Hà Nội công khai danh sách hàng chục nghìn doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Danh sách dài hơn 470 trang được cơ quan Bảo hiểm xã hội Hà Nội công bố có 60.757 đơn vị, doanh nghiệp, với mức nợ thấp nhất hơn 1,2 triệu đồng đến cao nhất, gần 60 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty Cổ phần Anh ngữ APAX là đơn vị có số tiền nợ đứng đầu danh sách hơn 60.700 doanh nghiệp chậm nộp các loại bảo hiểm từ một tháng trở lên. Hiện đơn vị này đang chậm đóng bảo hiểm trong 48 tháng với số tiền nợ trên 57,1 tỷ đồng.

Một số đơn vị khác cũng có số tiền chậm đóng lớn, trên 20 tỷ đồng như: Công ty Cổ phần LILAMA3 nợ đóng 109 tháng, với hơn 44,5 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment nợ 44 tháng với hơn 38,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cầu 12 nợ 28 tháng bảo hiểm, số tiền hơn 29,7 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên VINAXUKI - Nhà máy Sản xuất ô tô số 1, Mê Linh, Hà Nội nợ 140 tháng với hơn 24,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Eurowindow nợ 6 tháng với hơn 21 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sông Đà 6 nợ 43 tháng với hơn 20,5 tỷ đồng…

Bên cạnh đó có gần 20 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm từ trên 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng như: Công ty Cổ phần 116 - Cienco 1; Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng 121 Cienco 1; Công ty Cổ phần Phát triển giáo dục Igarten; Công ty cổ phần sữa Hà Nội; Xí nghiệp cầu 17 - Cienco 1; Công ty Thi công cơ giới I - Chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1; Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông và Thương mại 124; Công ty Cổ phần bê tông xây dựng Hà Nội; Công ty Cổ phần Cầu 14; Công ty Cổ phần Công nghiệp xây dựng Toàn Phát; Xí nghiệp Cầu 18- Cienco1…

Số tiền nợ bảo hiểm đơn vị nộp trong tháng 3/2024 (nếu có) sẽ được ghi nhận vào thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp tháng 3/2024 của đơn vị.

Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2024, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn là hơn 5.900 tỷ đồng, tỷ lệ số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi là 2,81%. Trong tháng 2/2024, Bảo hiểm xã hội thành phố đã thực hiện 157 cuộc thanh tra, kiểm tra; lũy kế 2 tháng đầu năm đã thực hiện 496 cuộc (444 cuộc ban hành quyết định trong năm 2023).

Kết quả sau thanh tra, kiểm tra, số tiền các đơn vị đã thanh tra, kiểm tra nộp để khắc phục nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 39,7 tỷ đồng (đạt 72,2 %).

Luật hiện hành quy định, việc các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Căn cứ theo Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định các vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử phạt như: Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng.

Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng; chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Như vậy, nếu chậm đóng bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt hành chính theo quy định. Mức phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên tối đa mức phạt tiền không quá 75 triệu đồng.

Ngoài ra, đơn vị chậm đóng buộc phải đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, buộc nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng.

Để hạn chế tình trạng doanh nghiệm nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm, hiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đề xuất bổ sung một số quy định gia tăng hình phạt đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng, như phạt tiền theo ngày.

Trường hợp đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, mà đơn vị vẫn không đóng, hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng từ 6 tháng trở lên, thì ngừng sử dụng hóa đơn; từ 12 tháng trở lên hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật…

Xem thêm tại vneconomy.vn