Kế hoạch kinh doanh hé lộ sóng tăng 2025: Bất động sản, ngân hàng, bán lẻ vào ‘vùng sáng’
Có 74% doanh nghiệp đã công bố kế hoạch tăng trưởng, phản ánh sự lạc quan trước đà phục hồi kinh tế.
Bất động sản, bán lẻ, ngân hàng: Bộ ba dẫn sóng
Ngành bất động sản ghi nhận nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng cao như Kinh Bắc (KBC, +600%), Vingroup (VIC, +90%), Khang Điền (KDH, +24%), Vinhomes (VHM, +20%) và Vincom Retail (VRE, +15%).
Động lực đến từ các dự án bước vào giai đoạn bàn giao, mặt bằng lãi suất thấp và chính sách tháo gỡ pháp lý đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận.
Ngành bán lẻ giữ vững đà tăng nhờ tiêu dùng nội địa phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bốn tháng đầu năm tăng 9,9% so với cùng kỳ.
FPT Retail (FRT, +76%), Thế Giới Di Động (MWG, +30%) và Digiworld (DGW, +18%) đều lên kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh nhờ chiến lược đa kênh, mở rộng hệ thống và hưởng lợi từ chính sách giảm thuế VAT kéo dài đến giữa năm 2025.
Ngành ngân hàng tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định khi Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng tín dụng 16%.
Các nhà băng như Sacombank (STB, +33%), HDBank (HDB, +27%), VPBank (VPB, +26%), OCB (OCB, +25%), Techcombank (TCB, +14%), MB (MBB, +10%) và BIDV (BID, +10%) đều đặt kế hoạch lợi nhuận tăng hai chữ số nhờ biên lãi ròng cải thiện và tỷ lệ nợ xấu giảm.

Chứng khoán, tài nguyên cơ bản: Đón sóng nâng hạng và đầu tư công
Ngành chứng khoán được kỳ vọng khởi sắc nhờ cơ hội nâng hạng thị trường khi hệ thống KRX vận hành, tạo điều kiện thu hút dòng tiền ngoại và cải thiện thanh khoản.
Mặt bằng lãi suất thấp cũng hỗ trợ dòng tiền dịch chuyển vào cổ phiếu. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán đang tăng vốn, mở rộng năng lực tài chính và hệ thống công nghệ để đón đầu cơ hội.
Trong ngành tài nguyên cơ bản, Hòa Phát (HPG, +25%) ghi nhận triển vọng tích cực từ nhu cầu nội địa tăng và xây dựng hạ tầng mạnh hơn.
Ngược lại, Nam Kim (NKG, -22%) và Hoa Sen (HSG, -13,3%) tỏ ra thận trọng do xuất khẩu gặp khó. KSB (KSB, +127%) nổi bật với mỏ đá Tam Lập 3 đi vào hoạt động và doanh thu bổ sung từ khu công nghiệp Hoa Lư.
Thận trọng với điện, hóa chất, dầu khí
Ngành điện có dấu hiệu phân hóa. PV Power (POW) đặt kế hoạch doanh thu tăng 26% nhưng lợi nhuận giảm 61% do chi phí khấu hao và lãi vay từ hai nhà máy mới. Trong khi đó, Điện Gia Lai (GEG, +498%) và REE Corp (REE, +22%) được hỗ trợ nhờ điện gió và thủy điện hồi phục.
Ngành hóa chất tiếp tục thận trọng. Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (DPM) và Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) đều đặt kế hoạch lợi nhuận giảm gần 50%. Đức Giang (DGC) dự báo đi ngang, còn Hóa chất Cơ bản Miền Nam (CSV) giảm 25%. Tuy nhiên, từ tháng 7/2025, Luật thuế GTGT mới có thể hỗ trợ lợi nhuận nhờ được khấu trừ thuế đầu vào.
Ngành dầu khí đối mặt nhiều thách thức. PV Gas (GAS) dự kiến lợi nhuận giảm 50%, doanh thu giảm 30% do nguồn cung khí nội địa giảm và các mỏ mới chưa khai thác. Giá dầu được dự báo giảm, nhu cầu yếu và xu hướng chuyển dịch năng lượng tiếp tục tạo áp lực lên ngành.
Cơ hội có chọn lọc
Theo nhà phân tích, dù doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng có cơ sở, nhưng việc hiện thực hóa vẫn còn nhiều áp lực, đặc biệt từ các yếu tố vĩ mô và chính sách quốc tế.
Tuy vậy, sự ổn định của môi trường kinh doanh trong nước, cùng với các ngành dẫn dắt như bất động sản, ngân hàng, bán lẻ và tài nguyên cơ bản, sẽ là lực đẩy chính cho thị trường chứng khoán trong năm 2025.
Xem thêm tại vietnambiz.vn