Hệ sinh thái của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thống lĩnh sàn chứng khoán: 6 công ty niêm yết, tổng vốn hóa gần 800.000 tỷ đồng
Ngày 13/5, CTCP Vinpearl sẽ chính thức chào sàn HoSE với mã chứng khoán VPL. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 71.300 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động ±20%. Với 1,8 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam được định giá gần 130.000 tỷ đồng - nằm trong nhóm 15 công ty có vốn hóa lớn nhất trên HoSE.
Đây cũng là công ty thứ 6 trong hệ sinh thái Vingroup niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, cùng với Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC), CTCP Vinhomes (HoSE: VHM), CTCP Vincom Retail (HoSE: VRE), CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (UPCoM: VEF) và CTCP Sách Việt Nam (UPCoM: VNB).
Tính đến ngày 7/5, tổng vốn hóa của 6 doanh nghiệp này đạt gần 800.000 tỷ đồng - lớn nhất thị trường chứng khoán, chiếm khoảng 11% tổng vốn hóa của cả 3 sàn (ước khoảng 6,9 triệu tỷ đồng).
Đứng đầu Vingroup là Chủ tịch Phạm Nhật Vượng - người sở hữu khối tài sản 8,5 tỷ USD (theo Forbes), tăng thêm 2 tỷ USD kể từ đầu năm.
![]() |
Ảnh minh họa |
Vinpearl kinh doanh ra sao trước ngày chào sàn?
Theo tìm hiểu, tiền thân của Vinpearl là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Du lịch, Thương mại và Dịch vụ Hòn Tre, được thành lập năm 2001 và đổi tên thành Vinpearl vào năm 2006. Năm 2008, Vinpearl niêm yết trên HoSE với mã VPL, nhưng đến ngày 26/12/2011, công ty chính thức hủy niêm yết.
Lý do hủy niêm yết là Vinpearl sáp nhập vào CTCP Vincom (HoSE: VIC) để hình thành Tập đoàn Vingroup như ngày nay.
Sau hơn 2 thập kỷ phát triển từ tổ hợp Vinpearl Resort Nha Trang, hệ thống Vinpearl đã mở rộng lên 48 cơ sở tại 18 tỉnh, thành trên cả nước, bao gồm 31 khách sạn và khu nghỉ dưỡng (trên 16.100 phòng), 4 công viên chủ đề, 5 khu vui chơi, 1 công viên nước, 1 học viện cưỡi ngựa, 1 công viên bảo tồn động vật bán hoang dã, 4 sân golf và 1 trung tâm hội nghị ẩm thực. Từ năm 2022, Vinpearl hợp tác cùng Meliá Hotels International và Marriott International để quản lý 23 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, hướng đến tiêu chuẩn quốc tế hóa trong vận hành.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
Nhờ đón đúng sóng phục hồi du lịch giai đoạn 2023 - 2024, Vinpearl đạt kết quả tài chính vượt trội: doanh thu thuần năm 2024 đạt 14.376 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.550 tỷ đồng, lần lượt tăng 55% và 280% so với năm trước.
Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản công ty đạt hơn 76.483 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2023. Trong đó, vốn chủ sở hữu đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần, chủ yếu nhờ khoản thặng dư vốn cổ phần tăng thêm 11.300 tỷ đồng và hơn 3.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Trong quý I/2025, doanh thu từ hoạt động cốt lõi đạt 2.435 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 450 tỷ đồng, tăng 83%.
Vinpearl đang đẩy mạnh chiến lược mở rộng cơ sở hạ tầng, bao gồm các dự án khách sạn, sân golf và công viên giải trí mới. Năm 2025, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.700 tỷ đồng, tập trung tối ưu hiệu quả từ các dịch vụ cốt lõi.
Việc niêm yết trên HoSE không chỉ giúp Vinpearl tiếp cận nguồn vốn mới, nâng cao quản trị doanh nghiệp mà còn tạo động lực cho thị trường chứng khoán, mở ra giai đoạn phát triển mới cho thương hiệu du lịch, nghỉ dưỡng dẫn đầu Việt Nam.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn