Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2024 của PAN tăng gần 58%

Chiều ngày 26/4, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Số 11 Lê Hồng Phong, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn PAN (Mã PAN - HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

KẾ HOẠCH LỢI NHUẬN CAO KỶ LỤC, CỔ TỨC 5%

Tại đại hội, ban lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá, năm 2024 tiếp tục là một năm nhiều thử thách cho hoạt động sản xuất kinh doanh khi các điều kiện kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, tín dụng tiếp tục có những biến động khó lường và có ảnh hưởng bất lợi tới mở rộng sản xuất kinh doanh. Lạm phát và lãi suất ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU vẫn ở mức cao do vậy nhu cầu tiêu dùng và đơn đặt hàng từ thị trường này chưa hồi phục rõ nét.

Trong khi đó, thị trường nội địa cũng mới đang bước vào giai đoạn phục hồi sau hai năm 2022, 2023 nhiều khó khăn.

Vì vậy, kế hoạch kinh doanh của từng công ty cũng như hợp nhất cho năm 2024 được xây dựng với kịch bản có sự thận trọng nhất định: Doanh thu hợp nhất 14.780 tỷ đồng tăng 12% và lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng ở mức tương ứng 10% đạt 882 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp trong lịch sử. 

Trong kịch bản tích cực hơn, kỳ vọng cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa sẽ có những bước hồi phục mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024 và có thể mang tới tăng trưởng cao hơn dự kiến cho các mảng kinh doanh của PAN. 

Bà Nguyễn Thị Trà My - thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc chia sẻ: “Tròn hai tuần nữa tôi tròn 6 năm làm tổng giám đốc PAN Group. 6 năm trước, cổ đông PAN chưa đến 1.500, giờ đã tăng hơn 11 lần. Doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng gấp 3,3 lần và hơn 4 lần trong cũng thời điểm. Đây là nỗ lực của gần 11.000 cán bộ nhân viên PAN Group. Chúng tôi tin sẽ vượt qua khó khăn. Khó khăn là người bạn đời, sự đoàn kết sẽ giúp chúng ta vượt qua và khẳng định dấu ấn”.

Tiết lộ kết quả kinh doanh quý 1, theo bà My, doanh thu hợp nhất đạt 3.462 tỷ tăng 36,7%, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 168,6 tỷ tăng 57,7%; Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 83,6 tỷ tăng 108,8%. Năm nay PAN dự kiến trả cổ tức tiền mặt 5%.

"Đây chưa phải là mức cổ tức cao nhưng là nỗ lực của tập đoàn đảm bảo lợi nhuận cho cổ đông. Mục tiêu duy trì chính sách cổ tức tiền mặt và tăng tỷ lệ qua từng năm", bà My nói.

Kế hoạch kinh doanh của PAN. 
Kế hoạch kinh doanh của PAN. 

ĐÁNH GIÁ RỦI RO TÍN DỤNG PHẢI NHÌN VÀO KẾT QUẢ KINH DOANH

Tại đại hội, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng trả lời nhiều câu hỏi của cổ đông. Một cổ đông đặt câu hỏi: Sắp tới PAN đập trung định hướng mảng nào vì PAN sở hữu nhiều công ty con, nhiều lĩnh vực?

Chủ tịch PAN ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh: PAN không bỏ mảng nào, sẽ tiếp tục tập trung vào 3 mảng chính nông nghiệp - thủy sản - thực phẩm đóng gói.

Tập đoàn xác định đây là 3 mục tiêu quan trọng nhất để xây dựng, tận dụng cơ hội biến nông nghiệp thực phẩm trở thành mũi nhọn, vươn tầm ra thị trường quốc tế. Tập đoàn cũng đã làm tất cả mọi việc để hỗ trợ mảng kinh doanh, không dẫm chân vào các công ty thành viên bên dưới. Mỗi thành viên dưới lại có chiến lược riêng để phù hợp ngành nghề của mình.

"Năm ngoái nói chuyện về dòng tiền, lợi nhuận, căng thẳng cổ tức nhưng năm nay có cổ tức thậm chí có thể cao hơn nhưng chúng ta bắt đầu bằng 5% và ổn định ở mức 5%", ông Hưng nói. 

Cổ đông bày tỏ lo ngại về chi phí lãi vay trong đó lãi vay ngắn hạn tương đối lớn. Ban lãnh đạo có phương án nào về cấu phần chi phí lãi vay của doanh nghiệp? Bà Nguyễn Thị Trà My cho biết Tập đoàn vừa làm việc với ngân hàng quốc tế về câu chuyện tài chính và tự tin rằng sắp hái quả ngọt.

Nhấn mạnh thêm, ông Hưng cho rằng đánh giá rủi ro trong tín dụng phải nhìn vào kết quả kinh doanh. Định mức tín nhiệm tài chính cao như PAN vẫn đảm bảo lợi nhận, dòng tiền cover được tất cả thì đó mới là đo được sức khỏe. Nhìn vào khoản vay thì phải nhìn đầu ra khoản vay, hiệu quả của khoản đầu tư đó. Hệ thống phát triển bền vững kiểm soát rủi ro tốt, tình hình tài chính cũng như tín dụng của PAN lành mạnh.

Tổng giám đốc cũng đã đưa ra cơ hội tín dụng theo các kênh khác đó là thành quả của phát triển xanh, phát triển bền vững. Khi thay đổi cơ cấu tín dụng, hạ lãi suất thì hiệu quả tăng hơn rất nhiều. 

Về các mảng kinh doanh, cụ thể là mảng tôm, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Sao Ta (Mã FMC) cho biết ngành tôm Việt Nam tại Mỹ đang chịu nhiều khó khăn trong đó có vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam nhưng với FMC thì Nhật Bản mới là thị trường lớn nhất với mức tiêu thụ trên 45%. 

Kinh tế Mỹ đi xuống ảnh hưởng đến sức cầu, bên cạnh đó ngành tôm Việt Nam còn đang chịu khó khăn trước vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Trong đó, vụ kiện chống bán phá giá hiện thuế về 0% còn chống trợ cấp là 2.84% và mức thuế cuối cùng có thể công bố vào tháng 8, 9 tới.

Với những công ty muốn xuất khẩu sang Mỹ cần có hạch toán chi phí dự phòng khoảng 7-8%. Nếu thời điểm tháng 8, 9 ngành tôm Việt Nam không bị áp thuế, khoản đó sẽ đưa vào lợi nhuận. Đây không phải là vấn đề quá lớn để lo lắng vì PAN tập trung ở Nhật Bản. Ở Mỹ, Sao Ta sẽ tập trung vào sản phẩm không bị ảnh hưởng bởi hai vụ kiện này. Do đó, đây không phải là vấn đề lớn đối với PAN. Trong thời gian chờ thuế cuối cùng, các doanh nghiệp khác có thể hạn chế xuất khẩu sang đây vì ngại rủi ro.

Công ty CP Tập đoàn PAN (Mã PAN - HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
Công ty CP Tập đoàn PAN (Mã PAN - HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Với mảng bánh kẹo, lãnh đạo Bibica chia sẻ, thị trường Mỹ không phải trọng điểm xuất khẩu mặt hàng bánh kẹo. Nhật Bản và Hàn Quốc mới là trọng tâm. Với ngành bánh kẹo, tỷ trọng xuất khẩu tăng mạnh trong năm 2023. Cả thế giới vẫn tiếp tục ăn bánh kẹo.

Điều kiện thuận lợi lớn nhất của chúng ta là có thị trường nội địa 100 triệu dân. Bibica có quy mô đủ lớn để vượt qua hàng rào chất lượng và có lợi thế cạnh tranh. Do đó dư địa xuất khẩu trong tương lai còn rất nhiều.

CAMPUCHIA ĐÀO KÊNH ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO?

Với lo lắng gần đây đồng bằng sông cửu Long thiếu nước, đối diện tình trạng xâm nhập mặn, Campuchia xây kênh đào khiến giảm 50% lưu lượng nước, doanh nghiệp đối phó thế nào?

Theo bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), hiện nay Việt Nam là một trong những nước chịu tác động ảnh hưởng biến động khí hậu nhiều nhất đặc biệt là đồng bằng sông cửu long như hạn hán, xâm nhập mặn. 

Việc biến đổi khi hậu chúng ta không chống lại được, các doanh nghiệp đã phải có những giải pháp xa hơn để sống thuận thiên. Chủ trương của doanh nghiệp là có giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu và thuận thiên.

Trong lĩnh vực của PAN, tác động lớn nhất trước mắt về lúa gạo bị hạn hán, năng suất, giá cả do xung đột chính trị... Chúng tôi chủ động xây dựng chiến lược doanh nghiệp, nhanh chóng chuyển mô hình kinh doanh chuyển sang cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, có loại giống thích hợp với xâm nhập mặn. Có bộ giống thích ứng với ngập lụt, chịu hạn, chịu mặn. Doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, tính trước biến đổi để có cơ cấu sản phẩm để sống thuận thiên.

Chính trong hoàn cảnh đó khó khăn là cơ hội cho doanh sản xuất nông nghiệp. PAN luôn nhìn xa trong tầm nhìn để có sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Về giá lương thực, Việt Nam mình sản xuất 24 triệu tấn gạo, xuất khẩu 30% còn 60% phục vụ cho 100 triệu dân nên giá mặt bằng trong nước bao giờ cũng cao hơn giá thế giới. Giá bán nội tiêu ST25 35.000 đồng/1kg nhưng xuất khẩu 27.000 đồng/kg. "Chúng tôi có chiến lược hoàn toàn khác, xây dựng thương hiệu và tập trung phân khúc cao cấp đón đầu xu thế nên tác động giá lương thực tăng chỉ có biên lợi nhuận bị ảnh hưởng thôi, kinh doanh trên thị trường giá cả tùy thuộc vào cung cầu", bà Liên nhấn mạnh. 

Xem thêm tại vneconomy.vn