Mô hình kinh doanh độc bản dưới lăng kính từ EVNFinance và tân binh F88 chuẩn bị IPO

Khác với phần lớn tổ chức đang hoạt động tại Việt Nam, EVNFinance (mã: EVF) là trường hợp đặc biệt trên thị trường chứng khoán. Không phải ngân hàng, không thuộc nhóm doanh nghiệp sản xuất truyền thống, EVF hiện là công ty niêm yết duy nhất trên HoSE hoạt động theo mô hình “trung gian tín dụng” trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng – tách biệt với phương thức truyền thống.

Cùng theo đuổi mô hình kinh doanh độc lập với ngân hàng, nhưng F88 lại chọn hướng đi khác: Phát triển chuỗi cửa hàng tài chính vi mô có tài sản đảm bảo, tập trung vào phân khúc khách hàng đại chúng. Nếu EVNFinance đã ổn định vị thế trên HoSE và duy trì tăng trưởng đều đặn nhiều năm, thì F88 là tân binh niêm yết trên UPCoM vào tháng 7/2025, với tham vọng IPO trên HoSE vào năm 2027 với vốn hóa chạm mốc 1 tỷ USD.

Mô hình kinh doanh độc bản dưới lăng kính từ EVNFinance và tân binh F88 chuẩn bị IPO
Mô hình kinh doanh độc bản dưới lăng kính từ EVNFinance và tân binh F88 chuẩn bị IPO

Những mô hình kinh doanh độc bản ngành tài chính

Đa phần, mọi người thường hiểu EVNFinance như một mảnh ghép trung gian tín dụng quy mô lớn. Thực tế, công ty hoạt động như một đơn vị trung gian kết nối vốn giữa các nguồn tài chính như ngân hàng, nhà đầu tư và khách hàng cuối – bao gồm doanh nghiệp hoặc cá nhân. Thông qua các hoạt động như tài trợ tiêu dùng, bảo lãnh và cung cấp dịch vụ tài chính, công ty từng bước khẳng định vai trò cầu nối trên thị trường.

Gần đây, EVNFinance chuyển mình mạnh mẽ, từ trung gian sang tổ chức tài chính chủ động. Doanh nghiệp bắt đầu cung cấp trực tiếp các sản phẩm cho vay tiêu dùng, SME, tín dụng dự án, bảo lãnh và dịch vụ trái phiếu, đồng thời mở rộng hệ sinh thái tài chính phục vụ từ doanh nghiệp lớn đến hộ kinh doanh cá thể.

Trong khi đó, F88 lại mang nội lực của startup phát triển thần tốc. Với chuỗi hơn 888 cửa hàng phủ khắp 63 tỉnh thành, F88 cung cấp các dịch vụ cho vay nhanh, cầm đồ, bảo hiểm… chủ yếu hướng tới người có thu nhập trung bình và thấp – thị trường giàu tiềm năng nhưng thường bị bỏ ngỏ.

Điểm khác biệt nổi bật của F88 là dù không phải tổ chức tín dụng, doanh nghiệp vẫn cung cấp dịch vụ tài chính thông qua mô hình cho vay tài sản thế chấp – cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của người dùng đại chúng. Hơn nữa, F88 trải qua nhiều vòng gọi vốn lớn với sự tham gia của các quỹ đầu tư ngoại và đang hướng đến tiêu chuẩn hóa quản trị doanh nghiệp, chuẩn bị cho kế hoạch IPO trong thời gian tới.

Dù mỗi doanh nghiệp theo đuổi một con đường riêng, cả EVNFinance và F88 đều đang góp phần làm sôi động bản đồ tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Nếu EVNFinance đại diện cho mô hình tài chính tổng hợp quy mô lớn, vận hành bài bản và hướng đến phát triển bền vững, thì F88 là hình mẫu điển hình cho chiến lược tăng trưởng nhanh, khai thác tốt thị trường ngách và thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế.

Định giá nào cho EVN Finance, F88?

Không ít nhà đầu tư băn khoăn đâu là điểm tựa hợp lý để định giá những cổ phiếu “độc bản” như EVF. Nhờ nhiều điểm tương đồng về lĩnh vực tài chính, EVF thường được so sánh với nhóm cổ phiếu ngân hàng – như một cách để "cân đo đong đếm" giá trị.

Tại mùa báo cáo tài chính quý I/2025, EVF nổi bật khi so sánh với các ngân hàng ở một số chỉ tiêu như: Hệ số chi phí hoạt động (CIR) thuộc Top thấp nhất ngành - chỉ 13%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở nhóm dẫn đầu (66%), và lợi nhuận tăng trưởng bền vững (+80%). Với lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 704 tỷ đồng và quý I/2025 đạt 306 tỷ đồng, EVF hiện có giá trị sổ sách ở vùng 12.159 đồng/cổ phiếu. So với thị giá hiện tại, đây được xem là cổ phiếu đang ở vùng giá hấp dẫn.

Mô hình kinh doanh độc bản dưới lăng kính từ EVNFinance và tân binh F88 chuẩn bị IPO

Sau khi công bố kết quả quý I, dòng tiền bắt đầu chảy mạnh trở lại với EVF. Cụ thể, thanh khoản cổ phiếu cải thiện rõ rệt, với khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 16 triệu cổ phiếu. Giá cổ phiếu EVF trong tháng 4–5/2025 duy trì quanh vùng 10.600 đồng, cao hơn đáng kể so với mức trung bình quý trước.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Mức định giá hiện tại liệu đã phản ánh đầy đủ giá trị của EVF – doanh nghiệp theo đuổi mô hình trung gian tín dụng duy nhất trên sàn? Với nhiều nhà đầu tư, một tham chiếu gần hơn chính là F88 – tên tuổi đang dần “gần hóa” khái niệm tài chính vi mô với đại chúng, và sở hữu mô hình kinh doanh cũng tách biệt với hệ thống ngân hàng.

F88 đang mở rộng quy mô thông qua huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, tiêu biểu là khoản vay 30 triệu USD từ Lendable và hợp tác dài hạn với Lending Ark, GreenArc Capital – nâng tổng hạn mức vay vượt 170 triệu USD. Tân binh này dự kiến niêm yết trên UPCoM tháng 7/2025, đặt mục tiêu IPO HoSE năm 2027 với kỳ vọng vốn hóa 1 tỷ USD.

Diễn biến tại F88 cũng phần nào phản ánh làn sóng tái cấu trúc và chuẩn hóa mô hình hoạt động trong ngành tài chính tiêu dùng. Cụ thể, SeABank vừa chuyển nhượng 100% vốn PTF cho AEON Financial (Nhật Bản). SHB bán SHB Finance cho Krungsri (Thái Lan), nối dài chuỗi M&A của các định chế tài chính khu vực.

Trước đó, VPBank từng gây tiếng vang khi bán 45% cổ phần FE Credit cho SMBC (Nhật Bản) với định giá 1,4 tỷ USD – một trong những thương vụ lớn nhất ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam. Thị trường cũng ghi nhận loạt thương vụ khác như: Prudential Finance chuyển nhượng cho Shinhan Card (151 triệu USD), SCB (Thái Lan) thâu tóm Home Credit Việt Nam...

Xem thêm tại nguoiquansat.vn