Hoa Sen, Thép Nam Kim nói gì về quyết định khởi xướng chống bán giá phá đối với HRC Trung Quốc?

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ của một công ty yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Trước thông tin này, ngày 25/3, các công ty ống thép và tôn mạ của Việt Nam gồm: Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), Công ty CP Thép TVP, Công ty CP Thép Nam Kim (mã NKG); Công ty CP Tôn Đông Á (mã GDA), Công ty Tôn Phương Nam, Công ty CP Tôn Pomina và Công ty CP Sản xuất Thép Vina One vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, Hiệp hội Thép Việt Nam nêu rõ mối quan ngại sâu sắc về khả năng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Chống bán phá giá dễ dẫn tới một số doanh nghiệp độc quyền

Theo lập luận của các doanh nghiệp này, tại Việt Nam, sản phẩm HRC chỉ được sản xuất bởi 2 doanh nghiệp là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Nên nếu việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc xảy ra sẽ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành thép Việt Nam.

HPG và FHS hiện là 2 doanh nghiệp duy nhất sản xuất được HRC tại Việt Nam với thị phần gần 80% ngành HRC nội địa, chỉ khoảng 20% còn lại được cung cấp bởi các công ty thương mại nhập khẩu HRC và bán lại cho các công ty tôn mạ và ống thép. Như vậy, với tổng thị phần chiếm gần 80% ngành HRC nội địa, HPG và FHS đang là 2 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.

Các công ty tôn mạ và ống thép cho rằng, một khi thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc được áp dụng, HRC từ Trung Quốc sẽ không thể nhập khẩu vào Việt Nam được nữa, dẫn đến tình trạng HPG và FHS độc quyền hoàn toàn nguồn cung HRC tại Việt Nam. Như vậy, các doanh nghiệp này có khả năng tăng giá bán HRC, dẫn đến giá bán thành phẩm tăng tương ứng và chỉ có các doanh nghiệp này được hưởng lợi. Ngược lại, một khi giá bán thành phẩm tăng gánh nặng đặt lên vai người tiêu dùng cuối cùng sẽ lớn hơn.

Hoa Sen, Thép Nam Kim nói gì về quyết định khởi xướng chống bán giá phá đối với HRC Trung Quốc?- Ảnh 1.

Chênh lệch giữa giá bán HRC của HPG tại Việt Nam và giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong năm 2023

Trên thực tế, HRC do 2 doanh nghiệp Việt Nam sản xuất bán tại thị trường nội địa luôn cao hơn giá nhập khẩu khoảng 10 - 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch hơn 40 - 50 USD/ tấn so với hàng nhập khẩu. Nếu giá bán HRC tiếp tục tăng thêm có thể khiến các ngành nghề sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất như tôn mạ, ống thép, thép kết cấu và các sản phẩm thép khác dùng trong xây dựng, bất động sản, công nghiệp sản xuất rơi vào cảnh khó khăn chồng chất và bị phụ thuộc vào 2 doanh nghiệp này.

"Giá mua nguyên liệu HRC ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán thành phẩm của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép, từ đó quyết định mức độ cạnh tranh của tôn mạ và ống thép Việt Nam so với tôn mạ và ống thép từ các quốc gia khác tại cả thị trường xuất khẩu lẫn thị trường nội địa.

Nếu giá nhập khẩu nguyên liệu HRC tăng cao vì thuế chống bán phá giá, đồng thời giá mua HRC nội địa cũng tăng cao tương ứng vì độc quyền nguồn cung của HPG và FHS, chắc chắn ngành sản xuất tôn mạ, ống thép tại Việt Nam sẽ không thể tồn tại và sụp đổ là tất yếu, ảnh hưởng tiêu cực đến công ăn việc làm của hàng chục ngàn người lao động và toàn bộ gia đình sau lưng họ, cũng như vốn đầu tư khổng lồ của hàng trăm ngàn cổ đông", văn bản của các công ty tôn mạ và ống thép nêu.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp này, việc khởi xướng chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và kết quả cuối cùng là áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc còn ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế của Việt Nam khi tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ, Mexico. Hoa Kỳ, Mexico là những quốc gia cực kỳ khắt khe trong việc đánh giá Việt Nam có phải là một nền kinh tế thị trường hay không, hoặc có tồn tại tình hình thị trường đặc biệt trong ngành thép Việt Nam hay không.

Không đủ căn cứ khởi xướng chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc

Trong văn bản, các công ty tôn mạ và ống thép cũng dẫn quy định của Luật Quản lý Ngoại thương năm 2017 nêu rõ việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu sẽ phải đủ 3 điều kiện bắt buộc.

Tuy nhiên, khi phân tích chi tiết 3 điều kiện bắt buộc trên các doanh nghiệp nhận thấy việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là hoàn toàn không có căn cứ.

Với điều kiện thứ nhất là "hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể" thì theo số liệu thực tế, biên độ phá giá (mức độ chênh lệch giữa giá thông thường và giá xuất khẩu) của HRC từ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam trong suốt năm 2023 rất thấp, chỉ khoảng 1,26% nên không thể coi là “bán phá giá”. Bởi Điều 78, Luật Quản lý Ngoại thương "không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam". Như vậy, điều kiện thứ nhất để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá là không có căn cứ.

Với điều kiện thứ hai, đó là "ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước" thì số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cũng cho thấy sản lượng sản xuất HRC do các công ty Việt Nam sản xuất có sự tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2019 - 2023.

Hoa Sen, Thép Nam Kim nói gì về quyết định khởi xướng chống bán giá phá đối với HRC Trung Quốc?- Ảnh 2.

Sản lượng sản xuất HRC của HPG và FHS từ năm 2019 đến năm 2023

Cụ thể, sản lượng sản xuất HRC năm 2019 đạt 4,13 triệu tấn; năm 2020 đạt 4,45 triệu tấn; năm 2021 đạt 7,3 triệu tấn; năm 2022 giảm còn 6 triệu tấn và năm 2023 tăng trở lại mức gần 6,73 triệu tấn. Sự tăng trưởng này cho thấy hoàn toàn không có thiệt hại của ngành sản xuất HRC Việt Nam thể hiện qua sản lượng sản xuất.

Tương tự, theo báo cáo của VSA, sản lượng bán hàng sản phẩm HRC của 2 công ty Việt Nam năm 2019 đạt gần 4,1 triệu tấn. Sang năm 2020 đạt gần 4,3 triệu tấn và tăng mạnh lên 7,13 triệu tấn vào năm 2021. Sau đó giảm về gần 6,2 triệu tấn vào năm 2022 và tăng lên 6,8 triệu tấn vào năm 2023.

Như vậy, hoàn toàn không có thiệt hại của ngành sản xuất HRC tại Việt Nam khi lượng bán HRC do các công ty Việt Nam sản xuất tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2019 - 2023.

Ngoài ra, các số liệu cũng chỉ ra không có hiện tượng sụt giảm hiệu quả sử dụng công suất đối với 2 công ty sản xuất HRC Việt Nam là HPG và FHS. Đồng thời, không có hiện tượng HRC do các công ty Việt Nam sản xuất bị ép bán với giá quá thấp để cạnh tranh với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc bởi thực tế HPG và FHS luôn luôn bán HRC cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam với giá cao hơn giá các doanh nghiệp này nhập khẩu HRC.

Đối với điều kiện thứ ba là "tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá ở điều kiện 1 với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định ở điều kiện 2" thì do hai điều kiện trên đã được chứng minh là không có căn cứ nên điều kiện thứ 3 cũng chắc chắn không thể đáp ứng để khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Từ những luận điểm trên, các doanh nghiệp gửi văn bản khẳng định rằng không tồn tại hành vi bán phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, đồng thời, không có thiệt hại và không bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể tại các doanh nghiệp sản xuất HRC tại Việt Nam mà ngược lại, ngành HRC Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế và dư địa để tiếp tục phát triển.

Do đó, nhóm doanh nghiệp đề nghị không khởi xướng điều tra bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào cũng như bất kỳ công cụ hạn chế nhập khẩu nào đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC, bởi việc áp thuế phòng vệ thương mại hoặc xây dựng bất kỳ rào cản thuế quan, phi thuế quan nào khác đối với HRC nhập khẩu đều làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép nội địa.

Xem thêm tại cafef.vn