Lợi nhuận nhà băng kỳ vọng cải thiện

Kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn

Theo Báo cáo thường niên năm 2023 của VIB, năm nay, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 12.045 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện trong năm ngoái. Các chỉ tiêu tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn dự kiến đều tăng trưởng 20 - 21%, tương ứng đạt 492.000 tỷ đồng, 320.600 tỷ đồng và 315.200 tỷ đồng. Mục tiêu nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

ACB vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 4/4 tới, với kế hoạch lợi nhuận đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Nhà băng này đặt mục tiêu tăng trưởng cho vay khách hàng là 14%, đạt 555.866 tỷ đồng. ACB cho biết, đây là mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời phù hợp với mức được giao. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2% (con số này cuối năm 2023 là 1,21%).

Trước đó, kết thúc năm 2023, vượt qua những khó khăn của thị trường, ACB hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh đề ra, với lợi nhuận vượt 20.000 tỷ đồng, nợ xấu hơn 1%.

Vietcombank, “quán quân” lợi nhuận của ngành trong hai năm gần đây, đặt mục tiêu lợi nhuận đạt hơn 44.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2023. Các chỉ tiêu cơ bản khác của Ngân hàng là: tổng tài sản đến cuối năm tăng hơn 8%; tăng trưởng tín dụng trên 12%; nợ xấu dự kiến dưới 1,5%. Năm nay, nhà băng này được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn trung bình ngành (dự kiến 15%).

Tại MB, lợi nhuận năm 2023 đạt 28.800 tỷ đồng, vượt con số 1 tỷ USD. Ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận năm nay sẽ tăng trưởng 10% so với năm ngoái.

Trong khi đó, tại HDBank, Tổng giám đốc Phạm Quốc Thanh cho biết, kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ tăng trên 20% so với năm trước. Tín dụng năm nay được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 20%, phù hợp với chỉ tiêu NHNN giao và HDBank cũng tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém nên kỳ vọng tăng thêm room. NIM được dự báo sẽ ổn định trong khoảng 5 - 5,2% nhờ lãi suất cho vay giảm mạnh, trong khi tăng trưởng tín dụng dần hồi phục.

Năm nay, Eximbank dự kiến trình cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 5.180 tỷ đồng, tăng trưởng 90,4%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao này được so sánh trên mức nền thấp của năm ngoái, với lãi trước thuế 2.720 tỷ đồng, chỉ thực hiện được 55% kế hoạch. Mục tiêu dư nợ tín dụng của Ngân hàng trong năm đạt tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,8%.

Sau khi niêm yết trên sàn HOSE, Nam A Bank dự kiến trình đại hội cổ đông (diễn ra vào ngày 29/3) kế hoạch lợi nhuận năm 2024, với 4.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2023. Năm qua, Ngân hàng báo lãi trước thuế 3.304 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022.

Bà Phạm Liên Hà, Giám đốc Nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính HSC nhận định, môi trường hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024 có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2023. Cụ thể, thanh khoản hệ thống dồi dào nên mặt bằng lãi suất duy trì thấp, kinh tế dần hồi phục và chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng, tỷ giá được kiểm soát phù hợp... Ngoài ra, còn có một số chính sách hỗ trợ như Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhiều khả năng sẽ được kéo dài.

Song khó đột biến

Chủ tịch MB, ông Lưu Trung Thái cho biết, năm nay, Ngân hàng được phân bổ room tín dụng 16% và dự kiến dư nợ cuối kỳ là 360.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, MB kỳ vọng với việc tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, Ngân hàng sẽ được phân bổ room tín dụng cao hơn mức trên. Hiện Ngân hàng đã hoàn tất thủ tục trình Chính phủ về việc nhận sáp nhập Oceanbank và đang chờ phê duyệt cuối cùng của NHNN. Ông Thái kỳ vọng, “trong năm 2024, dự án này sẽ được hoàn thành”.

Theo Chủ tịch MB, cơ sở để Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 10% trong năm nay là: Động lực thứ nhất là bán lẻ, hiện MB có hơn 26 triệu khách hàng, dự kiến năm 2024 sẽ đạt 30 triệu. Số dư nợ bán lẻ (khách hàng SME, cá nhân…) chiếm 51% trong tổng dư nợ của MB. CASA của MB đang tăng trưởng khá tốt sau khi đạt được mức tăng trưởng 40,1% năm 2023. Động lực thứ 2 là chuyển đổi số. Động lực tăng trưởng thứ 3 là hợp lực Tập đoàn. Hiện hệ sinh thái MB có đầy đủ các dịch vụ tài chính, từ chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm…, tạo ra động lực nội sinh đầy đủ và lớn nhất.

Hội đồng quản trị ACB cũng nhận định, năm 2024, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh, song nhờ các giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trên nhiều thị trường như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp..., nền kinh tế trong nước có thể phục hồi. ACB kỳ vọng khả năng sớm phục hồi sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của các hộ gia đình, từ đó cầu tín dụng sẽ tăng, nhất là được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp.

ACB cũng kỳ vọng nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng sẽ tăng mạnh, từ nhu cầu liên quan đến cá nhân, xuất nhập khẩu, bảo lãnh, thẻ hay dịch vụ khác. Nếu như dịch vụ năm 2023 suy yếu thì kỳ vọng 2024 trên nền thấp đó sẽ đạt tăng trưởng 30 - 40%. Tuy nhiên, bài toán khó nhất với nền kinh tế và ngành ngân hàng là nợ xấu. Hiện tại, xử lý các ngân hàng yếu kém không dễ dàng, nợ xấu đã đạt đỉnh hay chưa thì không ai có thể trả lời và đây là yếu tố tiềm ẩn rủi ro.

Số liệu NHNN đưa ra cho thấy, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietinbank cho rằng, tín dụng tăng chậm trong tháng đầu năm do bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, sức mua chậm, thị trường bất động sản trầm lắng.

Hiện Vietinbank mới đưa ra một số chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm nay như tổng tài sản tăng từ 5 - 10%; tín dụng tăng theo hạn mức NHNN giao (khoảng hơn 14%); huy động tăng trưởng phù hợp với tín dụng bảo đảm các chỉ số an toàn về thanh khoản; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%. Còn chỉ tiêu lợi nhuận chưa được hé lộ.

BIDV cũng mới đưa ra một số chỉ tiêu cho năm 2024: dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng NHNN giao, dự kiến tăng 14%; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức bằng hay thấp hơn 1,4%... Riêng chỉ tiêu lợi nhuận vẫn còn bỏ ngỏ, trong khi năm qua báo lãi trước thuế hợp nhất trên 27.400 tỷ đồng.

Tương tự, Agribank công bố lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 đạt khoảng 25.300 - 25.400 tỷ đồng, tăng từ 14,5 - 15% so với năm 2022, nhưng chưa thông tin kế hoạch 2024.

Cũng theo bà Phạm Liên Hà, ước tính tăng trưởng lợi nhuận của 14 ngân hàng đầu ngành sẽ đạt mức 20 - 21% trong năm nay, vượt trội so với mức 5,5% trong năm 2023. Tuy nhiên, bà Hà cũng lưu ý về rủi ro về chất lượng tài sản của ngành. Theo đó, nợ xấu toàn hệ thống cuối năm 2023 vẫn còn ở mức khá cao, khoảng 4,8 - 4,9%. Mặc dù quá nửa số nợ xấu này nằm ở các ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt, hay tái cơ cấu, nhưng tỷ lệ nợ xấu cao như vậy sẽ là điểm nghẽn của nền kinh tế nếu như không được xử lý. Nợ xấu của các ngân hàng đầu ngành, cụ thể hơn là của 14 ngân hàng nằm trong danh mục theo dõi của HSC ở mức 1,67% vào cuối năm 2023, chỉ tăng nhẹ so với mức 1,5% ở cuối năm 2022. Tuy nhiên, có được điều này là nhờ Thông tư 02 (ở thời điểm cuối năm 2023 thì tổng dư nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02 là 183.500 tỷ đồng, tương đương 1,35% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống). Nếu cộng tỷ lệ cơ cấu nợ là 1,35% vào tỷ lệ nợ xấu chung của toàn ngành, hay cộng vào tỷ lệ nợ xấu của 14 ngân hàng đầu ngành thì tỷ lệ nợ xấu thực tế tương đối cao.

Lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2024 được chuyên gia nhận định sẽ tăng trưởng, song khó có thể kỳ vọng đột biến. Đồng thời, lợi nhuận ngân hàng sẽ phân hóa mạnh, với những ngân hàng thuộc Top đầu. Ngược lại, những ngân hàng nhỏ hơn, đòi hỏi tập trung khắc phục rủi ro nợ xấu. Bởi lợi nhuận ngân hàng hiện đóng góp chủ yếu từ lãi thuần. Nếu tín dụng năm nay cải thiện và tăng trưởng ở mức 15%, lợi nhuận mới khả thi, ngược lại sẽ còn khó khăn, trong khi đó sức mua còn yếu, tín dụng giảm.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn