Lật mở việc ‘hô biến’ quỹ đất 20% tại KĐT mới Trung Văn thành biệt thự, chung cư

Theo nguồn tin của PV V, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có văn bản gửi CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội (Hancic) về việc thực hiện báo cáo kết quả kiểm tra, chỉ đạo xử lý sau kiểm tra đối với công ty này, thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới (KĐTM) Trung Văn.

Theo đó, cơ quan chức năng Hà Nội yêu cầu Công ty Hancic phải chấp hành nghiêm các nội dung tại báo cáo kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành sau thanh tra như: Thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính tiền sử dụng đất (nếu có); triển khai xây dựng các ô quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật bàn giao đưa vào sử dụng;...

"Trong quá trình thực hiện những thủ tục pháp lý liên quan dự án nếu xác định CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội không thực hiện đúng theo nội dung, yêu cầu quy định thì kịp thời xử lý...", văn bản nêu rõ.

Ngày 11/10, trao đổi với PV, ông Vũ Mạnh Quyền, Tổng giám đốc Công ty Hancic, chỉ cho biết ngắn gọn là doanh nghiệp thực hiện theo chỉ đạo của các sở ngành và không thông tin thêm về các nội dung cụ thể.

Trong khi đó, theo nguồn tin riêng của PV, tới thời điểm này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chưa nhận được báo cáo của chủ đầu tư về việc xử lý sau kiểm tra nói trên.

Theo tìm hiểu, trước đó tháng 11/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành đã có báo cáo về việc kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội, quản lý, sử dụng đất tại phường Trung Văn, quận nam Từ Liêm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng KĐTM Trung Văn.

Dự án KĐTM Trung Văn do CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội - Hancic (trước đây là Công ty Đầu tư Xây dựng Hà Nội) được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần làm chủ đầu tư.

Cuối năm 2004, UBND TP Hà Nội có quyết định cho Công ty Hancic chuyển mục đích sử dụng gần 12ha đất để đầu tư xây dựng KĐTM Trung Văn.

Theo quy hoạch ban đầu được duyệt, dự án được quy hoạch gồm đất hỗn hợp; khu nhà cao tầng (trong đó lô CT3 với diện tích 9.386m2 thuộc quỹ đất 20% phải bàn giao lại cho TP); khu nhà ở biệt thự ký hiệu BT1, BT2 (trong đó lô BT1 với diện tích 6.925,7m2 là quỹ đất 20% để làm nhà ở công vụ của TP); khu nhà vườn; bãi xe; trường học; nhà trẻ; đất công cộng; đất cây xanh kỹ thuật; cây xanh thể thao…

Liên quan đến quỹ đất 20%, theo quyết định 123/2001/QĐ-UB ngày 6/12/2001 của UBND TP Hà Nội quy định, chủ đầu tư các dự án khu nhà ở, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất ở (hoặc 30% quỹ nhà ở) để bổ sung vào quỹ nhà ở của thành phố (không hoàn trả tiền đầu tư hạ tầng).

W-kdt-trung-van-hancic-vietnamnet-1-1.jpg
Lô đất ký hiệu BT1 thuộc quỹ đất 20% ở KĐTM Trung Văn được biến thành khu nhà ở biệt thự để bán. (Ảnh: Hồng Khanh)

Thế nhưng, quỹ đất 20% tại nhiều dự án nhà ở, khu đô thị được thành phố cho phép cơ chế nộp tiền. Thậm chí, một số dự án không phải trích nộp, hoặc quỹ đất 20% được giao lại để xây dựng nhà thương mại để bán.

Tại dự án KĐTM Trung Văn, quỹ đất 20% của dự án đã biến thành khu biệt thự, chung cư để bán. Thậm chí, đất xây dựng nhà tái định cư cũng biến thành nhà cao tầng để kinh doanh.

Cụ thể, ngày 8/7/2009, UBND TP Hà Nội có quyết định 3375 cho Công ty Hancic sử dụng 6.926m2 đất (ký hiệu lô BT1) thuộc quỹ đất 20% của dự án KĐTM Trung Văn để thực hiện dự án xây dựng nhà ở biệt thự để bán.

Ghi nhận tại lô đất BT1 vốn là quỹ đất 20%, hiện chủ đầu tư đã xây dựng khu nhà ở biệt thự để bán và bàn giao cho các hộ dân về ở. Khảo sát giá biệt thự tại đây hiện được rao bán từ 150-180 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Hơn 2 tháng sau, đến ngày 23/9/2009, UBND TP tiếp tục có quyết định 4920 cho phép Công ty Hancic sử dụng 9.386m2 tại lô đất CT3 cũng thuộc quỹ đất 20% để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư cao tầng.

kdt-trung-van-hancic-vietnamnet-2-1.jpg
Khu chung cư thương mại cao tầng để bán “mọc lên” trên lô đất CT3 tại KĐTM Trung Văn thuộc quỹ đất 20% phải bàn giao lại cho TP Hà Nội. (Ảnh: Hồng Khanh)

Trong đó, có 1.628m2 xây dựng nhà chung cư cao tầng bán kinh doanh; 756m2 đất làm khu thương mại dịch vụ; 7.002m2 đất được sử dụng dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất (786m2 đất để xây dựng nhà ở tái định cư, 768m2 để xây dựng trụ sở UBND phường và công an phường, 5.448m2 đất để làm hạ tầng kỹ thuật, vỉa hè sử dụng chung).

Tháng 4/2010, UBND TP Hà Nội tiếp tục có quyết định điều chỉnh nội dung tại quyết định 4920. Theo đó, điều chỉnh diện tích 786m2 đất từ xây dựng nhà ở tái định cư sang xây dựng nhà chung cư cao tầng để bán, kinh doanh.

Giao lại quỹ đất 20% để chủ đầu tư xây nhà bán là trái luật

Trước đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phát hiện nhiều sai phạm về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo quyết định 123 của UBND TP Hà Nội, giai đoạn từ năm 2002-2014.

Kết luận của TTCP năm 2017 chỉ ra rằng, phần lớn các dự án được TP cho phép cơ chế nộp tiền. Tại một số dự án, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định về nghĩa vụ trích nộp quỹ nhà ở, quỹ đất ở còn thiếu. Thậm chí một số dự án không phải trích nộp, hoặc quỹ đất 20% được giao lại để xây dựng nhà bán, gây nên sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

“Thực chất quỹ đất 20% trích lại cho TP là quỹ đất sạch, theo quy định Luật Đất đai và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải đấu giá quyền sử dụng đất nhưng TP đã giao lại cho chủ đầu tư hoặc giao cho chủ đầu tư khác, để xây nhà bán kinh doanh là trái quy định pháp luật”, TTCP nêu rõ.

Có thể khẳng định một chủ trương, một quyết định đúng đắn, nhằm điều tiết lợi ích từ nhà đầu tư sang một phần cho Nhà nước để hình thành quỹ nhà ở, quỹ đất ở của TP phục vụ các yêu cầu chung. Nhưng việc tổ chức thực hiện đã để xảy ra nhiều sai phạm, dấu hiệu cơ chế xin – cho. Việc sử dụng nguồn lực đã không tuân thủ quy định pháp luật, giải quyết tuỳ tiện – Thanh tra Chính phủ

Xem thêm tại nguoiquansat.vn