Một chỉ báo quan trọng giúp nhà đầu tư chứng khoán chiến thắng thị trường từ đầu năm

Sau khi bất ngờ giao dịch sôi động vào cuối năm ngoái, thị trường chứng khoán đã sớm quay trở lại trạng thái ảm đạm. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE sụt giảm 3 tháng liên tiếp và rơi xuống mức 7.600 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 28 tháng kể từ tháng 11/2020. VN-Index cũng không đủ lực bứt phá và chỉ tăng gần 4,5% từ đầu năm 2023 dù đã khởi đầu đầy khởi sắc.

Trong bối cảnh thị trường liên tục rung lắc mạnh, khối ngoại trở thành điểm tựa nâng đỡ quan trọng dù giao dịch đã có phần chậm lại so với trước đó. Từ đầu năm 2023, khối ngoại đã mua ròng gần 7.300 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, cổ phiếu HPG được gom mạnh nhất với giá trị mua ròng lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Theo sau lần lượt là SSI (942 tỷ), POW (810 tỷ), HSG (809 tỷ), STB (574 tỷ), VRE (567 tỷ), VCI (563 tỷ), VND (464 tỷ), IDC (428 tỷ), HCM (423 tỷ),…

Một chỉ báo quan trọng giúp nhà đầu tư chứng khoán chiến thắng thị trường từ đầu năm - Ảnh 1.

Đáng chú ý, toàn bộ top 10 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất trên sàn đều có hiệu suất rất khả quan với mức tăng 2 chữ số từ đầu năm. Thậm chí, một số cổ phiếu còn có mức tăng rất ấn tượng như HSG (+41,6%), VCI (+37,6%), POW (+24,9%), HCM (+24,3%), IDC (+24,3%),… Mức tăng vượt trội so với VN-Index trong cùng thời kỳ phần nào cho thấy độ “khoẻ” của các cổ phiếu này.

Chiều ngược lại, hầu hết các cổ phiếu bị bán ròng mạnh trong top 10 đều có hiệu suất âm, ngoại trừ duy nhất một cái tên là VCB (+13,8%). Nhiều cổ phiếu thậm chí còn giảm trên 2 chữ số có thể kể đến như DPM (-21,3%), NLG (-17,8%), EIB (-17,6%), DGC (-13,4%). Điều này phần nào cho thấy áp lực từ khối ngoại là không thể xem nhẹ.

Dù diễn biến cổ phiếu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và một số cái tên còn có câu chuyện riêng nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của khối ngoại. Đây là một chỉ báo nhà đầu tư có thể tham khảo để “nương theo” trong bối cảnh thị trường chưa thể có một con sóng thực sự rõ ràng trên diện rộng.

Về diễn biến thị trường, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư nên quan sát kĩ thị trường ở vùng điểm từ 1.035 -1.040 điểm. Nếu có được sự tích lũy tốt và dòng tiền gia tăng trở lại, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân đối với các cổ phiếu cho tín hiệu tạo 2 đáy thuộc các nhóm ngành như dầu khí, chứng khoán, bất động sản. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần giữ tâm lý phòng thủ tại thời điểm hiện tại và hạn chế giải ngân sớm khi chưa có dấu hiệu gia tăng dòng tiền một cách rõ ràng.

Trong tuần giao dịch tới, thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng, như tăng trưởng GDP quý 1, chỉ số CPI quý 1,.. Đồng thời, một số doanh nghiệp có thể công bố số ước tính kết quả kinh doanh quý 1. Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect, cho rằng tăng trưởng kinh tế cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ không thực sự khả quan trong quý đầu tiên của năm 2023.

Trước đó, thị trường chứng khoán đã đón nhận nhiều thông tin quan trọng. Đầu tiên, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức nâng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản và để ngỏ khả năng sẽ có thêm 1 lần tăng lãi suất nữa trước khi ngừng lại. Mặt bằng lãi suất neo cao thêm một thời gian nữa để kiềm chế lạm phát, sẽ tiếp tục tác động tiêu cực tới hệ thống tài chính và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong nước, thị trường chứng khoán đã đón nhận một số thông tin hỗ trợ, cụ thể là việc mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động duy trì xu thế giảm. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có những cải thiện bước đầu như giá trị phát hành TPDN tăng trở lại sau 2 tuần Nghị định 08 chính thức được ban hành hay một số doanh nghiệp thỏa thuận thành công việc gia hạn trái phiếu. Những thông tin này có thể hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư trong thời gian tới và khơi thông dòng vốn của nhà đầu tư trong nước quay trở lại thị trường chứng khoán.

Xem thêm tại cafef.vn