Kỳ 1: Vừa lĩnh án đình chỉ, một công ty lại sắp sửa kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết?

Trong từ điển tiếng Việt, đình chỉ có nghĩa là ngừng lại hoặc làm cho phải ngừng lại trong một thời gian hay vĩnh viễn. Thế nhưng, nếu ở lĩnh vực chứng khoán, hiểu như vậy sẽ thành sai. Khái niệm “đình chỉ” lại mang 1 ý nghĩa vô cùng thú vị, đến mức những người quan tâm sẽ phải đặt ra câu hỏi: Vậy thì người ta đưa ra khái niệm “đình chỉ” tư cách kiểm toán các công ty có lợi ích công chúng đối với các công ty kiểm toán để làm gì?

Bị đình chỉ xong… tiếp tục cung cấp dịch vụ đã bị đình chỉ

Trong vòng hơn 1 tháng, Công ty cổ phần T.. (là một doanh nghiệp có cổ phiếu đang niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán HNX) đã có 2 Nghị quyết HĐQT về việc thay đổi lựa chọn đơn vị thực hiện kiểm toán BCTC năm 2023 của Công ty.

Đầu tiên, ngày 12/12/2023, Công ty cổ phần T... có Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐQT/T.. về việc chọn Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY là công ty kiểm toán. HĐQT Công ty cổ phần T.. đã ủy quyền người đại diện theo pháp luật Công ty thương thảo và ký hợp với UHY.

Sau hơn 1 tháng kể từ sự kiện này, ngày 19/1/2024, Công ty cổ phần T... có Nghị quyết HĐQT số 01/2024/NQ-HĐQT/T.. về việc thay đổi đơn vị thực hiện kiểm toán BCTC năm 2023. Theo đó, Công ty T.. thay đổi từ đơn vị kiểm toán đã được lựa chọn là UHY sang TTP, với lý do UHY không sắp xếp được nhân sự và thời gian. Đồng thời, HĐQT Công ty T.. tiếp tục ủy quyền cho Người đại diện theo pháp luật của Công ty thực hiện thương thảo và ký hợp đồng với đơn vị kiểm toán được lựa chọn.

Và đâu là vấn đề?

Ngày 17/11/2023, thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty TNHH Kiểm toán TTP kể từ ngày 17/11/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Thông tin này đã được công bố công khai và truyền thông cũng đã đăng tải tin tức tràn ngập khắp nơi. Vậy vì sao Công ty cổ phần T... lại thực hiện lựa chọn TTP là đơn vị kiểm toán cho BCTC năm 2023?

Không chỉ có Công ty cổ phần T... với đơn vị kiểm toán TTP, năm tài chính 2022, thị trường chứng khoán cũng chứng kiến một số doanh nghiệp có lợi ích công chúng (công ty đại chúng, đã niêm yết) có BCTC năm được ký bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Thẩm định giá Việt Nam (AVA), dù ngày 28/11/2022, AVA cũng đã bị đình chỉ tư cách công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán.

Vì sao AVA, TTP lại dễ dàng cung cấp trở lại dịch vụ vừa bị cơ quan chức năng "tuýt còi" này? Lẽ thông thường, một khi công ty kiểm toán bị đình chỉ tư cách kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán thì có nghĩa là trước đó, công ty kiểm toán đã có những vi phạm nhất định khiến việc cung cấp trở lại dịch vụ sẽ có nguy cơ gây tổn hại tới lợi ích của nhà đầu tư.

>> Hy hữu một công ty kiểm toán bị đình chỉ tư cách kiểm toán

Vậy, vì đâu có sự lạ đời này? Ngoài việc doanh nghiệp niêm yết quá "khát" công ty kiểm toán khi mùa báo cáo kiểm toán đang cận kề và đôi khi "đành lòng" phải ký thì đằng sau việc đình chỉ xong lại được hoạt động trở lại ngay và luôn sau một thời gian ngắn có vấn đề gì khác? Vì sao việc công ty kiểm toán bị đình chỉ lại đang giống như hàm nghĩa là… không cấp phép mới?

Vì sao AVA, TTP lại dễ dàng được cung ứng dịch vụ kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết ngay sau án bị đình chỉ?

Theo tìm hiểu của người viết, lý do dẫn đến sự việc trái theo cách hiểu thông thường này của AVA, TTP đến từ 2 công văn của Bộ Tài chính, ký thừa lệnh bởi Cục Quản lý Giám sát Kế toán, Kiểm toán.

Theo đó, ngày 13/1/2023 và ngày 29/12/2023, Cục đã có văn bản trả lời lần lượt công ty kiểm toán AVA và TTP về việc tiếp tục thực hiện kiểm toán BCTC năm 2022 (đối với AVA) và năm 2023 (đối với TTP).

Hai công văn này giống nhau, đều có nội dung khẳng định: đối với trường hợp AVA, TTP các doanh nghiệp kiểm toán được tiếp tục thực hiện các hợp đồng kiểm toán kiểm toán BCTC năm đối với các hợp đồng đã ký nếu đạt được 2 điều kiện.

Cụ thể, 2 điều kiện nêu trên bao gồm: đã thực hiện soát xét BCTC bán niên cho doanh nghiệp và doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc phải soát xét BCTC bán niên; phải phát hành báo cáo kiểm toán về BCTC trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính của đơn vị.

Căn cứ pháp lý được Cục đưa ra là theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 84/2016/NĐ-CP về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.

Nếu căn theo hướng dẫn này, Nghị quyết HĐQT của Công ty cổ phần T.. cũng chưa phù hợp do Công ty kiểm toán TTP không được ký mới, chỉ cho phép thực hiện tiếp các hợp đồng đã ký với các điều kiện mà văn bản hướng dẫn nêu. Nhưng, còn một bài toán nữa đặt ra: Rủi ro cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán rất nhiều nếu để một công ty kiểm toán bị đình chỉ thực hiện kiểm toán tiếp cho doanh nghiệp niêm yết. Vậy, hướng dẫn của Cục Quản lý Giám sát Kế toán, Kiểm toán chiểu theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 84/2016/NĐ-CP liệu có hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành khi mà thông tư 183 ra đời từ năm 2013 và đến nay vẫn còn hiệu lực đã nghiêm khắc chặn các công ty kiểm toán bị đình chỉ?

Xem tiếp Kỳ 2: Công ty kiểm toán bị đình chỉ có được kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết?

>>Vụ Trịnh Văn Quyết: Bất ngờ công ty kiểm toán cho Faros cũng kiểm toán vụ Tân Hoàng Minh

Xem thêm tại nguoiquansat.vn