Hoạt động tài chính “cứu” lợi nhuận bảo hiểm

Lợi nhuận tăng nhờ các hoạt động tài chính

Dữ liệu của VietstockFinance cho thấy, trong quý II/2023, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của 11 doanh nghiệp phi nhân thọ trên thị trường chứng khoán (gồm HOSE, HNX và UPCoM) đạt 16.971 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp hoạt động tài chính tăng mạnh 44% lên 3.178 tỷ đồng, qua đó giúp tổng lợi nhuận trước thuế tăng hơn 2 lần, đạt 1.328 tỷ đồng.

Trong đó, 8/11 doanh nghiệp phi nhân thọ có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng và 2 doanh nghiệp thoát lỗ trong quý II/22023 (gồm Bảo hiểm Bảo Long - mã BLI nhờ thu lãi từ tiền gửi ngân hàng tăng và Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI) nhờ chi phí kinh doanh bảo hiểm giảm mạnh).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng lợi nhuận trước thuế của 11 doanh nghiệp phi nhân thọ đạt 2.794 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước nhờ lợi nhuận đầu tư tài chính tăng 32% lên 6.239 tỷ đồng, bù đắp cho lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm giảm 39% xuống còn 1.283 tỷ đồng.

Giải trình biến động kinh doanh 6 tháng năm 2023 tại báo cáo tài chính riêng, Bảo hiểm Bưu điện cho biết, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay đạt hơn 87 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 179 tỷ đồng) là do chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 28% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm giảm do không phát sinh cho phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững tâm an”, trong khi cùng kỳ năm trước phát sinh gần 300 tỷ đồng…

Trong khi đó, Bảo hiểm PVI giữ vững ngôi vị số 1 thị trường với tổng doanh thu đạt 7.252 tỷ đồng, hoàn thành 113,5% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023 và lợi nhuận trước thuế đạt 350,8 tỷ đồng, hoàn thành 127,7% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023.

Báo cáo của Công ty cổ phần PVI (PVI Holdings, mã PVI) - công ty mẹ của Bảo hiểm PVI cho thấy, doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của PVI Holdings đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 7% và lợi nhuận trước thuế 6 tháng hợp nhất đạt 694 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hoạt động đầu tư tài chính chiếm tỷ trọng 72% trong cơ cấu lợi nhuận.

Theo PVI Holdings, hoạt động đầu tư tiếp tục mang lại nguồn lợi nhuận chính cho toàn hệ thống. Doanh thu đầu tư tài chính toàn hệ thống đạt 661 tỷ đồng, tăng 65% (260 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 151% kế hoạch 6 tháng và 67,8% kế hoạch cả năm nhờ mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức cao trong những tháng đầu năm.

Tại Bảo hiểm Bảo Việt, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu đạt 5.556 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo tình hình quản trị công ty của Bảo hiểm Quân đội - MIC (mã MIG) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt trên 1.870 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 161 tỷ đồng, tăng 52% nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 33,9% và doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 113,2%.

Cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu cao hơn mức trung bình thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm Petrolimex - PJICO (mã PGI) đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế ước đạt 136 tỷ đồng, hoàn thành 53,2% kế hoạch năm. Doanh thu đầu tư tài chính 6 tháng năm 2023 của hãng bảo hiểm này ước đạt 129,7 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu đầu tư tiền gửi ước đạt 105 tỷ đồng, tăng 37,1% và hoàn thành 52,3% kế hoạch năm…

Với Bảo hiểm BIDV - BIC (mã BIC), lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ BIC đạt 2.363 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 262 tỷ đồng, tăng 61,0% và hoàn thành 54,6% kế hoạch năm. Đáng chú ý, BIC là doanh nghiệp phi nhân thọ hiếm hoi ghi nhận lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm nay.

Thách thức kinh tế giảm tốc

Việc duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm sẽ gặp không ít thách thức khi mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm sau động thái liên tục giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế.

Lợi nhuận từ hoạt động tài chính có thể tác động mạnh lên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm là bởi các doanh nghiệp lĩnh vực này luôn sở hữu một lượng lớn tiền mặt. Các quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành từ ngân hàng trung ương có thể tác động trực tiếp lên khả năng sinh lời trên tổng tài sản của doanh nghiệp.

Với lợi thế về lượng tiền mặt ròng, ngành bảo hiểm sẽ trực tiếp hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất huy động tăng cao. Với quy mô danh mục đầu tư mà tiền gửi và trái phiếu hiện nay của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chiếm khoảng 90% (tỷ lệ tiền gửi chiếm khoảng 70%, trái phiếu chiếm khoảng 20%), hiệu suất sinh lời sẽ gia tăng trong môi trường lãi suất tăng. Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) ước tính, khi lãi suất tăng 1%/năm sẽ giúp lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp bảo hiểm tăng thêm 10,8%.

Mặt bằng lãi suất ở mức cao trong những tháng đầu năm đã giúp nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ ghi nhận lợi nhuận khả quan trong nửa đầu năm nay, cho dù hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm sút. Dẫu vậy, giới chuyên gia cho rằng, việc duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm sẽ gặp không ít thách thức khi mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm sau động thái liên tục giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế.

Đồng thời, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc đáng kể trong thời gian tới khi rủi ro suy thoái ở nhiều nền kinh tế lớn đang tăng lên, từ đó ảnh hưởng tới kinh tế trong nước. Ngoài ra, lạm phát cũng là một yếu tố cần chú ý bởi giá cả có thể tăng lên do nhu cầu tiêu dùng từ Trung Quốc gia tăng sau dịch Covid-19. Ở trong nước, giá cả một số loại hàng hóa, dịch vụ do Chính phủ kiểm soát như điện, giáo dục, xăng dầu… nhiều khả năng sẽ đi lên sau khi điều chỉnh tăng lương cơ bản.

Trước những yếu tố vĩ mô khó lường từ thế giới cũng như trong nước, theo đuổi chiến lược kinh doanh thận trọng và tiếp tục quản lý chi phí kinh doanh một cách chặt chẽ vẫn là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp bảo hiểm những tháng cuối năm nay.

Chẳng hạn, Bảo hiểm Bưu điện đang xây dựng quy trình phát triển sản phẩm vừa đảm bảo yếu tố cạnh tranh, vừa đảm bảo tính an toàn, tránh các sản phẩm như Vững Tâm An gây thua lỗ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hãng bảo hiểm này cũng tiếp tục quản lý chặt chẽ chi phí kinh doanh, đặc biệt là chi phí quản lý và bồi thường (kể cả chi trả thực tế lẫn trích lập dự phòng)…

Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội đồng quản trị PVI Holdings đã rà soát và cập nhật Quy chế kiểm toán nội bộ, Quy chế lương, thưởng cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là ban hành Tuyên bố khẩu vị rủi ro năm 2023 nhằm thể hiện cách ứng xử của Tập đoàn đối với rủi ro để đạt được các mục tiêu kinh doanh đề ra. Được biết, yếu tố này tại PVI Holdings thường xuyên được giám sát định kỳ hoặc đột xuất để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời trước những biến động của các sự kiện rủi ro…

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn