Khối ngoại 'quay xe' bán ròng, VN-Index 'bốc hơi' gần 12 điểm

Mặc dù chịu áp lực chốt lời trong phiên giao dịch ngày 16/5, thị trường chứng khoán vẫn giữ vững mốc tâm lý 1.300 điểm. Chốt phiên, VN-Index giảm gần 12 điểm, dừng tại 1.301,39 điểm. Dù chỉ số đi xuống, thanh khoản toàn thị trường cũng ghi nhận sự suy giảm đáng kể, với tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn chỉ đạt hơn 22.000 tỷ đồng; riêng sàn HoSE đóng góp khoảng 20.350 tỷ đồng.

Sắc đỏ áp đảo trên toàn thị trường. Trên sàn HoSE, có 186 mã giảm, 132 mã tăng và 46 mã giữ giá tham chiếu. Sàn HNX ghi nhận 103 mã giảm, 60 mã tăng và 55 mã tham chiếu. UPCoM duy trì trạng thái cân bằng hơn, với 158 mã tăng, 157 mã giảm và 132 mã đứng giá.

Gặp áp lực chốt lời, sắc đỏ bao trùm nhóm VN30

Trong rổ VN30, một số cổ phiếu như VRE, PLX, SAB và VIC giữ được sắc xanh nhưng mức tăng đều dưới 1%. BCM và VHM đứng giá tham chiếu với thanh khoản không có nhiều biến động. Phần lớn các mã bluechip còn lại giảm từ 1% đến 3%, trong đó FPT là cổ phiếu giảm mạnh nhất, mất 3,2%, kèm thanh khoản vượt mức trung bình 20 phiên gần nhất.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán ghi nhận diễn biến phân hóa. Một số mã như CTS, AAS, SBS, TCI, APG và ORS vẫn giữ được đà tăng từ 1% đến 3%. Ngược lại, các mã đầu ngành như HCM, SSI, BVS, SHS, VND và MBS đồng loạt giảm điểm, mức giảm dao động từ 0,5% đến 2%.

Cổ phiếu ngân hàng – nhóm từng đóng vai trò dẫn dắt trong phiên trước – hôm nay chịu áp lực chốt lời khá mạnh. Ngoại trừ NVB tăng gần 5% và một vài mã như BAB, VAB, EVF nhích nhẹ, hầu hết các mã đầu ngành như VPB, TCB, MBB, BID, VCB và CTG đều giảm sâu từ 1% đến 3%.

Cổ phiếu vua hoá "gánh nặng" của VN-Index

Đáng chú ý, nhóm bất động sản tiếp tục cho thấy sức bật tích cực, bất chấp xu hướng điều chỉnh chung của thị trường. BCR tăng trần phiên thứ tư liên tiếp, với thanh khoản lên tới hàng chục triệu đơn vị. Nhiều mã khác như DXS, TCH, DXG, NTL, NLG và NVL cũng ghi nhận mức tăng từ 1% đến 4%.

Tại nhóm thép, POM là điểm sáng khi duy trì sắc tím đến cuối phiên. HSG tiếp tục đà hồi phục với mức tăng 3%, trong khi TLH, TVN và SMC đều tăng từ 1% đến 2%.

Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành như khu công nghiệp, dệt may và thủy sản tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh. Nhiều cổ phiếu trong các ngành này quay đầu giảm từ 1% đến 2%, thanh khoản cũng suy yếu rõ rệt.

Về giao dịch của khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ quay lại bán ròng mạnh. Các mã bị xả nhiều nhất gồm VCB (-420 tỷ đồng), FPT (-228 tỷ đồng), VHM (-188 tỷ đồng) và MSN (-102 tỷ đồng). Trong khi đó, nhóm này mua ròng một số cổ phiếu như MWG (+125 tỷ), HSG (+96 tỷ), TCH (+93 tỷ) và MBB (+80 tỷ). Tính chung, khối ngoại bán ròng gần 1.000 tỷ đồng trong phiên hôm nay.

Diễn biến điều chỉnh này phần lớn đã nằm trong dự báo của các công ty chứng khoán. Theo phân tích kỹ thuật từ Chứng khoán AIS, chỉ số VN-Index đã hình thành mẫu nến Dragonfly Doji – một tín hiệu cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang ở trạng thái lưỡng lự. Tuy nhiên, xu hướng tăng điểm vẫn chưa bị phá vỡ. Áp lực chốt lời sau ba phiên tăng mạnh được xem là nguyên nhân chính khiến thị trường rơi vào trạng thái phân hóa nhẹ.

AIS dự báo, trong các phiên tới, thị trường có thể bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn và dao động trong vùng 1.300 – 1.320 điểm. Dù vậy, xu hướng chủ đạo vẫn được đánh giá là tích cực, với khả năng VN-Index quay trở lại vùng 1.340 – 1.345 điểm trong thời gian tới.

Ở chiều thận trọng hơn, Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) cảnh báo chỉ số có thể điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm. Theo CSI, đây sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu với vị thế an toàn hơn. Đồng thời, công ty khuyến nghị nên hiện thực hóa lợi nhuận và giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống còn khoảng 20–25% tổng tài sản nhằm kiểm soát rủi ro.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn