Lợi nhuận quý 1/2024 của nhiều ngân hàng tăng mạnh nhờ đâu?

Theo thống kê kết quả kinh doanh của 28 ngân hàng niêm yết, có tới 18 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dương, mặc dù có sự phân hoá mạnh khi có ngân hàng chỉ tăng nhẹ gần 0,3%, có ngân hàng lại tăng trưởng ở mức 2-3 con số. Trong đó, tăng mạnh nhất phải kể đến Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) khi lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 69,3 tỷ đồng, tăng 165% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 sẽ tăng trưởng khả quan hơn do có mức nền tăng trưởng khá thấp trong năm 2023. Tuy nhiên, ngân hàng tăng trưởng ở mức độ nào còn phụ thuộc vào năng lực tài chính, chất lượng tài sản, nguồn thu từ dịch vụ… hay hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng được phê duyệt.

Đà tăng mạnh của BVBank đến từ thu nhập của hoạt động kinh doanh cốt lõi (tăng 65% so với cùng kỳ, đạt 472 tỷ đồng), lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối (tăng trưởng 76% do doanh số mua bán ngoại tệ trong quý 1/2024 tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ). Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm nhẹ do tác động phần nào của bảo hiểm liên kết. Đây có thể nói là mức tăng trưởng “đột biến” của ngân hàng này bởi kết thúc năm 2023, lợi nhuận trước thuế của BVBank đạt 72 tỷ đồng, giảm 84% so với năm trước và thực hiện được 55% kế hoạch đề ra.

Đứng thứ 2 về mức tăng trưởng lợi nhuận là Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank) khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.886 tỷ đồng, tăng tới hơn 84% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng thu thuần từ các hoạt động kinh doanh, lãi thuần từ dịch vụ chiếm 18,29%, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mảng kinh doanh ngoại hối chiếm 3,31%. LPBank lý giải, kết quả kinh doanh quý 1 tăng trưởng là nhờ ngân hàng đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chú trọng thúc đẩy bán chéo các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt phải kể đến sản phẩm kinh doanh ngoại tệ, kiều hối, xuất nhập khẩu…

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.182 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế của quý 1 đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý 4/2023, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ.

Trong chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) mới đây, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, sự tham gia hỗ trợ của cổ đông chiến lược là Ngân hàng SMBC từ Nhật Bản sẽ giúp VPBank phát triển thành ngân hàng đa năng, không chỉ là khách hàng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn chú trọng khách hàng doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý tại ngân hàng này là tình hình nợ xấu vẫn ở mức cao, nên ông Dũng cho biết, VPBank đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3% trong năm 2024. Dự kiến năm 2024, VPBank sẽ trích lập 13.500 tỷ đồng dự phòng rủi ro (tăng 1.000 tỷ đồng so với năm trước), thu hồi từ các khoản nợ xấu 3.000 tỷ đồng. Qua đó kỳ vọng nợ xấu giảm dần trong 6 tháng cuối năm và phục hồi tốt từ năm 2025.

Với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lợi nhuận trước thuế quý 1/2024 đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng 32%, tăng trưởng tín dụng tiếp tục cao hơn thị trường, biên lãi thuần (NIM) cải thiện, và số dư CASA tiếp tục tăng khoảng 2% từ đầu năm, trên mức nền cao tại cuối năm 2023.

Theo ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, năm 2024, ngân hàng đã cụ thể hoá mục tiêu tăng trưởng bằng các dự án đầu tư cho nền tảng công nghệ, nhờ đó số lượng nhân viên không thay đổi nhưng giá trị tạo ra tăng lên, chi phí hoạt động giảm đáng kể. Ngoài ra, Techcombank cũng cố gắng đa dạng hoá danh mục tín dụng, tập trung vào khách hàng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Hiện Techcombank đặt ra 4 trụ cột chính trong chiến lược phát triển là CASA 55%, vốn hoá 20 tỷ USD, thu nhập từ phí chiếm 30% tổng thu nhập, lợi nhuận trên vốn chủ sơ hữu (ROE) là 20%.

Nhiều chuyên gia nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng trong cả năm 2024 khả quan hơn do nhiều yếu tố như nền kinh tế phục hồi tốt hơn giúp tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 14-15% - mức cao hơn so với năm 2023 cũng như doanh thu từ các hoạt động khác tốt hơn; NIM được cải thiện… Những ngân hàng có chi phí vốn thấp, ưu thế về CASA sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh.

Tuy vậy, áp lực nợ xấu gia tăng sẽ khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro làm ảnh hưởng đến lợi nhuận thu về. Bên cạnh đó, nhiều nguồn thu dịch vụ đóng góp lớn vào lợi nhuận trong giai đoạn trước như bán chéo bảo hiểm, thu nợ ngoại bảng… chưa thể phục hồi nhanh. Vấn đề này đã được thể hiện tại kết quả kinh doanh quý 1 của không ít ngân hàng. Nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng âm như ABBank (giảm 71%), Vietbank (giảm 63%), SaigonBank (giảm 35%), PGBank (giảm 24%), MB (giảm 11%), Vietcombank (giảm 4,5%)...

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn