Luỹ kế đầu năm 2024, có hơn 28,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại

Công ty chứng khoán MB (MBS) vừa công bố báo cáo phân tích về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo MBS, tháng 4/2024 (từ 1 - 23/4), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công giảm 40% với tháng trước, song tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời với kết quả này, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng giảm với mức bình quân gia quyền từ đầu năm đến nay khoảng 9,9%.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong tháng giảm mạnh so với xu hướng tăng đầu năm

Từ ngày 1 đến ngày 23/4, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 9.5 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Ngành Ngân hàng là nhóm có lượng phát hành chủ yếu trong tháng, trong đó bao gồm Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (3 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 3,7%), Ngân hàng TMCP Quân Đội (1,6 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 84-120 tháng, lãi suất 6,2%-6,5%) và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (800 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 3,9%).

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 36,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền trong 4 tháng đầu năm ước khoảng 9,9%, cao hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.

Từ đầu năm đến nay, Bất động sản là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 16,4 nghìn tỷ, (giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái) chiếm tỷ trọng 45%, lãi suất bình quân gia quyền là 12,3%/năm, kỳ hạn bình quân 2,5 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Vinhomes (6 nghìn tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup – CTCP (6 nghìn tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2,5 nghìn tỷ đồng).

Xếp sau là nhóm ngành Ngân hàng với tổng giá trị phát hành đạt 9,4 nghìn tỷ đồng (năm 2023 giá trị phát hành là 400 tỷ đồng), tỷ trọng 25%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng vẫn là 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân là 5,7 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (3 nghìn tỷ đồng), NH TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (3 nghìn tỷ đồng) và NH TMCP Quân Đội (2,6 nghìn tỷ đồng).

Giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp cải thiện so với hai tháng đầu năm

Trong tháng 4, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 7,6 nghìn tỷ đồng, giảm 48% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 28,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 43% so với cùng kỳ.

Áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh trong quý 2, hai nhóm ngành ngân hàng và bất động sản vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn

Theo MBS, ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lớn nhất sẽ rơi vào quý 2 năm nay với khoảng tầm 72 nghìn tỷ đồng (đã trừ đi các khoản mua lại). Trong đó, nhóm Ngân hàng và Bất động sản lần lượt chiếm 32% và 27%. Đặc biệt, áp lực thanh toán vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp bất động sản khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, các khó khăn, vướng mắc về pháp lý và trong triển khai thực hiện dự án chưa được tháo gỡ, các doanh nghiệp cần thời gian để cân đối lại dòng tiền hoạt động trong khi khả năng chả nợ của các doanh nghiệp vẫn đang ở mức yếu.

Đáng chú ý, trong tháng 4 không ghi nhận bất kỳ thông tin trái phiếu doanh nghiệp chậm trả nào.

Hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 193,6 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.

Xem thêm tại vneconomy.vn