Giao dịch chứng khoán chiều 29/3: Thị trường thoát hiểm nhờ ATC

Việc thị trường ghi nhận phiên tăng điểm 6 liên tiếp, nhưng VN-Index vẫn chưa thể thoát khỏi vùng kháng cự 1.050-1.060 điểm (cận trên của kênh giá giảm bắt đầu từ tháng 1/2023 và đường SMA 50 ngày), cùng với mẫu hình nến inverted hammer liên tục được hình thành – cho thấy áp lực bán đang dần mạnh lên, đã khiến thị trường nhanh chóng quay đầu điều chỉnh sau tín hiệu le lói sắc xanh nhạt đầu phiên.

Chỉ số VN-Index đã dừng phiên sáng với sắc đỏ chiếm áp đảo và tạm chia tay ngưỡng 1.050 điểm do đà bán gia tăng và lan rộng hơn về cuối phiên.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường nhanh chóng bật hồi vượt vùng giá trên nhờ sự hồi phục của một số bluechip và đã đảo chiều thành công sau gần 50 phút mở cửa.

Tuy nhiên, áp lực bán thường trực nhanh chóng đẩy VN-Index giật lùi. Chỉ số này đã biến động lình xình quanh mốc 1.050 điểm trong gần suốt thời gian còn lại và có cú nẩy bất ngờ trong đợt khớp lệnh ATC, giúp thị trường đảo chiều thành công.

Chỉ số VN-Index ghi nhận phiên tăng điểm nhẹ thứ 7 liên tiếp trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”, đặc biệt là thanh khoản sụt giảm mạnh mẽ sau tín hiệu dòng tiền nhập cuộc tích cực của phiên hôm qua.

Đóng cửa, sàn HOSE có 147 mã tăng và 216 mã giảm, VN-Index tăng 2,04 điểm (+0,19%), lên 1.056,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 460,96 triệu đơn vị, giá trị 8.301 tỷ đồng, giảm 28,88% về khối lượng và 25,93% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 45,84 triệu đơn vị, giá trị 995,89 tỷ đồng.

Cùng chung xu hướng với thị trường, nhóm VN30 cũng đảo chiều thành công nhờ sự đảo chiều hồi phục hoặc nới rộng đà tăng và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày với sự dẫn đầu của MBB, TCB, MSN, SSI đều tăng hơn 1%; các mã VNM, PLX, HPG, VCB, VIB tăng hơn 0,5%...

Xét về nhóm ngành, cũng như những phiên giao dịch gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn dẫn đầu xu hướng tăng của thị trường với sự đóng góp tích cực của VCI tăng 3,5%, đóng cửa tại mức giá cao nhất trong ngày 32.800 đồng/CP, tương tự FTS cũng xác lập mức giá cao nhất trong ngày khi đóng cửa tăng 6,8% lên sát trần 24.500 đồng/CP, HCM tăng 1,8% lên 24.850 đồng/CP, đặc biệt là BSI đã lấy lại sắc tím sau phiên hạ nhiệt hôm qua.

Các mã khác cũng tăng tốt như CTS tăng 3,9%, AGR tăng 2,2%, VND tăng 1%, SSI tăng 1,2%...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có đóng góp tích cực giúp thị trường đảo chiều thành công. Cụ thể, các mã lớn VCB, BID, CTG đều đóng cửa tăng nhẹ trên dưới 0,5%, trong khi đó, MBB và TCB là các mã tăng tốt nhất trong rổ VN30 khi đều đóng cửa tăng hơn 1,5%, còn OCB dẫn đầu ngành với mức tăng 2,85%... Trong dòng bank chỉ còn ACB, SSB, SHB, STB, HDB, VPB giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng đều giảm nhẹ chưa tới 0,5%.

Đồng thời, thanh khoản của dòng bank cũng đóng góp tích cực cho thị trường. Trong đó, SHB kết phiên giảm gần 0,5% xuống 10.800 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 21,93 triệu đơn vị; cặp STB và VPB đều thuộc top 5 với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 16,5 triệu đơn vị; ACB khớp 15,18 triệu đơn vị và MBB khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép vẫn giữ được sắc xanh nhưng không còn giữ được đà tăng mạnh mẽ. Trong đó, HSG tăng 1,8%, HPG tăng 0,5%, NKG tăng 2,2%, tuy nhiên thanh khoản sôi động với khối lượng khớp lệnh tương ứng đạt 21,31 triệu đơn vị, gần 17,94 triệu đơn vị và hơn 9,1 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, nhóm nông lâm ngư nghiệp giảm sâu nhất với sự góp mặt của APC, ASM đều giảm hơn 1,5%, SSC giảm 3,22%, HSL giảm 1,14%, HAG, HNG, SJF giảm trên dưới 0,5%...

Trên sàn HNX, mặc dù thị trường bật hồi về cuối phiên nhưng HNX-Index kém may mắn hơn khi không tìm lại được sắc xanh.

Chốt phiên, sàn HNX phân hóa với 75 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,08%), xuống 205,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,76 triệu đơn vị, giá trị 680,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,33 triệu đơn vị, giá trị 119,81 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán SHS rung lắc và đóng cửa tại mốc tham chiếu 8.900 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu trên sàn HNX với hơn 15,32 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, CEO và MBS cùng đóng cửa tăng 1,4%, lần lượt tại mức giá 21.700 đồng/CP và 14.600 đồng/CP, với thanh khoản chỉ thua SHS, tương ứng đạt 4,68 triệu đơn vị và 2,58 triệu đơn vị.

Tâm điểm đáng chú ý của thị trường thuộc về SGH. Cổ phiếu này đã tăng vọt và đóng cửa sát mức giá trần và cũng là mức cao nhất trong ngày 25.500 đồng/CP, tăng 8,5%, đồng thời thanh khoản cũng tăng vọt với hơn 1,75 triệu đơn vị, thuộc top 10 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất HNX.

Trên UPCoM, thị trường nới rộng đà tăng lên vùng giá cao nhất trong ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 1,15 điểm (+1,52%) lên 76,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,61 triệu đơn vị, giá trị 211,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,66 triệu đơn vị, giá trị 43,33 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ LMH tiếp tục tạo ấn tượng khi xác nhận phiên tăng trần thứ 2 sau chuỗi ngày dài mất giá. Đóng cửa, LMH tăng 12,1% lên mức giá trần 3.700 đồng/CP, với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 3,89 triệu đơn vị và dư mua trần 0,82 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã có giao dịch sôi động khác không mấy tích cực. Cụ thể, SBS đứng giá tham chiếu 5.500 đồng/CP và khớp 3,28 triệu đơn vị, BSR giảm 0,6% xuống 15.500 đồng/CP và khớp 3,09 triệu đơn vị, VHG đứng giá tham chiếu 2.400 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ, với VN30F2304 tăng 4,5 điểm, tương đương +0,4% lên 1056 điểm, khớp lệnh gần 263.300 đơn vị, khối lượng mở gần 62.930 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chi phối mạnh, với CVRE2215 khớp lệnh cao nhất khi có 0,84 triệu đơn vị, kết phiên giảm 50% xuống mức giá sàn 10 đồng/cq, theo ngay sau là CMWWG2213 với 0,7 triệu đơn vị, kết phiên giảm 8,3% xuống 110 đồng/cq.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn