên”, mà được sử dụng liên tục, ví dụ như khách hàng chi 1 tỷ hôm nay, còn lại 9 tỷ, rồi lại nhận thêm 3 tỷ trong ngày hôm sau, thì đó chính là dòng tiền sống. Thay vì để dòng tiền này nằm im mà không tạo ra giá trị thì tính năng sinh lời tự động giúp khách hàng tận dụng số tiền chưa dùng đến để tạo ra lợi nhuận, dù số tiền đó có xoay vòng liên tục.

Ông cho biết thêm, tính năng sinh lời tự động của Techcombank thực chất rất đơn giản, không phải là một khái niệm tài chính cao siêu hay phức tạp. “Đúng như tên gọi, khách hàng chỉ cần để tiền trong tài khoản, và tiền sẽ tự động sinh lợi - đơn giản như cách bạn hít thở, ăn cơm, uống nước mỗi ngày. Khách hàng không cần tính toán, không phải bận tâm sau khi bật tính năng này và cứ để tiền tự ‘sinh lời’ ngay cả khi đang ngủ. Ai cũng phải chăm chỉ làm việc, tại sao lại để tiền của mình ‘rảnh rỗi?”

Trên thực tế, nhiều ngân hàng tại các nền kinh tế phát triển đã sớm triển khai các tính năng tương tự nhằm giúp khách hàng tối ưu hóa dòng tiền nhàn rỗi. Đơn cử như Standard Chartered Hong Kong cung cấp tiện ích My RM & Priority Banking, cho phép khách hàng thiết lập phương án sinh lời tự động thông qua cơ chế auto-sweep sang quỹ đầu tư hoặc các sản phẩm tiết kiệm có lợi suất cao.

Tương tự, các ngân hàng như Mizuho Bank (Nhật Bản), HSBC Hong Kong, hay IndusInd Bank (Ấn Độ) cũng đã phát triển những sản phẩm tài chính tích hợp tính năng tự động chuyển đổi tiền nhàn rỗi từ tài khoản thanh toán sang các công cụ sinh lời, mang lại sự linh hoạt và hiệu quả tối đa trong quản lý tài chính cá nhân.

Sinh lời tự động: Ai mới là người lời?

Một trong những lợi ích rõ rệt và dễ nhận thấy nhất mà khách hàng nhận được khi sử dụng tính năng sinh lời tự động của các ngân hàng chính là mức lãi suất hấp dẫn hơn so với tài khoản thanh toán truyền thống. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi trong tài khoản thanh toán chỉ được hưởng lãi suất tối đa 0,05%/năm. Tuy nhiên, với tính năng sinh lời tự động, khách hàng nhận được lãi suất cao hơn gấp nhiều lần từ dòng tiền chưa được sử dụng mà không phải mạo hiểm vào các sản phẩm đầu tư phức tạp. Chẳng hạn như với tính năng sinh lời tự động của Techcombank, khách hàng có thể nhận về mức lãi suất cao hơn gấp 45 lần so với lãi suất của tài khoản thanh toán.

Bên cạnh đó, tính năng sinh lời tự động còn nổi bật với sự linh hoạt, cho phép khách hàng dễ dàng rút tiền bất cứ khi nào có nhu cầu. Điều này giúp khách hàng vừa tận dụng được cơ hội sinh lời từ tiền nhàn rỗi, lại vừa đảm bảo khả năng thanh khoản trong những tình huống cần chi tiêu đột xuất.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Khiêm, câu chuyện lãi suất chỉ là một phần của tính năng sinh lời tự động. Giá trị cốt lõi của tính năng này nằm ở khả năng tận dụng dòng tiền linh hoạt, giúp khách hàng quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả hơn. Không chỉ chủ doanh nghiệp, những người có dòng tiền lớn mới được hưởng lợi từ sinh lời tự động. Ngay cả những khách hàng cá nhân, dù số tiền trong tài khoản không lớn, cũng có thể tận dụng được lợi ích từ tính năng này, ông nhấn mạnh.

“Thứ nhất, tính năng sinh lời tự động giúp họ học cách quản lý tài chính một cách có trách nhiệm hơn, hiểu rằng mỗi đồng tiền đều có giá trị. Việc biết cách làm cho tiền ‘sinh sôi nảy nở’ là bước quan trọng để xây dựng một tương lai tài chính vững chắc, và điều này vô cùng quan trọng trong hành trình tự chủ tài chính. Thứ hai, sinh lời tự động cũng giúp khách hàng học cách quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả hơn.

Một khách hàng từng chia sẻ rằng, trước đây, sau khi nhận lương vào ngày 20 hàng tháng, chị thường trả ngay nợ thẻ tín dụng dù hạn cuối là ngày 15 tháng sau. Tuy nhiên, sau khi áp dụng tính năng này, chị đã thay đổi hoàn toàn thói quen của mình. Thay vì chi tiêu ngay lập tức, chị quyết định giữ tiền trong tài khoản lâu hơn để tối đa hóa lợi nhuận. Đây chính là minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi trong tư duy tài chính của khách hàng: từ việc ‘có tiền là phải chi tiêu ngay’ chuyển sang việc ‘tận dụng thời gian để tiền sinh lời và tích lũy’, ông Khiêm dẫn chứng.

Sinh lời tự động giúp thay đổi thói quen tài chính của người dùng.

Vậy phía ngân hàng được lợi gì khi triển khai các tính năng sinh lời tự động? Trong cuộc trao đổi với Đầu tư Tài chính, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân nhận định rằng, việc các ngân hàng đẩy mạnh triển khai tính năng sinh lời tự động cho số tiền trong tài khoản thanh toán của khách hàng thực chất là một chiến lược giữ chân khách hàng hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Trên thực tế, tiền gửi trong tài khoản thanh toán của khách hàng được gọi là tiền gửi CASA. Đối với ngành ngân hàng, tỷ lệ CASA càng cao càng mang lại lợi thế lớn, vì các khoản tiền gửi này có chi phí huy động thấp, giúp ngân hàng tăng biên lợi nhuận. Ngân hàng nào huy động được nhiều CASA từ khách hàng sẽ có chi phí vốn (COF) thấp hơn, từ đó tạo ra lợi nhuận cao hơn.

Một ví dụ điển hình là MB, ngân hàng này sở hữu lợi thế lớn nhờ tỷ lệ CASA thực cao nhất ngành, giúp giảm chi phí vốn và tạo ra mức lãi suất cho vay cạnh tranh. Nhờ đó, MB đã đạt được mức tăng trưởng tín dụng hơn 24%, cao hơn đáng kể so với mức chung 15,08%.

Hay như Vietcombank, hiện ngân hàng này đang chuyển dịch chiến lược sang mảng cho vay bán lẻ, vốn có biên lãi ròng (NIM) cao hơn so với cho vay doanh nghiệp. Với tỷ lệ CASA vượt trên 32%, ngân hàng này duy trì được nền tảng vốn giá rẻ, giúp giảm thiểu áp lực tăng chi phí vốn và hỗ trợ mở rộng nhẹ NIM lên mức 3%. Do đó, việc triển khai tính năng sinh lời tự động và phát triển chúng thành các sản phẩm chiến lược là cách để các ngân hàng đa dạng hóa các kênh thu hút CASA, hỗ trợ thu hút vốn hiệu quả để phục vụ cho hoạt động của ngân hàng.

Tỷ lệ CASA của Techcombank trong năm 2024 đã chạm mốc 40,9%, tăng 100 điểm cơ bản so với năm trước nhờ chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” kết hợp cùng tính năng sinh lời tự động. Nhờ đó, VPBankS dự báo, NIM dự kiến sẽ duy trì ổn định khi áp lực gia tăng chi phí vốn được bù đắp bởi nền tảng CASA mạnh mẽ và hiệu quả từ sinh lời tự động, giúp tối ưu hóa hiệu suất sử dụng tiền gửi.

Ở một góc độ khác, chuyên gia còn nhìn nhận tính năng sinh lời tự động giống như một công cụ chiến lược để huy động vốn giá rẻ cho các công ty con trong cùng hệ sinh thái. Cụ thể, khi khách hàng bật tính năng sinh lời tự động, số tiền sẽ được ủy thác đầu tư vào các hoạt động kinh doanh của các công ty con hoặc đối tác trong cùng hệ sinh thái của ngân hàng một cách hợp pháp và minh bạch.

Nhờ đó, thay vì phải vay vốn từ ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu với lãi suất cao, có thể lên tới 10 – 15%/năm, các công ty trong cùng hệ sinh thái của ngân hàng có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn – chỉ dưới 5%/năm, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí vốn cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của Giám đốc Ngân hàng số Techcombank, tính năng sinh lời tự động không chỉ là điểm chạm đầu tiên thu hút khách hàng đến ngân hàng mà còn là chìa khoá mở ra nhiều cơ hội phát triển dịch vụ và nâng tầm trải nghiệm trong tương lai.

“Chúng ta không thể tính toán, đo đếm lợi ích của một tính năng mà chỉ xét trên mức độ lợi nhuận ban đầu như lợi nhuận hay bài toán CASA. Đó chỉ là những lợi ích bề nổi. Đối với Techcombank, muốn thấu hiểu khách hàng, phải có dữ liệu từ chính hành vi của chính khách hàng. Dữ liệu từ các giao dịch chuyển khoản, thanh toán hóa đơn hay thậm chí đầu tư nhỏ lẻ chính là ‘nguyên liệu’ để ngân hàng phân tích hành vi, dự đoán nhu cầu, từ đó tạo ra những sản phẩm cá nhân hóa cao hơn, tối ưu hơn.

Khi sản phẩm, tính năng càng ‘trúng ý’ người dùng, khách hàng sẽ càng sử dụng nhiều hơn, từ đó, làm giàu thêm kho dữ liệu của ngân hàng và trở thành động lực để ngân hàng tiếp tục ra mắt những giải pháp hữu ích. Đó chính là ‘sứ mệnh’ của những tính năng như sinh lời tự động mang lại: tạo dựng mối quan hệ bền chặt giữa ngân hàng và khách hàng dựa trên trải nghiệm cá nhân hóa”, ông Trần Đình Khiêm nhấn mạnh.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn