Lùm xùm về Shark Thủy vừa bị bắt; gần 340 tỷ gửi ngân hàng bị 'bốc hơi'

Tiền gửi bị 'bốc hơi', ngân hàng phải chịu trách nhiệm

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Thị Hoài Anh - Giám đốc Ngân hàng MSB Chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội). Theo thông tin ban đầu, bà Bùi Thị Hoài Anh có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại là những người gửi tiền tại MSB, với tổng số tiền 338 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, hai trong số 8 nạn nhân vụ việc này - là bà Nguyễn Thị Lân và bà V.T.K.O. (cùng trú tại Hà Nội) cho biết, cả hai cùng được cán bộ MSB mời mở tài khoản tại MSB vào tháng 3/2021. Khách hàng không được quản lý tài khoản trên app điện thoại, không được cài tin nhắn thông báo số dư tài khoản qua điện thoại.

Sau khi mở tài khoản tại MSB, các bà Lân và bà O. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản và nhận giấy xác nhận có đóng dấu đỏ chữ ký của lãnh đạo ngân hàng. Đến đầu tháng 10/2023, số dư (theo xác nhận của ngân hàng) trong tài khoản của bà Lân là 58,65 tỷ đồng (tại ngày 7/10) và tài khoản bà O. là 27,7 tỷ đồng (tại ngày 5/10). Tuy nhiên, cùng trong ngày 12/10/2023, bà Lân và bà O. yêu cầu sao kê tài khoản, và cả hai phát hiện số tiền trong tài khoản của cả hai “bốc hơi” gần hết, chỉ còn dưới 100.000 đồng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết: “Việc khách hàng gửi tiền tại ngân hàng MSB bị mất tiền chứng tỏ hệ thống có lỗ hổng. Lỗ hổng này có thể là quy trình ngân hàng, có thể là việc thực hiện các quy định và quy trình nội bộ, cũng có thể là do đạo đức kinh doanh của cán bộ ngân hàng và cuối cùng là quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

Theo ông Hiếu, vụ việc này hoàn toàn lỗi trong hệ thống ngân hàng. “Cán bộ ngân hàng làm sai, phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm”- Ông Hiếu nói đồng thời cảnh báo người gửi tiền cần phải đăng kí dịch vụ sms theo dõi biến động số dư tài khoản mỗi khi có giao dịch.

Thủ tướng 'lệnh' hoàn thành 2 dự án cao tốc trước ngày 30/4

Sáng 29/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải - chủ trì họp phiên thứ 10.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, sau cuộc họp lần thứ 9, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã chủ động, tích cực, phối hợp triển khai tốt các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

"Triển khai các dự án trọng điểm GTVT có ý nghĩa rất lớn, trước hết là thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, nhân dân vui mừng, phấn khởi, góp phần giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện hiện nay, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương có dự án và cả nước theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các doanh nghiệp dự án, nhà thầu tập trung hoàn thiện các thủ tục, thi công "3 ca 4 kíp" bảo đảm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn đủ điều kiện yêu cầu kỹ thuật), Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4.

Công chức, viên chức sẽ bị cắt bỏ nhiều khoản phụ cấp từ 1/7

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7.

Nghị quyết 27 nêu, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.

Thay vào đó, nhà nước xây dựng chế độ tiền lương mới với cơ cấu như sau: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).

Lùm xùm về Shark Thủy vừa bị bắt; gần 340 tỷ gửi ngân hàng bị 'bốc hơi' ảnh 1
Từ 1/7, công chức, viên chức sẽ được áp dụng bảng lương mới (ảnh minh họa).

Như vậy, các khoản phụ cấp sẽ được sắp xếp lại, thay đổi nhiều so với chế độ phụ cấp hiện hành. Nguyên tắc đề ra là tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.

Cụ thể, những khoản phụ cấp bị cắt bỏ của công chức khi cải cách tiền lương bao gồm: Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Các doanh nghiệp của Shark Thủy nợ như 'chúa chổm'

Ngày 26/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) vừa khởi tố bắt tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Thủy (người thường được biết đến là Shark Thủy) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame cùng đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup.

Lùm xùm về Shark Thủy vừa bị bắt; gần 340 tỷ gửi ngân hàng bị 'bốc hơi' ảnh 2
Ông Nguyễn Ngọc Thủy.

Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup là công ty mẹ, là doanh nghiệp chủ chốt trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy, trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm. Các công ty con nổi bật của Egroup, gồm Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC) - đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia...

Từ năm 2022, chuỗi Anh ngữ Apax Leaders của ông Thủy liên tục vướng lùm xùm sau khi bị phụ huynh tố nhiều trung tâm Anh ngữ không hoàn trả học phí cho phụ huynh, đóng cửa không thông báo lý do…

Bảo hiểm xã hội TPHCM ghi nhận chi nhánh của Apax Leaders còn chậm đóng các bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là 31 tỷ đồng đối với người lao động Việt Nam và 1,3 tỷ đồng với người nước ngoài.

Bảo hiểm Xã hội Hà Nội công bố, tính đến cuối tháng 11/2023, hàng loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Shark Thuỷ đã nợ lên tới hơn 100 tỷ đồng.

EVN được điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần

Bộ Công Thương cho biết, ngày 26/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg.

Lùm xùm về Shark Thủy vừa bị bắt; gần 340 tỷ gửi ngân hàng bị 'bốc hơi' ảnh 3
EVN sẽ phải giảm giá điện khi chi phí bình quân đầu vào giảm 1%.

Theo quyết định mới, hằng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và điều hành - quản lý ngành) và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Đáng chú ý, chi phí điều hành giao dịch thị trường điện lực và chi phí điều hành - quản lý ngành là khoản được đưa vào trong chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN sau khi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) được đưa về Bộ Công Thương.

Theo quyết định mới, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên, giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Xem thêm tại tienphong.vn