Hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ 'đăng xuất' khỏi sàn HNX

"Mùa" báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm cũng là lúc các nhà đầu tư chứng kiến sự "ra đi" của nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Ngày 8/4, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh sách 6 công ty có nguy cơ bị hủy niêm yết.

Không đáp ứng điều kiện niêm yết sau cơ cấu doanh nghiệp, HTP có nguy cơ rời sàn HNX

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa cảnh báo cổ phiếu HTP của CTCP In Sách giáo khoa Hòa Phát có khả năng bị hủy niêm yết. Cụ thể, cổ phiếu HTP có khả năng bị hủy bỏ niêm yết theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP do không đáp ứng điều kiện niêm yết sau cơ cấu lại doanh nghiệp. Đồng thời, công ty không thực hiện thủ tục đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết trong thời hạn quy định.

Được biết, CTCP In Sách Giáo khoa Hòa Phát, tiền thân là Xí nghiệp In Sách Giáo khoa Hòa Phát thuộc Nhà xuất bản Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo được lên sàn HNX vào tháng 11/2006. Với quy mô vốn chỉ chục tỷ đồng, HTP bất ngờ lột xác khi hợp nhất với Hưng Vượng Developer, nâng tổng tài sản chạm ngưỡng 4.800 tỷ đồng.

Theo đó, sau khi hoàn thành giao dịch mua lại cổ phiếu Hưng Vượng Developer vào ngày 05/1/2021, HTP vẫn chưa thể triển khai việc lập “báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước cho 2 năm liền trước năm cơ cấu lại doanh nghiệp của tổ chức thực hiện cơ cấu lại”. Vì vậy, HTP nằm trong diện có nguy cơ hủy niêm yết theo quy định của HNX.

Về diễn biến giá cổ phiếu, vào thời điểm cuối tháng 12/2023, cổ phiếu HTP bất ngờ nhận được sự quan tâm của dòng tiền lớn. Thị giá đã tăng hơn 105% chỉ trong vòng 10 phiên giao dịch từ mức giá 11.700 đồng/cp lên mức 24.100 đồng/cp. Trong giai đoạn đó, HTP từng ghi nhận việc cổ đông lớn Chứng khoán Thành Công (Mã: TCI) mua 406.000 cổ phiếu vào ngày 20/12/2023, nâng sở hữu lên thành 7,7 triệu đơn vị.

Hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ 'đăng xuất' khỏi sàn HNX
Cổ phiếu HTP tăng hơn 105% chỉ trong 10 phiên giao dịch

Bị kiểm toán từ chối ý kiến, 78,3 triệu cổ phiếu TAR có nguy cơ bị hủy niêm yết

Mới đây nhất, vào ngày 2/4, HNX đã nhận được BCTC của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) năm 2023.

Theo đó, công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính Kế toán và Kiểm toán phía Nam (AASCS) đã từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC kiểm toán năm 2023 của công ty. Do vậy cổ phiếu TAR sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Kiểm toán viên báo cáo không thể đánh giá và định lượng mức độ ảnh hưởng của các vấn đề sau: Chủ sở hữu của 15 triệu cổ phiếu TAR trong đợt chào bán riêng lẻ của công ty; Việc lập hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ năm 2021; số liệu liên quan đến hàng tồn kho với trị giá lên đến hơn 965 tỷ đồng.

Trước đó, do việc chậm nộp báo cáo soát xét bán niên 2023, cổ phiếu TAR đã bị HNX đưa từ diện cảnh cáo sang diện kiểm soát từ 12/10/2023 và tiếp tục áp lệnh hạn chế giao dịch từ ngày 30/10/2023.

Trước khi bị hạn chế giao dịch, cổ phiếu TAR từng có mức tăng giá tốt khiến nhiều nhà đầu tư thắng lớn. Cụ thể, chỉ trong vòng gần 10 tháng (11/2022-8/2023), thị giá của TAR đã tăng hơn 2 lần từ mức 7.300 đồng/cp lên mức 23.100 đồng/cp.

Tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ, CTCP Nhựa Đà Nẵng (DPC) nằm trong diện bị hủy niêm yết

Trước đó, vào ngày 25/3, HNX phát đi thông báo về việc cổ phiếu DPC bị hủy niêm yết do Công ty có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Được biết, DPC đang nỗ lực thoát khỏi nguy cơ bị kiểm soát. Tại ĐHCĐ sắp tới, công ty dự kiến sẽ bù trừ phần Tổng số lũy kế đang lỗ (-23,9 tỷ đồng) từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển (26,4 tỷ đồng) để phần lỗ lũy kế tại BCTC không vượt quá số vốn điều lệ.

3 cổ phiếu họ “Lilama” đối diện với nguy cơ rời sàn HNX

Kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp, CTCP Lilama 45.3 (L43) mới đây cũng nhận được thông báo của HNX về nguy cơ bị hủy niêm yết.

Trước đó, trong năm 2023, L43 ghi nhận doanh thu chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng bởi các hợp đồng thuộc dự án giải quyết ngập ở khu vực TP.HCM vẫn đang tạm dừng thi công, trong khi nhiều hợp đồng mới chưa đến giai đoạn nghiệm thu thanh toán. Theo đó, L43 ghi nhận lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2023 lên đến 22 tỷ đồng

Khác với nguyên nhân của L43, CTCP Lilama 59-1 (L61)CTCP Lilama 69-2 (L62) có khả năng bị hủy niêm yết do tổ chức kiểm toán từ chối ý kiến đối với BCTC năm 2023 của hai công ty này.

Đối với L61, công ty đã lỗ 2 năm liên tiếp với số lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 hơn 119 tỷ đồng (gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu). Bên cạnh đó, nợ phải trả quá hạn thanh toán vượt hơn 554 tỷ đồng. Đối với các khoản vay, nợ thuê tài chính đã quá hạn, các ngân hàng đã tiến hành khởi kiện L61 ra tòa và yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm và toàn bộ tài sản hợp pháp để thu hồi nợ.

Tương tự, L62 có lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 hơn 137 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng đã gửi đơn khởi kiện L62 ra tòa do không thể thanh toán đúng hạn các khoản nợ.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn