KIS Research: Ngành ngân hàng – Quỹ đạo tăng trưởng vừa phải
Nhóm NHTMCP tư nhân có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn trong quý 1 năm 2025
Theo Chứng khoán KIS, tổng tăng trưởng thu nhập và lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng trong quý 1 năm 2025 lần lượt tăng 9.3% và 14.5% so với cùng kỳ (svck). Tuy nhiên, nếu loại trừ thu nhập từ bán công ty con của SSB thì mức tăng trưởng thu nhập và lợi nhuận chỉ đạt 7.6% svck và 10.9% svck. Kết quả bởi mức tăng trưởng tín dụng cao, gia tăng thu nhập từ hoạt động khác, và kiểm soát chi phí quản lý và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Trong khi đó, thu nhập từ phí dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, và đầu tư vẫn chưa đạt nhiều kết quả khả quan trong quý 1 năm 2025.
Theo kết quả ghi nhận thì nhóm NHTMCP tư nhân có kết quả tích cực hơn nhóm NHTMCP nhà nước. Cụ thể, ngân hàng có mức tăng trưởng vượt trội như MBB, STB, và VPB trong nhóm NHTMCP tư nhân lớn; HDB, SSB, EIB, và NAB trong nhóm NHTMCP tư nhân vừa; và ABB, VBB, VAB, NVB, KLB, và SGB trong nhóm NHTMCP tư nhân nhỏ.
Biểu đồ 1: Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng

Nguồn: FiinproX, Các ngân hàng, KIS Research
Tăng trưởng tín dụng cao hơn cùng kỳ quý 1 năm 2025
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành (TTTD) tại thời điểm cuối quý 1 năm 2025 đạt +3.93% so với đầu năm (svđn), cao hơn so với +1.24% svđn của quý 1 năm 2024. Trong quý 1 năm 2025, TTTD tiếp tục được thúc đẩy bởi cho vay khách hàng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngân hàng hầu hết giảm số dư nợ đối với khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn ảm đạm.
So với cùng kỳ, tốc độ giải ngân tín dụng đã cải thiện ở hầu hết các ngân hàng (21/27 ngân hàng). Một số ngân hàng dẫn đầu TTTD theo từng nhóm như: CTG trong nhóm NHTMCP nhà nước; SHB và VPB trong nhóm NHTMCP tư nhân lớn; EIB và MSB trong nhóm NHTMCP tư nhân vừa; NVB, KLB, và PGB trong nhóm NHTMCP tư nhân nhỏ.
Biểu đồ 2: Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng

Nguồn: FiinproX, Các ngân hàng, KIS Research
Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đặt mục tiêu TTTD là 16%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Chính phủ thực hiện đẩy mạnh đầu tư công và hỗ trợ phát triển một số ngành nghề sẽ góp phần tăng nhu cầu tín dụng và kích thích nền kinh tế trong thời gian tới. Trong quý 1 năm 2025, quy mô tín dụng đạt 500,000 tỷ đồng, tương đương 3% dư nợ, với lãi suất ưu đãi hơn cho lĩnh vực hạ tầng và công nghệ, góp phần thúc đẩy gia tăng tín dụng.
Biên lãi ròng (NIM)sụt giảmtrong quý 1 năm 2025
So với cùng kỳ, NIM trong quý 1 năm 2025 sụt giảm do tỷ suất sinh lời trên tài sản thấp hơn trong khi đó chi phí vốn vẫn duy trì ở mức thấp nhờ vào lãi suất huy động duy trì ổn định theo định hướng chung của ngành. Chứng khoán KIS nhìn nhận tỷ suất sinh lời trên tài sản sinh lãi vẫn chưa cải thiện đến từ các nguyên nhân như: (1) áp lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, (2) cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng, và (3) cho vay vốn trung và dài hạn với tỷ suất sinh lời cao hơn vẫn chưa thật sự hồi phục. NIM giảm ở hầu hết các ngân hàng - có 21/27 ngân hàng có NIM sụt giảm trong quý 1 năm 2025 bao gồm nhóm ngân hàng quốc doanh, nhóm ngân hàng có thế mạnh cho vay khách hàng doanh nghiệp (như MBB, TCB, SHB, HDB, LPB, SSB, MSB, OCB), và nhóm ngân hàng có thế mạnh cho vay cá nhân (như ACB, VPB, STB, VIB, TPB).
Biểu đồ 3: Biên lãi ròng của các ngân hàng

Nguồn: FiinproX, Các ngân hàng, KIS Research
Nợ xấu gia tăng trở lại trong quý 1 năm 2025
Biểu đồ 4: Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng

Nguồn: FiinproX, Các ngân hàng, KIS Research
Ghi chú: NPL: là tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ, LLCR: là tỷ lệ bao phủ nợ xấu
So với quý trước, tỷ lệ nợ xấu gia tăng trở lại và có 20/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Nhìn chung, thì nợ xấu gia tăng mạnh ở nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Chất lượng tín dụng chưa cải thiện còn thể hiện thông qua 1) tỷ lệ xóa nợ trên dư nợ tương đương cùng kỳ 2) bộ đệm dự phòng sụt giảm và được đánh giá vẫn còn tương đối mỏng trong bối cảnh khi nợ xấu vẫn còn cao. Trong thời gian tới, việc luật hóa nghị quyết số 42/2014/QH14 của Quốc hội kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực đối với việc đẩy nhanh xử lý và thu hồi nợ xấu, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo toàn lợi nhuận của ngân hàng. Nhóm ngân hàng duy trì nợ xấu thấp trong ngành bao gồm VAB, VCB, TCB, BAB, và ACB.
Duy trì tăng trưởng lợi nhuận vừa phải trong quý 2 năm 2025 và định giá ngành hấp dẫn cho tích lũy đầu tư dài hạn.
Nhu cầu tín dụng trong quý 2 năm 2025 có thể tiếp tục tăng cao hơn so với cùng kỳ. NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đầy tham vọng ở mức 16% cho toàn hệ thống ngân hàng trong năm 2025 – mức cao nhất trong 7 năm qua. Trong diễn biến bất lợi của tình thuế quan thế giới có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng và mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Lợi suất tài sản suy giảm có thể khiến đà phục hồi NIM trong quý 2 bị gián đoạn. NIM năm 2025 có thể duy trì ổn định trong kịch bản cơ sở và giảm nhẹ trong kịch bản tiêu cực. Chi phí dự phòng rủi ro có thể tăng do bổ sung trích lập dự phòng nợ xấu trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao.
Ngành ngân hàng hiện đang giao dịch với mức P/B là 1.45x, thấp hơn trung bình lịch sử 5 năm là 1.73x và được đánh giá là tiềm năng cho tích lũy đầu tư dài hạn. Chứng khoán KIS ưa thích nhóm nhóm NHTMCP tư nhân có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt và định giá hấp dẫn.
Rủi ro: Sự phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến, diễn biến bất lợi chính sách thuế quan, nợ xấu tăng mạnh trở lại, và thay đổi trong chính sách tiền tệ là những rủi ro tiềm ẩn, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng ngành.
Biểu đồ 5: Định giá P/B của ngành

Nguồn: FiinproX, KIS Research
Ghi chú: dữ liệu cập nhật tại ngày 16/5/2025
Biểu đồ 6: Định giá P/B của các ngân hàng

Nguồn: Bloomberg, KIS Research
Ghi chú: dữ liệu cập nhật tại ngày 16/5/2025
Xem thêm tại cafef.vn