Khối ngoại chốt lời, VN-Index đánh mất mốc 1.300 điểm
Kết phiên, chỉ số lùi về 1.296,29 điểm, giảm 5,10 điểm so với tham chiếu. Thanh khoản toàn thị trường có phần suy giảm nhẹ so với tuần trước, với tổng giá trị giao dịch đạt gần 21.400 tỷ đồng.
Tâm lý thận trọng cùng lực cầu suy yếu khiến sắc đỏ chiếm ưu thế trên toàn thị trường. Trên sàn HoSE, chỉ có 110 mã tăng giá trong khi tới 216 mã giảm. Sàn HNX ghi nhận 60 mã tăng và 60 mã đứng giá, nhưng số mã giảm áp đảo với 93 mã. UPCoM ghi nhận diễn biến cân bằng hơn với 135 mã tăng và 137 mã giảm điểm.
Điểm sáng trong phiên đến từ nhóm cổ phiếu họ Vingroup, khi cả ba mã trong rổ VN30 đều đồng loạt tăng. Đáng chú ý, VIC tăng kịch trần với thanh khoản vượt 9,1 triệu đơn vị, chốt phiên ở mức 85.600 đồng/cổ phiếu – cao nhất trong ba năm qua. Với mức giá này, vốn hóa của VIC tiệm cận mốc 330.000 tỷ đồng.

Ngoài nhóm Vingroup, một số cổ phiếu ngân hàng như VPB, CTG, TCB và HDB cũng duy trì được sắc xanh, tuy nhiên mức tăng tương đối khiêm tốn, dưới 1%. Ngược lại, các mã như LPB, FPT, VJC và STB ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong nhóm VN30, dao động từ 2% đến 4%. Phần lớn các cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng điều chỉnh giảm trong biên độ 1% – 2%.
Tại nhóm chứng khoán, chỉ một số mã như TVB, AAS, WSS và EVS giữ được mức tham chiếu, trong khi hàng loạt cổ phiếu chủ chốt như SSI, VND, HCM, BVS, APS, FTS... đồng loạt giảm sâu từ 1% đến 6%.
Với nhóm ngân hàng, áp lực bán lan rộng nhưng mức giảm nhìn chung nhẹ hơn nhóm chứng khoán, phổ biến trong khoảng 0,5% – 1,5%.
Ở nhóm bất động sản, dòng tiền có sự phân hóa rõ nét. Trong khi các cổ phiếu như BCR, QCG, DIG, SCR, KDH, PDR, NLG... tăng điểm từ 1% đến 3%, thì các mã như DXG, DXS, TCH, NVL, NTL lại điều chỉnh giảm nhẹ trong biên độ tương tự.
Ngành thép giao dịch kém tích cực khi TLH là cổ phiếu duy nhất tăng điểm nhưng mức tăng không đáng kể. Các mã còn lại như VGS, HPG, HSG, NKG, TVN đều ghi nhận mức giảm từ 1% đến 4%.
Áp lực điều chỉnh cũng lan rộng sang các nhóm ngành khác như khu công nghiệp, dệt may, thủy sản, công nghệ và dầu khí... với mức sụt giảm phổ biến từ 1% đến 3%.
Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, khối này đẩy mạnh bán ròng tại các cổ phiếu lớn, trong đó VHM bị bán mạnh nhất với giá trị hơn 1.005 tỷ đồng, theo sau là GEX (-126 tỷ đồng) và MSN (-115 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, VIC (+175 tỷ đồng), MBB (+148 tỷ đồng) và CTG (+84 tỷ đồng) là những mã được mua vào mạnh nhất. Tính chung, khối ngoại bán ròng hơn 540 tỷ đồng trong phiên hôm nay.
Đà điều chỉnh của thị trường không nằm ngoài dự báo của giới phân tích. Theo nhận định từ Chứng khoán Tiên Phong (TPS), thị trường có khả năng tiếp tục xu hướng giảm trong ngắn hạn. Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã hình thành bộ ba nến đảo chiều tại vùng kháng cự mạnh – tương ứng với mốc Fibonacci mở rộng 161,8%. Đồng thời, các chỉ báo động lượng cũng đang phát tín hiệu quá mua.
Dù vậy, TPS cho rằng xu hướng tăng trung hạn của VN-Index vẫn chưa bị phá vỡ, khi chỉ số vẫn duy trì trên toàn bộ các đường trung bình động (MA). Trong kịch bản điều chỉnh lành mạnh, vùng hỗ trợ kỹ thuật hợp lý được xác định trong khoảng 1.260 – 1.274 điểm, nơi hệ thống MA có thể đóng vai trò là vùng đệm hỗ trợ cho thị trường.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn