Gói 120.000 tỷ đồng cho nhà xã hội vẫn “ế” sau 4 lần hạ lãi vay
Theo Bộ Xây dựng, sau hai năm triển khai nhưng tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn rất thấp dù lãi suất cho vay đã giảm hơn 2%.

Trong báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề, chất vấn vừa gửi tới Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết về tình hình triển khai “kém khả quan” của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Được triển khai từ tháng 4/2023, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân được kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội đến 2030. Lãi suất của gói này thấp hơn 1,5-2% so với mức bình quân trung và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước tại từng thời kỳ, theo Nghị quyết 33.
Từ thời điểm triển khai đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi vay gói 120.000 tỷ đồng. Cụ thể, từ tháng 7 đến tháng 12/2023, lãi suất cho vay người mua nhà và chủ đầu tư lần lượt 8,2% và 8,7%.
Đầu năm 2024, lãi suất cho vay gói này giảm còn 7,5-8%, sau đó giảm thêm 1% vào nửa cuối năm. Từ đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất gói vay còn 6,6% với chủ đầu tư và 6,1% với người mua nhà.
Theo đó, kể từ khi triển khai, lãi suất cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã giảm tổng hơn 2%. Hiện mức này đã thấp hơn lãi suất cho vay người mua nhà xã hội theo Nghị định 100 (khoảng 6,6% một năm).
Xét về quy mô, tổng lượng tín dụng cam kết dành cho chương trình đã tăng lên 145.000 tỷ đồng khi có thêm 5 ngân hàng đăng ký tham gia với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng, gồm HD Bank, TP Bank, VPBank, MBBank và Techcombank, bên cạnh 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân gói tín dụng vẫn ì ạch. Bộ Xây dựng cho biết đến nay có 97 dự án nhà xã hội của 38/64 tỉnh, thành được công bố đủ điều kiện vay vốn.
Số tiền giải ngân từ gói tín dụng này ước đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giải ngân hơn 2%. Trong số này, khoảng 2.940 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 21 dự án, còn lại là người mua nhà. Riêng 4 tháng đầu năm nay, số tiền giải ngân đạt hơn 550 tỷ đồng.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ cho biết nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, trong khi nhiều chủ đầu tư không đủ điều kiện để vay vốn hay bảo đảm điều kiện dư nợ, không có tài sản bảo đảm.
Ngoài ra, lãi suất gói vay ưu đãi trên được đánh giá vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn. Quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.
Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp cho phép mở các chỉ tiêu, hạn mức tín dụng của các ngân hàng thương mại theo hướng phần cho vay mua nhà xã hội không tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết 145.000 tỷ đồng mà 9 ngân hàng đăng ký cho vay nhà ở xã hội, sẽ không tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng. Thời gian thực hiện chính sách tối đa đến 2030 và doanh số cho vay không vượt quá số tiền mà ngân hàng thương mại đã đăng ký.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng nghiêm túc các cam kết về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay. Các ngân hàng cần phối hợp với các dự án xây dựng đủ điều kiện để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay.
Cuối năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu xây dựng gói tín dụng mới 30.000 tỷ đồng cho người vay mua, thuê, xây dựng hoặc cải tạo loại nhà ở này. Bộ Xây dựng được giao chủ trì nghiên cứu, hoàn thành trong tháng 10/2024.
Nguồn lực của gói tín dụng này lấy từ ngân sách địa phương và khoảng 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu Chính phủ. Như vậy, vốn của gói 30.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, khác với nguồn lực gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ.
Ngày 27/2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 444/QÐ-TTg giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, chỉ tiêu nhà ở xã hội các địa phương phải hoàn thành giai đoạn 2025-2030 là 995.445 căn hộ. Ðiều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị khi thực tế triển khai phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều vướng mắc.
Cần dồn lực cho phát triển NOXH
Để hiện thực hóa được mục tiêu phát triển 1 triệu căn NOXH, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Ðỗ Viết Chiến, các địa phương cần tập trung rà soát, xử lý đến từng dự án cụ thể để tháo gỡ khó khăn vướng mắc đặc thù của mỗi dự án, đồng thời xây dựng chương trình chi tiết hơn cho từng giai đoạn, sát với nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội tại địa phương.
Một khi các dự án được gỡ vướng đưa vào xây dựng không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân mà hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ được lưu thông, tạo thêm hàng nghìn việc làm mới, từ đó chính quyền các địa phương sẽ có thêm nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế-xã hội. Các địa phương cũng cần rà soát, bổ sung nhằm tạo thêm các nguồn đất sạch, từ đó kêu gọi các nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ hơn vào phát triển nhà ở xã hội.
Về việc giải ngân “ì ạch” của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, theo ông Chiến, điểm vướng mắc chủ yếu là do phía người dân và doanh nghiệp khó bảo đảm được cam kết để tiếp cận được nguồn vốn này vì đó là nguồn vốn của các ngân hàng với những điều khoản chặt chẽ. Cùng với đó, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế khiến việc triển khai gói hỗ trợ này gặp khó khăn.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho rằng, từ sau khi gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, việc phân bổ nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều hạn chế. Mặc dù, về chính sách, doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội được vay 70-85% vốn với lãi suất ưu đãi bằng 50% lãi suất ngân hàng thương mại (khoảng 5%), nhưng do hết nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng, cho nên doanh nghiệp vẫn phải vay ở mức cao, dẫn đến không giảm được giá bán nhà.
Do đó, theo ông Châu, các bên liên quan cần tìm giải pháp phù hợp những ưu đãi dài hơi, thống nhất hơn để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, đồng thời, cần dành một nguồn lực nhất định hằng năm để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội theo kiểu gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các ngân hàng.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ trưởng Tài chính vừa qua đã có kiến nghị giao Bộ Xây dựng nghiên cứu việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia theo gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ðến nay, Bộ Xây dựng đã giao đơn vị chuyên môn khẩn trương nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, rà soát các quy định và đề xuất giải pháp về thành lập Quỹ nhà ở quốc gia để phát triển nhà ở giá rẻ tại các đô thị lớn. Theo đó, các đơn vị chuyên môn của Cục được giao nghiên cứu từ khâu quy hoạch, kế hoạch chương trình phát triển nhà ở đến việc triển khai thực hiện dự án.
"Việc này để sau khi có chỉ đạo chính thức của Chính phủ và cấp có thẩm quyền, Bộ Xây dựng sẽ sớm xây dựng đề án, bảo đảm tiến độ và chất lượng", bà Hạnh nhấn mạnh.
Xem thêm tại markettimes.vn