KIDO: Doanh thu tăng vẫn lỗ 67 tỷ đồng do ‘biến động thị trường’
Trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý I, Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) gây bất ngờ khi báo lỗ hơn 67 tỷ đồng, dù 4 quý trước đó vẫn đem về lợi nhuận dương.
Cụ thể, doanh thu thuần trong 3 tháng đầu năm vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực khi tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 2.146 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự gia tăng của chi phí đầu vào đã gây áp lực lên biên lãi gộp của KIDO, khiến chỉ số này giảm từ mức 19,8% trong quý I/2024 xuống còn 16,6% trong quý I/2025.

Từ đó, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp không còn biến động cùng chiều với doanh thu, sụt giảm nhẹ gần 1% còn hơn 356,7 tỷ đồng.
Không chỉ chi phí đầu vào gia tăng, loạt khoản chi khác đều cao hơn ở mức 2 chữ số so với cùng kỳ, đơn cử như chi phí tài chính (tăng 82%), chi phí bán hàng (tăng 18%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng 17%).
Kết quả, dù doanh thu tăng khá mạnh nhưng không thể bù đắp được cho chi phí, KIDO báo lỗ sau thuế hơn 67 tỷ đồng trong quý I, cắt chuỗi lợi nhuận dương vừa ghi nhận trong 4 quý liên tiếp. Lần gần đây nhất mà doanh nghiệp này phải ghi nhận kết quả âm trên báo cáo tài chính là trong quý IV/2023, với khoản lỗ sau thuế hơn 544 tỷ đồng.
Theo giải trình, ban lãnh đạo cho biết nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế ghi nhận biến động nêu trên đến từ những biến động thị trường tác động lên doanh nghiệp.

Dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý I, ở bảng cân đối kế toán, KIDO vẫn gây ấn tượng khi ghi nhận giá trị tiền và tương đương tiền hơn 1.931 tỷ đồng, tăng 578 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lại giảm khoảng 160 tỷ đồng, từ mức 174 tỷ đồng còn 14,4 tỷ đồng.
Ở bảng nguồn vốn, các khoản nợ vay của KIDO đã gia tăng khá đáng kể. Cụ thể, nợ vay ngắn hạn tăng 7% lên hơn 3.423 tỷ đồng, nợ vay dài hạn tăng 30% lên 1.139 tỷ đồng. Sự biến động này có thể lý giải cho sự gia tăng của chi phí tài chính, bao gồm chi phí lãi vay trong quý I vừa qua.
Hiện KIDO vẫn chưa công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2025. Thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 được ấn định vào ngày 5/6 tới đây tại TP. HCM. Hồi đầu năm 2025, doanh nghiệp đã triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để xin ý kiến về thương vụ bán cổ phần sở hữu tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods) cũng như các vấn đề liên quan đến thương hiệu.
Theo đó, hơn 89% cổ đông tham dự họp đã không thông qua giao dịch bán hơn 24% cổ phần KDF của Kido Group. Đồng thời, cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định các điều khoản liên quan, bao gồm hợp đồng, thỏa thuận, kể cả điều khoản sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hay thay thế liên quan đến giao dịch này.
Được biết, giao dịch bán 24% vốn Kido Foods đã được Kido hoàn tất và giá trị thương vụ 1.069 tỷ đồng, các báo cáo của Kido thể hiện Kido Foods không còn là công ty con mà chuyển sang đơn vị liên kết. Vào tháng 9/2024, Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood công bố đã hoàn tất các thủ tục để sở hữu 51% vốn cổ phần tại Kido Foods.
Liên quan đến thương hiệu, cổ đông cũng quyết định giữ lại quyền sở hữu các thương hiệu Celano, Merino (cùng 34 nhãn hiệu/thương hiệu liên quan) và Kido cho Tập đoàn Kido.
Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kido khẳng định sẽ bảo vệ thương hiệu tập đoàn theo đúng nguyện vọng của cổ đông. Ông cũng nhấn mạnh rằng một doanh nghiệp muốn thành công, ngoài sản phẩm tốt, dây chuyển sản xuất tốt cần thương hiệu có vị trí trong lòng khách hàng.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn