Hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng

Ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, hơn 100 đại biểu, đại diện các Bộ ngành, Đại sứ quán, Tổ chức quốc tế, Hiệp hội, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp đã cùng tham dự Diễn đàn “Hỗ trợ Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng thông qua các công cụ phát triển bền vững”.

Sự kiện do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình “Tạo cơ hội thị trường bình đẳng cho phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ thông qua mua sắm có trách nhiệm giới” (WE RISE Together) do Chính phủ Úc hỗ trợ thông qua Quan hệ Đối tác Mekong-Úc.

HƠN 20% CHỦ SỞ HỮU DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TẠI VIỆT NAM LÀ PHỤ NỮ

Bà Caroline T. Nyamayemobe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, cho biết phụ nữ chiếm gần một nửa dân số thế giới nhưng họ hiện chỉ đóng góp 37% GDP toàn cầu. Phụ nữ sở hữu 33% trong tổng số doanh nghiệp trên toàn cầu.

Trao quyền cho phụ nữ tham gia bình đẳng vào nền kinh tế có thể giúp tăng trưởng GDP toàn cầu tới 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trên thế giới ước tính cho thấy phụ nữ sở hữu khoảng 33% tổng số doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng trưởng theo tỷ lệ tăng trưởng như của nam giới, GDP toàn cầu sẽ tăng lên thêm khoảng 2 nghìn tỷ USD - tương đương 2% đến 3% GDP toàn cầu - và tạo ra từ 288 triệu đến 433 triệu việc làm mới.

Tại Việt Nam, hiện có hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn. Các doanh nhân nữ cũng gặp hạn chế tiếp cận tài chính, chưa bình đẳng trong tiếp cận thị trường, thiếu kỹ năng và đào tạo. Mặt khác, họ vẫn còn đối mặt với đinh kiến xã hội và phân biệt đối xử.

Hiện nay, Mạng lưới trao quyền cho phụ nữ (WEPs) tạo công cụ phát triển bền vững đã thu hút 9485 công ty toàn cầu, trong đó có 184 công ty Việt Nam gia nhập.

“Bằng chứng cho thấy các quốc gia có bình đẳng giới cao hơn có nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và cạnh tranh hơn. Việc áp dụng công cụ phát triển bền vững như chính sách mua sắm có trách nhiệm giới và Các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) là một trong những lựa chọn thông minh giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt và phát triển bền vững”, bà Caroline T. Nyamayemobe nhận định.

Bà Caroline T. Nyamayemobe khuyến nghị các doanh nghiệp nên áp dụng nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ và mua sắm có trách nhiệm giới, nên đầu tư đào tạo nâng cao năng lực cho phụ nữ.

Đối với các doanh nhân nữ, nên hướng vào đổi mới sáng tạo, tìm kiếm nguồn lực, tham gia mạng lưới doanh nhân nữ để khai thác sức mạnh doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

"Chính phủ cần xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, thu thập và chia sẻ dữ liệu về doanh nhân nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ", bà Caroline T. Nyamayemobe khuyến nghị.

Quang cảnh diễn đàn ngày 17/4/20204.
Quang cảnh diễn đàn ngày 17/4/20204.

Đề cập về doanh nghiệp phát triển bền vững, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết đến nay đã được nửa chặng đường thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Đánh giá của Liên Hợp Quốc (UN) trên toàn cầu: rà soát tiến độ thực hiện 140 mục tiêu cụ thể có số liệu cho thấy, chỉ có 12% là đang đúng tiến độ, 50% bị chậm tiến độ và 30% bị thụt lùi so với năm 2015.

Theo xếp hạng chỉ số thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDG Index), năm 2023, Việt Nam đạt điểm số 73,3, xếp thứ thứ 55/166 quốc gia được xếp hạng.

THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP DO NỮ LÀM CHỦ TIẾP CẬN CHUỖI CUNG ỨNG

Ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng trong tình hình mới hiện nay, các doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng, các doanh nghiệp nói chung cần đổi mới sáng tạo, kinh doanh bền vững hướng tới mở rộng thị trường, tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trên thế giới, các thị trường đã đặt ra nhiều yêu cầu mới mà các doanh nghiệp cần phải thực hiện, đó là: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM); Quy định chống suy thoái rừng (EUDR); Chỉ thị Thẩm định chuỗi cung ứng (có hiệu lực từ 2026) thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp bền vững và có trách nhiệm trong.

Ngoài ra, Châu Âu cũng đang xây dựng dự thảo chỉ thị yêu cầu ngăn chặn, chấm dứt hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực trong hoạt động của doanh nghiệp bao gồm cả công ty con và toàn bộ chuỗi cung ứng của họ đối với các vấn đề lao động và môi trường.

Ông Phạm Đức Hậu, Phó Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giới thiệu Chương trình hỗ trợ phi tài chính cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận thị trường.

Theo đó, BIDV triển khai nền tảng số SME asy hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là nền tảng số đầu tiên tại Việt Nam có giao diện và bộ giải pháp được thiết kế “may đo” dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. BIDV cũng đã phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, tổ chức trong nước và quốc tế triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực tài chính, năng lực kinh doanh.

Các nữ doanh nhân tham gia ký kết ủng hộ các nguyên tắc trao quyền cho Phụ nữ.
Các nữ doanh nhân tham gia ký kết ủng hộ các nguyên tắc trao quyền cho Phụ nữ.

Tại diễn đàn, một số doanh nhân nữ đã chia sẻ những thay đổi của doanh nghiệp khi chú trọng bình đẳng giới, những bài học thực tiễn đưa các doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận và tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa.

Các nữ doanh nhân cũng đã chỉ ra những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số vẫn ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng hàng hóa. Đó là hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn, thị trường; thiếu hụt các mạng lưới hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ; ít các chương trình đào tạo và cơ hội cố vấn để trau dồi kỹ năng cho doanh nhân nữ; gánh nặng của công việc chăm sóc gia đình và định kiến về khả năng kinh doanh của phụ nữ vẫn còn tồn tại.

Diễn đàn đã cập nhật thông tin về lộ trình doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng những tiêu chuẩn về phát triển bền vững của quốc gia và quốc tế; chia sẻ về các chính sách, chương trình tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, hỗ trợ tài chính và phi tài chính dành cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo. 

Tại Diễn đàn, Ban tổ chức cũng đã phát động Giải thưởng thực hiện Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ 2024 (WEPs Awards 2024), là một sáng kiến của UN Women được thực hiện từ năm 2020. Từ năm 2024 giải thưởng không tổ chức thường niên nữa, mà sẽ 2 năm tổ chức một lần.

Trong 3 năm trước đây, tổng cộng đã có 30 doanh nghiệp Việt Nam được vinh danh giải thưởng này. Năm 2024, giải thưởng sẽ bao gồm 6 hạng mục: Lãnh đạo doanh nghiệp cam kết thực hiện bình đẳng giới; Bình đẳng giới tại nơi làm việc; Bình đẳng giới tại thị trường; Bình đẳng giới giới thông qua tham gia cộng đồng và quan hệ đối tác; Doanh nghiệp có báo cáo thường niên về bình đẳng giới; Đầu tư, tài trợ sáng tạo cho bình đẳng giới. Mỗi hạng mục sẽ có 3 giải thưởng: nhất, nhì, ba.

Tại diễn đàn, 22 nữ doanh nhân Việt Nam đã tham gia ký Ủng hộ Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (Women’s Empowerment Principles – WEPs), thể hiện cam kết thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng.

Xem thêm tại vneconomy.vn