Loạt doanh nghiệp ‘tay ngang’ đầu tư chứng khoán lời lỗ ra sao?

Empty

Tính đến cuối năm 2023, nhiều công ty "tay ngang" đã bán hết hoặc giảm đáng kể tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ. Ảnh: Trọng Hiếu.

Chốt năm 2023, VN-Index ghi nhận mức hiệu suất 12,2% (so với số đầu năm), cao hơn đáng kể so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines. Bất chấp thị trường chứng khoán có những nhịp tăng điểm ấn tượng, nhiều doanh nghiệp “tay ngang” gây bất ngờ với danh mục thua lỗ, thậm chí một số đơn vị đã mạnh tay bán hết danh mục, hoặc giảm đáng kể tỷ trọng chứng khoán kinh doanh.

Cái tên đầu tiên phải kể đến là CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (HoSE: TDH). Trong năm 2023, doanh thu thuần TDH đạt gần 116 tỷ đồng, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm trước; lỗ ròng hơn 48,3 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi hơn 8,1 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2023, doanh nghiệp này "kẹp" nặng với danh mục chứng khoán kinh doanh. Khoản đầu tư này có giá trị hơn 31 tỷ đồng, nhưng đang phải trích lập dự phòng giảm giá hơn 27,2 tỷ đồng, tương đương mức tạm lỗ đến hơn 87%.

Danh mục của TDH chủ yếu gồm 2,16 triệu cổ phiếu PPI của CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ Tầng Thái Bình Dương và 140.942 cổ phiếu SC5 của CTCP Xây dựng số 5 trong khi số lượng cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín nắm giữ không đáng kể. TDH đầu tư vào PPI từ rất lâu và có thời điểm còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp này. TDH từng nhiều lần muốn thoái hết vốn khỏi PPI nhưng đều không thành.

"Nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) tại ngày 31/12/2023 nắm 181,2 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, gồm: cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long (giá gốc 96,3 tỷ đồng), mã DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (60,3 tỷ đồng), KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (19,1 tỷ đồng)…

Tất cả các khoản đầu tư cổ phiếu của VHC tính đến cuối kỳ BCTC quý IV/2023 đều ghi nhận lỗ, trong đó NLG (-13%) và DXS (-42%) là 2 mã âm nặng nhất.  

Dù hoạt động chính ở lĩnh vực thiết bị trường học, song CTCP Sách và Thiết bị trường học Long An (HNX: LBE)lại được biết đến nhiều với cuộc "phiêu lưu" đầu tư cổ phiếu.

Tính đến cuối năm 2023, khoản mục chứng khoán kinh doanh của LBE có giá trị hợp lý hơn 5,8 tỷ đồng, tương đương mức lãi gần 5,2%. Cơ cấu danh mục của LBE có sự thay đổi, nếu hồi đầu năm tập trung ở CTCP Sông Đà 505 (giá gốc 5,8 tỷ đồng), thì đến cuối năm là các mã QTC của CTCP Công trình Giao thông Vận tải Quảng Nam (1,66 tỷ đồng), VDL của CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (3,6 tỷ đồng).

Một doanh nghiệp "tay ngang" đầu tư chứng khoán khác là CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN). Tại thời điểm cuối năm 2023 (theo BCTC riêng), giá trị chứng khoán kinh doanh NDN đạt hơn 433,5 tỷ đồng, tăng gần 39,6% so với số đầu năm. Danh mục cổ phiếu công ty tập trung vào các mã DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (90 tỷ đồng), HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (72,8 tỷ đồng), STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (78 tỷ đồng), MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (35,1 tỷ đồng) và QND của CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (8,7 tỷ đồng)…

Tính đến cuối năm 2023, danh mục của NDN tạm lãi hơn 4,1%, chủ yếu nhờ mã DGC (lãi 14,4%) và HPG (lãi 57%).

Ngoài những doanh nghiệp trên, khảo sát của Nhadautu.vn cho thấy nhiều công ty đã thực hiện giảm mạnh tỷ trọng hoặc bán hết cổ phiếu.

Cụ thể, CTCP Sam Holdings (HoSE: SAM) tại ngày 31/12/2023 nắm hơn 29,6 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, giảm mạnh so với số đầu năm là gần 208,5 tỷ đồng. Danh mục cổ phiếu của SAM gồm DNP của CTCP Nhựa Đồng Nai (22,3 tỷ đồng), ALP của CTCP Alphanam (7,24 tỷ đồng)…Trong kỳ, SAM đã bán hết cổ phiếu HPG, MBB, SSI và cổ phiếu của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị Sông Đà. 

Bên cạnh đó, còn có CTCP Hóa An (HoSE: DHA) được biết đến đã thực hiện đầu tư vào cổ phiếu HPG từ thời điểm cuối năm 2021 - giai đoạn mã này trên đỉnh. DHA sau đó đã liên tục thực hiện trung bình giá xuống HPG.  

Sau gần 2 năm miệt mài mua vào cổ phiếu, danh mục đầu tư chứng khoán của DHA tại thời điểm 31/12/2023 đã không còn xuất hiện HPG.

Hồi đầu năm 2023, DHA nắm 2,64 triệu cổ phiếu HPG, tương đương giá gốc hơn 80,3 tỷ đồng. Từ khoản trích lập gần 36 tỷ đồng cho toàn bộ danh mục đầu kỳ, DHA vào cuối năm 2023 chỉ còn trích lập dự phòng hơn 2,5 tỷ đồng.

Đồng thời với bán mạnh cổ phiếu, DHA cũng nâng lượng tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng lên 181 tỷ đồng, chiếm đến gần 40% tổng tài sản. Ngoài ra, công ty còn nắm hơn 116,1 tỷ đồng gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng.

Tương tự DHA, CTCP Thép Tiến Lên (HoSE: TLH)vào cuối năm 2023 cũng giảm mạnh chứng khoán kinh doanh. Theo đó, tại ngày 31/12/2023, khoản mục này của TLH giảm xuống 3,06 tỷ đồng từ mức 105,6 tỷ đồng. TLH đã bán hết các cổ phiếu trong danh mục như mã IJC của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật; mã SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội; và VIX của CTCP Chứng khoán VIX. BCTC ghi nhận TLH trong kỳ lỗ hơn 12 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán.  

Cuối năm 2023, TLH vẫn còn nắm hơn 3 tỷ đồng giá gốc chứng khoán kinh doanh, giá trị hợp lý 1,805 tỷ đồng, tương đương mức dự phòng 1,22 tỷ đồng, song công ty không công bố cụ thể danh mục cổ phiếu.

Cùng với việc giảm mạnh tỷ trọng cổ phiếu, lượng tiền mặt của TLH cũng tăng mạnh. Tại ngày 31/12/2023, TLH nắm 41 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn 6 – 12 tháng với lãi suất từ 6 – 9%/năm (tăng hơn 5% so với số đầu kỳ); tiền và tương đương tiền cũng tăng 137% từ 113,8 tỷ đồng lên 270 tỷ đồng.  

Xem thêm tại nhadautu.vn