Hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu đã trích lập sẽ được ACV hoàn nhập kể từ năm 2025?
Báo cáo tài chính quý III/2024 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) thể hiện, tại thời điểm ngày 30/9, nợ xấu của các hãng hàng không tại doanh nghiệp lên đến 8.847 tỷ đồng. ACV đã trích lập dự phòng số tiền 3.948 tỷ đồng.
Trong đó, ACV trích dự phòng nợ xấu tại Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines lớn nhất, tỷ lệ 100%, số tiền lần lượt là 2.340 tỷ đồng, 888 tỷ đồng và 349 tỷ đồng. Vietnam Airlines có nợ xấu 2.989 tỷ đồng, nhưng đang chỉ phải trích lập 303 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Bị chiếm dụng nguồn vốn lớn, hồi đầu năm 2024, ACV từng cân nhắc khởi kiện các hãng hàng không. Khi ấy, doanh nghiệp xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện: dừng cung cấp dịch vụ đối với hãng bay vi phạm để xin ý kiến của các cơ quan quản lý có thẩm quyền gồm không có kế hoạch trả nợ cho ACV; không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đã cam kết; kết quả kinh doanh không bị lỗ nhưng không trả nợ; có phát sinh công nợ mới trong năm 2023; có số dư nợ lớn hơn các hãng hàng không khác.
Chia sẻ với Tuổi trẻ, một lãnh đạo ACV từng cho biết trong giai đoạn dịch bệnh, đơn vị này đều có giải pháp hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cho các hãng bay như đưa ra gói giảm giá 50% dịch vụ dẫn tàu bay; giảm 10% dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất… "Hoạt động kinh doanh đã hồi phục sau dịch, không có lý do gì các hãng bay chiếm dụng tiền thu hộ của ACV" - vị này nói. Có nghịch lý là các hãng bay nợ hàng nghìn tỷ đồng, trong khi ACV phải đi vay hàng tỷ USD để cân đối vốn xây dựng sân bay Long Thành.
Kỳ vọng đòi được các khoản nợ xấu từ năm 2025
Trong phân tích mới đây, VNDirect Research kỳ vọng, trong 2024, ACV sẽ trích lập thêm 400 tỷ đồng cho các khoản dự phòng từ các hãng hàng không, chủ yếu là từ Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines. Tuy nhiên, từ năm 2025 trở đi, khi tình hình tài chính của các hãng hàng không dần được cải thiện, ACV sẽ bắt đầu ghi nhận hoàn nhập các khoản phải thu khó đòi.
Lý do, hai hãng hàng không lớn là Vietjet Air và Vietnam Airlines đang có kết quả kinh doanh tốt trong năm nay. Vietjet Air ghi nhận kết quả tài chính mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm 2024, với doanh thu đạt 52.000 tỷ đồng và lãi ròng 1.400 tỷ đồng. Trong khi đó, Vietnam Airlines báo cáo doanh thu đạt 79.000 tỷ đồng và lãi ròng 6.300 tỷ đồng cùng thời điểm. Trong 2024, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 106.000 tỷ đồng, hãng dự kiến lãi trước thuế đạt 4.500 tỷ đồng, một sự phục hồi mạnh mẽ so với khoản lỗ 5.400 tỷ đồng trong 2023, và vượt xa mức lợi nhuận 2.500 tỷ đồng ghi nhận trong 2019 (trước Covid-19). Với kỳ vọng phục hồi ngành hàng không, 2 hãng được dự phóng sẽ đạt được kết quả kinh doanh tích cực trong thời gian tới.
Các hãng hàng không nhỏ hơn có vẻ đang ở giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc thành công, và VNDirect Research kỳ vọng các tác động tích cực sẽ dần trở nên rõ rệt trong những năm tới. Đối với Bamboo Airways, HĐQT đã đặt mục tiêu cho năm 2024 là năm cuối cùng ghi nhận thua lỗ. Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.900 tỷ đồng và giảm thiểu lỗ còn 1.400 tỷ đồng trong 2024. Từ năm 2025 trở đi, hãng hàng không này dự định sẽ đạt điểm hòa vốn và bắt đầu có lãi trong các năm tiếp theo. Đối với Pacific Airlines, sau gần 3 tháng ngừng hoạt động để giải quyết các khoản nợ tồn đọng, hãng hàng không này đã nối lại các chuyến bay từ ngày 26/6, tuy nhiên số lượng chuyến bay nội địa còn hạn chế.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn