Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai kêu ‘cứu’

Theo ông Công, cách đây 10 năm, Việt Nam có 10 triệu hộ chăn nuôi, cách đây 3 năm là 4 triệu hộ thì nay chỉ còn không tới 2 triệu hộ.

Nguyên nhân ngành chăn nuôi có sự tham gia của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, doanh nghiệp FDI; điều này tạo sức ép cho các nông hộ. Đến nay, sau dịch COVID-19 giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi thấp dưới giá thành cùng với bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại đã khiến người chăn nuôi kiệt quệ.

"Gần như các công ty, trang trại, hay hộ dân ít nhiều đều vay vốn từ các ngân hàng. Lúc lỗ hầu hết phải cầm cắm sổ đỏ, có người vỡ nợ và hiện không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Trong lúc khó khăn, nhìn đàn vật nuôi đói phải vay nóng để mua cám khiến khó khăn càng chồng chất”, ông Nguyễn Trí Công chia sẻ.

Để cứu nguy khẩn cấp cho ngành chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách gia hạn nợ gốc, giảm 1 phần lãi suất như chính sách hỗ giai đoạn COVID-19 cho ngành chăn nuôi bởi hiện pháp lý đã có sẵn, chỉ cần gia hạn thời gian áp dụng, các ngân hàng có thể triển khai ngay để hỗ trợ.

 Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai kêu ‘cứu’ ảnh 1

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá lợn hơi xuống thấp đang khiến nhiều nông hộ treo chuồng, bỏ nghề.

Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng đề nghị các ngân hàng thương mại như Agribank, Vietcombank, HD Bank, VP Bank... tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các chi nhánh, để triển khai đến các vùng chăn nuôi trọng điểm. Vì nếu đứt nguồn vốn, có thể các trang trại sẽ phá sản ngay.

Đặc biệt, trong quá trình thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi, các ngân hàng nên có sự tiếp xúc với Hiệp hội để đánh giá tiềm lực khách hàng; có những doanh nghiệp tốt có thể đứng ra bảo lãnh ngân hàng cho vay vốn cho cả chuỗi liên kết từ nông hộ, hợp tác xã, đại lý thức ăn,.. để tăng quy mô làm ăn.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, hiện nay các ngân hàng đều đang tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất theo quy định, trong số các lĩnh vực được hỗ trợ có lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, chế biến. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế đến nay chưa thấy doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói lãi vay này.

"Chúng tôi mong muốn sớm được kết nối làm việc với cơ quan chức năng, ngân hàng để được tham gia gói hỗ trợ. Chăn nuôi nông hộ là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân. Nếu thị trường không còn những nông hộ thì sẽ như thế nào?", ông Nguyễn Trí Công đặt câu hỏi.

Ông Công cũng kỳ vọng nhận được sự lắng nghe từ Chính phủ và quyết sách từ Ngân hàng Nhà nước để hàng triệu nông hộ có thêm động lực vượt qua giai đoạn "ngàn cân treo sợi tóc" hiện nay.

Xem thêm tại tienphong.vn