Lợi nhuận ngành thép quý III/2024 giảm sâu, mừng lo sản lượng tiêu thụ tháng 10
Ngành thép Việt Nam: Tín hiệu phục hồi xen lẫn thách thức
Quý II và III/2024 đánh dấu giai đoạn chuyển mình rõ rệt của ngành thép Việt Nam, phản ánh sự phục hồi từ mức nền thấp của năm trước. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận cải thiện về sản lượng tiêu thụ, doanh thu và biên lợi nhuận, đặc biệt nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm và việc giải phóng hàng tồn kho giá thấp.
Hòa Phát sắp trở thành nhà sản xuất HRC số 1 Việt Nam khi nhà máy Dung Quất 2 đi vào hoạt động |
Theo báo cáo từ ABS Research, tổng lợi nhuận sau thuế toàn ngành trong quý II đạt 5.123 tỷ đồng, tăng 44% so với quý I và tăng tới 444% so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành thép đang dần lấy lại vị thế sau giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, sự phục hồi không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Trong khi các tên tuổi lớn như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG) ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, nhiều công ty quy mô nhỏ hơn vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất, đối mặt với chi phí vận hành cao và áp lực cạnh tranh gia tăng.
Đến quý III/2024, tổng lợi nhuận toàn ngành đạt gần 3.100 tỷ đồng, giảm 36,6% so với quý II nhưng vẫn tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Hòa Phát tiếp tục là đầu tàu của ngành khi báo lãi 3.022 tỷ đồng, trong khi Hoa Sen chịu lỗ 186 tỷ đồng, phản ánh sự phân hóa rõ nét trong hiệu quả hoạt động.
Sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước phần nào cho thấy sự phục hồi của nhu cầu thép tại một số thị trường và những nỗ lực tái cấu trúc của các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, mức sụt giảm lợi nhuận so với quý II cũng cho thấy các thách thức ngắn hạn vẫn hiện hữu. Biến động giá nguyên liệu đầu vào, sức ép cạnh tranh trong nước và quốc tế, cùng nhu cầu thị trường không ổn định là những yếu tố cản trở.
Tiêu thụ nội địa tăng mạnh, xuất khẩu gặp khó
Số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm tháng 10/2024 đạt gần 2,74 triệu tấn, tăng 9,4% so với tháng trước và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, chủ yếu đến từ thép xây dựng, ống thép và tôn mạ kim loại.
Riêng thép xây dựng đạt hơn 1,25 triệu tấn tiêu thụ, tăng lần lượt gần 34% so với tháng trước và 44% so với cùng kỳ năm 2023, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Trong khi tiêu thụ nội địa phục hồi mạnh, kênh xuất khẩu lại ghi nhận sự suy giảm.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) báo cáo sản lượng tiêu thụ gần 804 nghìn tấn, tăng 14% so với tháng trước và 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ nội địa tăng mạnh 44,3%, trong khi xuất khẩu giảm 33% so với cùng kỳ. Theo Chứng khoán Maybank, đà tăng trưởng nội địa của HPG sẽ tiếp tục nhờ vào mùa cao điểm xây dựng cuối năm. Ngoài ra, Hòa Phát kỳ vọng hưởng lợi từ việc Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ giúp gia tăng thị phần HRC trong nước.
Sản lượng tiêu thụ của Hoà Phát trong tháng 10/2024 (Nguồn: VSA, Chứng khoán Maybank) |
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ghi nhận sản lượng bán hàng hơn 180 nghìn tấn, tăng 3,2% so với tháng trước và 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm tôn mạ chiếm hơn 77% tổng sản lượng, với tiêu thụ nội địa tăng 57%, bù đắp cho mức giảm 16% ở kênh xuất khẩu.
CTCP Thép Nam Kim (NKG) cũng đạt kết quả tích cực với sản lượng tiêu thụ 92.830 tấn, tăng 27,3% so với tháng trước và 37% so với cùng kỳ. Đặc biệt, kênh xuất khẩu của Nam Kim đi ngược xu hướng chung, tăng 13,3% so với tháng trước và 12,7% so với cùng kỳ.
Theo Chứng khoán Maybank, nhu cầu tôn mạ trong nước tiếp tục phục hồi vững chắc và dự báo tăng tốc trong các tháng cuối năm nhờ hoạt động xây dựng bước vào giai đoạn cao điểm. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu vẫn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp thép.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn